14:35 25/03/2022

“Omicron tàng hình” lây nhanh ở Trung Quốc

Bình Minh

Dù độc lực của virus đã có sự thay đổi rõ rệt, Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược “zero Covid” (không Covid) nghiêm ngặt...

Một điểm xét nghiệm Covid ở Trung Quốc hôm 22/3 - Ảnh: Getty/CNBC.
Một điểm xét nghiệm Covid ở Trung Quốc hôm 22/3 - Ảnh: Getty/CNBC.

Trong bối cảnh Trung Quốc đại lục trải qua đợt bùng dịch Covid-19 mạnh nhất kể từ đầu năm 2020, giới chức các địa phương nước này cho biết biến chủng phụ BA.2 của Omicron là nguyên nhân dẫn tới số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Theo nghiên cứu ban đầu, BA.2 có mức độ lây lan nhanh hơn so với chủng đầu tiên của Omicron, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy biến chủng phụ này có độc lực gia tăng.

Từ hôm 12/3 đến nay, Trung Quốc mỗi ngày báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm mới. Ba ngày gần đây, số ca nhiễm mới vượt mức 2.000 ca mỗi ngày. Đó là chưa tính đến các ca nhiễm không có triệu chứng – con số có thể cao hơn nhiều so với số lượng ca nhiễm được báo cáo.

Từ tỉnh Cát Lâm thuộc miền Bắc, nơi chiếm hơn một nửa số ca nhiễm mới được báo cáo hàng ngày trên toàn quốc, cho tới những trung tâm công nghiệp như Đường Sơn và Thẩm Quyến, các địa phương đều cho rằng Omicron BA2 là nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm hiện nay.

“Biến chủng phụ BA.2 đã gây ra đợt bùng dịch này, và lây lan nhanh hơn, dễ hơn so với các chủng virus trước”, chính quyền tỉnh Phúc Kiến nói trong một tuyên bố hôm thứ Ba. Theo tuyên bố, các ca mắc BA.2 khó phát hiện hơn, nhưng thường là các ca bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Các nhà khoa học gọi BA.2 là biến chủng “tàng hình” vì có chứa những đột biến khiến cho biến chủng này khó được phân biệt với biến chủng cũ Delta thông qua phương pháp xét nghiệm PCR.

Dù độc lực của virus đã có sự thay đổi rõ rệt, Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược “zero Covid” (không Covid) nghiêm ngặt. Chiến lược này dựa vào phong toả khu vực, truy vết ca nhiễm, xét nghiệm diện rộng… để kiềm chế sự lây lan của Sars-CoV2. Nhờ “zero Covid”, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh sau cú sốc ban đầu vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, theo thời gian, các biện pháp chống dịch hà khắc đang trở thành một gánh nặng đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Thành phố Thẩm Quyến, một trung tâm kinh tế sôi động ở tỉnh Quảng Đông, vừa bị phong toả trong tuần trước. Sau đợt phong toả, các hoạt động ở thành phố này đã trở lại gần như bình thường, nhưng nhiều người vẫn phải xét nghiệm Covid hàng ngày vì phải có kết quả xét nghiệm âm tính họ mới có thể tham gia các cuộc hẹn công việc – ông Klaus Zenkel, Chủ tịch phụ trách khu vực miền Nam Trung Quốc của Hội đồng Thương mại EU ở Trung Quốc, cho hay.

“Hy vọng là với tất cả những trải nghiệm này và với những dữ liệu mà Trung Quốc đã có, Chính phủ Trung Quốc có thể tìm ra một phương thức để chuyển từ ‘zero Covid’ sang ‘sống chung với Covid’”.

Xét nghiệm hiện vẫn đang là phương thức chính để các chính quyền địa phương Trung Quốc xác định một người có thể ra vào một thành phố hay một khu dân cư có thể kết thúc phong toả. Việc xét nghiệm này vẫn phải được thực hiện tại các cơ sở y tế, thay vì do người dân tự tiến hành ở nhà. Tại Bắc Kinh, mỗi lần xét nghiệm có giá khoảng 8 Nhân dân tệ (1,25 USD).

Trong một cuộc họp báo của chính quyền Thượng Hải vào hôm thứ Tư tuần này, ông Wu Fan – Phó hiệu trưởng Trường Y Thượng Hải thuộc Đại học Phúc Đán – nhấn mạnh việc công chúng cần tiếp tục duy trì giãn cách xã hội, tuân thủ các quy định về xét nghiệm và y tế, và tự theo dõi sức khoẻ bản thân.

“Hiện nay, biến chủng Omicron BA.2 có vẻ lây rất nhanh”, ông Wu nói. “Chỉ đuổi theo là không đủ, chúng ta cần cắt đường đi của virus”.