Phiên “rối loạn” của cổ phiếu ngân hàng, tiền bắt đáy được kích thích
Thị trường bất ngờ rung lắc chóng mặt trong phiên chiều nay, xuất phát từ đợt bán tháo chớp nhoáng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà nổi bật là STB. Ảnh hưởng của đợt bán này khá rộng, phản ánh trên sự co hẹp đáng kể của độ rộng trong chỉ số. Tuy nhiên dòng tiền bắt đáy một lần nữa phát huy sức mạnh, đẩy thanh khoản sàn HoSE lên mức cao nhất 4 tuần...
Thị trường bất ngờ rung lắc chóng mặt trong phiên chiều nay, xuất phát từ đợt bán tháo chớp nhoáng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà nổi bật là STB. Ảnh hưởng của đợt bán này khá rộng, phản ánh trên sự co hẹp đáng kể của độ rộng trong chỉ số. Tuy nhiên dòng tiền bắt đáy một lần nữa phát huy sức mạnh, đẩy thanh khoản sàn HoSE lên mức cao nhất 4 tuần.
STB hôm nay xác lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản nếu tính theo giá trị, và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 nếu tính theo khối lượng. Đã có 74,86 triệu STB được sang tay, trị giá 2.149,3 tỷ đồng, chưa kể 37,8 tỷ đồng giá trị thỏa thuận.
STB phiên sáng yếu, nhưng mức giảm chỉ là 0,67% so với tham chiếu, thanh khoản 166,8 tỷ đồng cũng không phải là cao. Đột biên bước vào phiên chiều, lực bán ở STB tăng vọt và xuất hiện rất nhiều thông tin lộn xộn trên các hội nhóm, diễn đàn. Lực bán cực mạnh kéo dài cho đến khi giá STB chạm mức sàn lúc 2h15.
Diễn biến bất ngờ của STB tác động lan sang các cổ phiếu ngân hàng khác. Cả loạt mã nhóm này rơi theo khá sâu: VPB giảm mạnh nhất giảm tới 1,75%, VCB giảm 0,86%, CTG giảm 2%, VIB giảm 0,99%, ACB giảm 0,91%, BID giảm 1,81%... Cổ phiếu ngân hàng có ảnh hưởng đáng kể lên VN30-Index, đẩy chỉ số này giảm tại đáy tới -0,85% so với tham chiếu và VN-Index giảm sâu nhất 0,78%.
Độ rộng sàn HoSE tại đáy chỉ số hẹp, với 138 mã tăng/294 mã giảm, đảo ngược hoàn toàn so với thời điểm cuối phiên sáng (240 mã tăng/151 mã giảm). Điều này cho thấy tác động cũng lan tỏa ra khắp thị trường, ép rất nhiều mã tụt giá qua mức tham chiếu.
Tuy nhiên những rối loạn này qua khá nhanh nhờ dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. STB có 15 phút cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục phục hồi thoát đáy và đợt ATC nảy lên cao hơn, co hẹp mức giảm từ sàn thành -3,33%, tương đương phục hồi khoảng 3,94% so với đáy. Một số cổ phiếu ngân hàng phục hồi đủ mạnh để quay lại vượt tham chiếu, như HDB tăng từ đáy 1,89% và đóng cửa trên tham chiếu 1,61%; VCB phục hồi 0,96%, quay lại tăng 0,1%; VIB phục hồi 1,25% thành tăng 0,25%... Nhóm ngân hàng chốt phiên còn 13/27 mã giảm giá ở các sàn, với 7 mã giảm hơn 1%. Thanh khoản của nhóm này trên HoSE tăng vọt gấp đôi hôm qua, đạt 4.672 tỷ đồng, cao nhất 30 phiên.
Hiện tượng bắt đáy ở các cổ phiếu còn lại khá hơn nhiều so với ngân hàng. Đầu tiên là độ rộng lại đảo ngược: HoSE đóng cửa với 220 mã tăng/192 mã giảm, tương đương gần 100 mã quay đầu thành công. Thứ hai là có 221 cổ phiếu phục hồi thoát đáy với biên độ trên 1%, chiếm tới 57% tổng số cổ phiếu phát sinh giao dịch. Trong 220 cổ phiếu đóng cửa trên tham chiếu cuối ngày, 100 mã tăng quá 1%.
Nhịp rung lắc mạnh buổi chiều cũng tạo điều kiện cho dòng tiền hoạt động mạnh mẽ, đưa thanh khoản tăng vọt 60% so với phiên sáng, đạt 12.850 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn. Riêng HoSE giao dịch 11.895 tỷ đồng, tăng 60%. VN30 tăng giao dịch 122% với 5.405 tỷ đồng. Do phiên chiều rất sôi động nên tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX cả phiên đạt 20.900 tỷ, tăng 23% so với phiên trước.
VN-Index đóng cửa quay đầu tăng 2,98 điểm tương đương 0,26%, hoàn toàn là mức tăng trong đợt ATC. Lực cầu dồn vào đợt này khá mạnh và quyết định diễn biến đảo chiều thành công. Chỉ số phụ thuộc nhiều vào các cổ phiếu tầm trung, trong đó FPT tăng tốt nhất rổ VN30 với 3,3%; VJC thứ hai với 3,16%. Tiếp đó là HPG tăng 1,66%, HDB tăng 1,61%, MBB tăng 1,63%, NVL tăng 1,34%.
Khá nhiều cổ phiếu ngoài nhóm blue-chips tăng giá rất ấn tượng với thanh khoản lớn. Tiêu biểu là VND tăng 3,06% với 801,9 tỷ đồng thanh khoản; VIX tăng 6,84% với 513,2 tỷ; CII tăng 4,24% với 383,6 tỷ; VCG tăng 2,47% với 328,2 tỷ; NKG tăng 3,75% với 279,3 tỷ; NLG tăng 6,49% với 247,6 tỷ; VCI tăng 2,4% với 211,1 tỷ; HDC tăng 6,89% với 100,6 tỷ…
Khối ngoại chiều nay xả ròng 269 tỷ đồng ở STB. Tuy vậy tổng khối lượng bán ra ở STB chỉ chiếm hơn 14% thanh khoản, còn nhà đầu tư trong nước mới là lực bán chính. VHM cũng bị bán ròng đột biến 107 tỷ đồng. VPB bị bán thêm chút ít chiều nay và tính chung cả ngày là -42,9 tỷ đồng ròng. DGC, MWG, CTG, EIB, POW, VCB là các mã khác bị bán ròng nhiều trong phiên chiều. Riêng chiều nay khối này rút ròng 371,7 tỷ đồng trong khi phiên sáng đang mua ròng 71 tỷ đồng. Các mã được mua ròng tốt là VHM, HPG, KBC, SSI, PNJ, VND, NLG, VCI.