16:48 05/05/2021

Phát triển thành công 300 MW điện tái tạo do khu vực tư nhân đầu tư

Mạnh Đức

Dự án Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) đã góp phần huy động 311 triệu USD để phát triển thành công 300 MW điện gió và điện mặt trời với 6 dự án do khu vực tư nhân đầu tư…

Việt Nam đi đầu trong khu vực ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo
Việt Nam đi đầu trong khu vực ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo

Sau 5 năm thực hiện (2016 – 2020), thông qua dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hợp tác nâng cao năng lực của Việt Nam trong xây dựng các chiến lược năng lượng dài hạn, huy động đầu tư tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và cải thiện sự tuân thủ đối với các quy định về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp.

VIỆT NAM ĐI ĐẦU VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TẠI ASEAN

Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam đang ngày càng nhận thấy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo lên 10,7% vào năm 2030.

Dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai một khung chính sách nhằm giúp đạt được các mục tiêu lớn này. Dự án cũng hợp tác với khu vực tư nhân nhằm phát triển các giải pháp năng lượng sạch và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein, cho biết sự tăng trưởng điện mặt trời tại Việt Nam trong hai năm qua là rất khích lệ và Việt Nam hiện là quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á. Khu vực tư nhân đã thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng này trong lĩnh vực phát triển điện mặt trời, qua đó thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển do khu vực tư nhân dẫn dắt.

 

Nghị quyết số 55-NQ/TW  của Bộ Chính trị là chủ trương lớn của Đảng nhằm định hướng dài hạn chiến lược an ninh năng lượng nói chung, sự phát triển bền vững, ổn định của ngành năng lượng Việt Nam nói riêng. Trong đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước.

Dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam đã góp phần huy động 311 triệu USD để phát triển thành công 300 MW điện gió và điện mặt trời với 6 dự án do khu vực tư nhân đầu tư. Trong ba năm qua, nhờ các dự án năng lượng tái tạo này cùng với năng lượng tiết kiệm được thông qua các giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng, dự án đã góp phần giảm phát thải khoảng 730.000 tấn khí nhà kính, tương đương 365.482.807 kg than.

Dự án cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ kỹ thuật cho sự phát triển lưới điện tương lai của Việt Nam và xây dựng Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Dự án cũng đã hỗ trợ việc xây dựng chương trình thí điểm Cơ chế Mua bán điện trực tiếp (DPPA) và sau khi có phê duyệt cuối cùng, cơ chế này sẽ tạo thuận lợi cho các công ty tư nhân như Nike, AB InBev, Adidas hợp tác với Việt Nam để cấp vốn cho các dự án phát triển điện mặt trời và điện gió mới, đồng thời gia tăng những đóng góp của Việt Nam trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng các Tiêu chuẩn Hiệu suất Năng lượng Tối thiểu (MEPS) nhằm giảm tiêu thụ điện trong sản xuất công nghiệp, tiếp tục góp phần thúc đẩy các mục tiêu hiệu quả năng lượng của Việt Nam.

Theo tính toán trong báo cáo Đóng góp quốc gia tự thực hiện (NDC) của Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp và năng lượng sẽ đóng góp giảm 5,5%/9,0% mức phát thải khí nhà kính quốc gia vào năm 2030 tương ứng với giảm 51,5 triệu tấn CO2 thông qua thực hiện 25 giải pháp chi phí thấp (16 giải pháp về sử dụng lượng hiệu quả và 9 giải pháp về sử dụng năng lượng sạch, NLTT) và sẵn sàng thực hiện 14 giải pháp có chi phí cao (5 giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả và 9 giải pháp về sử dụng năng lượng sạch, tái tạo) để đóng góp giảm thêm đạt 16,7%/27% so với tổng mức dự báo phát thải vào năm 2030.

 TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ, NÂNG CAO TÍNH CẠNH TRANH

Tiếp tục phát huy thành công của dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Bộ Công Thương thông qua dự án mới là dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II (V-LEEP II).

Theo đó, dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam để huy động đầu tư tư nhân nhằm tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến và sẽ hỗ trợ thiết kế dự án cho các nhà phát triển năng lượng sạch và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho bên vay liên quan đến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. 

 

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ sẽ tham gia đóng góp vào quá trình thiết kế, huy động tài chính, xây dựng và vận hành các nguồn lực năng lượng sạch mới, bao gồm: 2.000 MW năng lượng tái tạo và 1.000 MW từ các nhà máy nhiệt điện khí chu trình hỗn hợp.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam sẽ cùng phối hợp để cải thiện công tác lập quy hoạch và phương thức vận hành hệ thống điện nhằm tăng cường hiệu quả ngành năng lượng. Việt Nam đang chuẩn bị công bố Quy hoạch điện VIII, do đó dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho công tác thực hiện quy hoạch cũng như hỗ trợ việc hòa lưới điện và điều độ nguồn năng lượng tái tạo biến đổi.

Nhằm hướng tới phát triển lĩnh vực năng lượng bền vững và dựa vào thị trường, dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II sẽ thúc đẩy tính minh bạch trong quy trình đấu thầu, theo dõi và đánh giá Chương trình thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực tiếp và hỗ trợ tăng cường năng lực cho đội ngũ lao động, chính quyền địa phương và các cơ chế mua bán cạnh tranh tương tự khác.

Nhận thức được vai trò của khu vực tư nhân, dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II cũng sẽ cấp kinh phí tài trợ cho các phương thức tiếp cận đổi mới và sáng tạo nhằm huy động đầu tư tư nhân vào các hệ thống năng lượng tiên tiến, thúc đẩy các chương trình ươm mầm và tăng tốc, đồng thời hỗ trợ nâng cao vai trò của các chuyên gia nữ trong lĩnh vực năng lượng.