Phi công người Việt tại VNA sẽ được tăng lương theo cơ chế tiền lương mới
Chính phủ quy định việc trả thêm tiền lương cho phi công là người Việt Nam được căn cứ vào chức danh và thời gian làm việc thực tế của phi công theo quy chế của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA)...
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 64/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Trong đó, bổ sung quy định xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho phi công là người Việt Nam.
Cụ thể, đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), nguồn tiền lương bổ sung tối đa hằng năm được căn cứ vào mức độ chênh lệch giữa mức tiền lương trước khi được bổ sung của phi công là người Việt Nam và mức tiền lương (gồm lương cơ bản, lương theo giờ bay và lương theo giờ giảng dạy) của phi công là người nước ngoài, tính bình quân tương ứng theo nhóm chức danh trong cùng đội bay và thời gian làm việc thực tế của người lái máy bay.
Mức tiền lương trước khi được bổ sung của phi công là người Việt Nam là mức tiền lương được hưởng từ quỹ tiền lương thực hiện hằng năm, theo quy chế trả lương của VNA.
Việc phân bổ quỹ tiền lương thực hiện hằng năm để trả lương cho phi công là người Việt Nam được lấy theo tỷ lệ (%) giữa phần tiền lương thực tế năm 2022 trả cho phi công là người Việt Nam so với quỹ tiền lương thực hiện của năm 2022.
Việc xác định nguồn tiền lương bổ sung phải phù hợp với khả năng đáp ứng tài chính của VNA, bảo đảm VNA hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao hằng năm (nếu VNA lỗ thì phải giảm lỗ so với thực hiện của năm trước liền kề).
Nguồn tiền lương bổ sung được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của VNA theo quy định của pháp luật, và được sử dụng để trả cho phi công là người Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng lao động cho VNA tại thời điểm trả thêm tiền lương, không chi trả cho các đối tượng khác hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Việc trả thêm tiền lương cho phi công là người Việt Nam được căn cứ vào chức danh và thời gian làm việc thực tế của phi công theo quy chế của VNA.
Đề xuất VNA được tính thêm nguồn tiền lương trả cho phi công được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng từ hồi tháng 5 năm nay trong bối cảnh quỹ tiền lương hiện nay của VNA không đủ bù đắp tiền lương phi công Việt Nam, khiến hãng phải đối mặt với tình trạng “chảy máu” nguồn lao động phi công Việt Nam.
Giai đoạn 2018 – 2022, số phi công Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động với VNA là 154 người. VNA dự báo khi thị trường hàng không phục hồi hậu Covid-19, con số này còn tiếp tục gia tăng nếu không có động thái tích cực để giữ chân người lao động, điều này đang ảnh hưởng lớn đến các hoạt động bay của VNA.
Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phục vụ xây dựng chính sách xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho phi công Việt Nam, VNA cho biết, tổng quỹ tiền lương năm 2022 của hãng là gần 1.700 tỷ đồng, mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 59% so với phi công nước ngoài (khoảng 145 triệu/tháng) cùng làm việc tại VNA.
Mặc dù VNA luôn dành sự ưu tiên cải thiện thu nhập đôi với phi công Việt Nam, nhưng do việc xác định quỹ tiền lương của VNA bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện, quy định của nhà nước nên nguồn quỹ tính theo quy định chưa đủ để trả mức lương thu hút, giữ chân nguồn lực đặc thù.
Hơn nữa, phi công là lực lượng lao động đặc thù trong ngành Hàng không nói chung và VNA nói riêng do khó tuyển dụng, khan hiếm trên thị trường lao động trong nước và trên thế giới.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lao động sử dụng nhưng đóng góp lớn vào yếu tố an toàn và kết quả sản xuất kinh doanh của một hãng Hàng không. Thời gian đào tạo và tích lũy kinh nghiệm khai thác dài (bình quân từ 7-10 năm), chi phí đào tạo lớn, khó thay thế trong thời gian ngắn hạn.
Mức lương, thưởng và chế độ chính sách đãi ngộ cao hơn nhiều lần so với mặt bằng chung các chức danh trên thị trường lao động.
Chưa kể hiện chi phí nhân công của 1 phi công nước ngoài (gồm lương, phí dịch vụ, bảo hiểm, đào tạo,...) luôn gấp 2 lần chi phí nhân công của phi công Việt Nam. Mức tiền lương của phi công nước ngoài bằng 1,6 lần của phi công Việt.
Khi VNA đối mặt với việc các đối thủ cạnh tranh thu hút phi công Việt Nam bằng thu nhập cao hơn, cứ 1 phi công Việt Nam nghỉ việc giai đoạn không ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, VNA phải tuyển 1 phi công nước ngoài thay thế và phải mất thêm một khoản chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng/người/năm (giai đoạn phục hồi).
Giả sử số lượng có thể chảy máu nguồn lực giai đoạn 2023-2025 là 120-240 phi công mỗi năm thì chi phí phụ trội VNA phải trả để thuê phi công nước ngoài thay thế phi công Việt Nam bỏ việc là 300-600 tỷ đồng/năm.