08:54 18/05/2023

Primark “thoát” lạm phát nhờ triết lý kinh doanh kỳ lạ

Tuệ Mỹ

Với 100 USD để mua sắm, bạn chỉ có thể mua được một chiếc quần jeans của Levi’s hoặc một nửa chiếc cà vạt của thương hiệu Hermès, thế nhưng bạn có thể đến Primark và lấp đầy tủ quần áo của mình...

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Trước khi Primark xuất hiện, các đối thủ khác như Zara (Tây Ban Nha) và H&M (Thụy Điển) đang "làm mưa làm gió" trên thị trường thời trang giá rẻ. Kinh doanh đồ may mặc là một trong những lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt nhất, bởi đối thủ cạnh tranh nhiều, tâm lý người tiêu dùng dễ bị tác động, sản phẩm thay đổi nhanh và yếu tố thời trang đóng vai trò quan trọng.

Primark chọn một mô hình kinh doanh khác biệt. Theo MarketWatch, trung bình các nhà bán lẻ khác ở Mỹ định giá cao hơn 202% so với Primark. Ngay cả, giá của các sản phẩm tương tự tại Walmart - được coi là biểu tượng tiết kiệm ở Mỹ, cũng cao hơn khoảng 36%. Chiến lược giá là "bức tường" quan trọng để bảo vệ Primark, khiến đối thủ cạnh tranh gần như không thể xâm phạm. Primark xác định bản chất thương hiệu là "Rẻ mà thời trang và thời trang mà rẻ."

Muốn được vậy, Primark phải "rẻ" ở tất cả công đoạn trong chuỗi làm nên sản phẩm và tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Điều này thúc đẩy Primark tập trung sản xuất ở các nước có chi phí thấp hơn, đặc biệt là Bangladesh. Ngoài địa điểm, các đơn đặt hàng của Primark thường được đặt vào giai đoạn thấp điểm của mùa thời trang, qua đó giúp các nhân viên luôn có công việc để làm mà chi phí rẻ. Một yếu tố nữa là Primark tìm mọi cách để cắt giảm chi phí quản lý và đặc biệt không hề chi cho quảng cáo và tiếp thị, trong khi H&M thường dành 4% tổng doanh thu cho việc tiếp thị.

Primark “thoát” lạm phát nhờ triết lý kinh doanh kỳ lạ - Ảnh 1
Primark “thoát” lạm phát nhờ triết lý kinh doanh kỳ lạ - Ảnh 2
 

Đặc biệt nhất, Primark có một chính sách đi ngược với xu thế chung đó là hãng không bán hàng trực tuyến vì hãng cho rằng điều này không khả thi với mức giá bán của mình. Đổi lại, Primark đi theo hướng xây dựng mạng lưới cửa hàng ở những vị trí đắc địa và tiện lợi cho khách hàng tiếp cận, cửa hàng nào cũng phải rất rộng để có chỗ cho khối lượng sản phẩm lớn và cho lượng khách hàng đông.

Chuỗi kinh doanh quần áo trụ sở chính tại Dublin tin rằng công thức bán hàng này của hãng sẽ giúp đẩy cao doanh số bán hàng. Doanh nghiệp tính toán cẩn thận về số lượng khách viếng thăm cửa hàng, mức mua sắm và thói quen mua sắm mỗi khi cần mở cửa hàng mới.

“Hiện tại không có doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh được với chúng tôi về giá cả, chất lượng hàng hóa và giá trị”, chủ tịch của Primark tại Mỹ, ông Kevin Tulip phân tích. Ông Tulip tin rằng chiến lược giá cả và hàng hóa của doanh nghiệp ông hoàn toàn có thể chiến thắng Walmart, Target và nhiều hãng quần áo giá rẻ khác. Với biển bảng đặc trưng màu trắng và xanh neon, các cửa hàng của Primark thường thuê trọn vài tầng, họ bày bán quần áo cùng với nhiều sản phẩm gia dụng và làm đẹp.

Các khách hàng của Primark cũng chấp nhận quan điểm của hãng liên quan đến việc không bán hàng trực tuyến, bởi theo CEO của hãng, không phân phối hàng hóa trực tuyến, doanh nghiệp mới có thể bán được hàng ở mức giá như vậy. Đồng thời, thương hiệu này cũng không cố gắng tạo ra sự quan tâm với các sản phẩm của hãng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, tuy nhiên khách hàng có thể xem hàng trực tuyến và chọn trước và rồi sau đó đến cửa hàng lấy trực tiếp.

Primark “thoát” lạm phát nhờ triết lý kinh doanh kỳ lạ - Ảnh 3
Primark “thoát” lạm phát nhờ triết lý kinh doanh kỳ lạ - Ảnh 4
 
Primark “thoát” lạm phát nhờ triết lý kinh doanh kỳ lạ - Ảnh 5
Primark “thoát” lạm phát nhờ triết lý kinh doanh kỳ lạ - Ảnh 6
 

Tại một nhà kho rộng lớn ở thành phố Roosendaal, miền nam Hà Lan, cần cẩu tự động và xe tự hành lặng lẽ xếp quần áo để cung cấp cho các cửa hàng của nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Primark ở Pháp và Ý. Chúng cũng là một trong những giải pháp mà Primark sử dụng để giảm nhu cầu nhân công khi thị trường lao động thắt chặt và ứng phó chi phí tăng cao do lạm phát.

Với hàng hóa được chất đầy lên đến tận mái, nhà kho mới này, có diện tích bằng hơn 15 sân bóng đá, đã giúp giảm nhu cầu bổ sung không gian ở các nhà kho khác và nhân công, từ đó giúp giảm nền tảng chi phí theo thời gian.

Mark Shirley, người đứng đầu bộ phận hậu cần của Primark, có trụ sở ở Ireland, cho biết khoản đầu tư 25 triệu euro cho việc tự động hóa ở nhà kho ở Roosendaal sẽ giúp tiết kiệm 8 triệu euro mỗi năm từ năm thứ tư. Con số đó là chưa tính khoản tiết kiệm nhờ không cần phải thuê thêm nhà kho mới. Và điều quan trọng là việc sử dụng các phương tiện tự hành đã giúp Primark không còn phải chịu sức ép cạnh tranh trong thị trường lao động cực kỳ chặt chẽ của Hà Lan.

Primark đã trở thành một trong những doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất châu Âu, tuy vẫn thua kém nhiều thương hiệu thời trang lớn khác về doanh thu. Năm 2022, doanh thu bán hàng của hãng chỉ đạt ước tính 9,6 tỷ USD, tức chỉ bằng nửa so với H&M và khoảng 30% so với thương hiệu Zara của Inditex. Nhưng sau đại dịch và giữa cơn bão lạm phát, sự tăng trưởng của một thương hiệu không bán hàng trực tuyến như vậy đủ khiến người ta kinh ngạc.

Những tháng gần đây, Primark đẩy nhanh quá trình mở rộng quy mô tại Mỹ nhằm giành được “miếng bánh” của thị trường bán lẻ quy mô 7 nghìn tỷ USD. Riêng trong năm nay, doanh nghiệp sẽ mở ước tính khoảng 11 cửa hàng tại Buffalo, New York. Doanh nghiệp đồng thời cũng đang mở thêm trung tâm phân phối tại Jacksonville – Florida nhằm phục vụ cho quá trình phát triển tại bang Alabama, Florida, North Carolina và Texas. Quá trình tăng trưởng này sẽ đưa thương hiệu thâm nhập nhiều hơn vào những thành phố ví như Charlotte, New York.

Riêng trong năm nay, Primark sẽ mở khoảng 11 cửa hàng tại Buffalo, New York.
Riêng trong năm nay, Primark sẽ mở khoảng 11 cửa hàng tại Buffalo, New York.

Nhà sáng lập của Primark, ông Arthur Ryan, đã lèo lái công việc kinh doanh của công ty qua suốt 4 thập kỷ trước khi chuyển giao cho ông Paul Marchant vào năm 2009. Hiện tại ông Marchant vẫn đang quản lý doanh nghiệp. Việc các vị trí cấp cao luôn được giữ ổn định đã giúp Primark có được chiến lược phát triển ổn định, lâu dài, theo chuyên gia tư vấn bán lẻ Richard Hyman.

Tháng trước, tại Hội nghị ngành bán lẻ thế giới (World Retail Congress) tổ chức ở Barcelona, Tây Ban Nha, các nhà bán lẻ thời trang toàn cầu đã thảo luận về cách đối phó áp lực từ các cơ quan quản lý và người tiêu dùng để chuyển sang các mô hình bền vững hơn, trong khi đảo ngược tình trạng doanh số bán hàng đang giảm ở châu Âu.

Giám đốc điều hành Shein của Trung Quốc, Mango của Tây Ban Nha và Primark của Ireland nằm trong số những cái tên tham dự. Tại sự kiện, Primarktuyên bố có kế hoạch sẽ mở 60 cửa hàng tại Mỹ trước tháng 10/2026, tăng so với con số 13 hiện tại.