Loạt động thái mới của Shein sau khi bị Mỹ cáo buộc gây rủi ro dữ liệu
Việc mở rộng không ngừng hoạt động bán hàng và sản xuất của Shein từ lâu đã vấp phải sự phản đối từ nhiều tổ chức phi chính phủ, do không đảm bảo quyền lợi người lao động và thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường và khí hậu...
Hồi giữa tháng 4, Ủy ban đánh giá bảo mật và kinh tế Mỹ - Trung (USCC) đã công bố một báo cáo, cáo buộc hai ứng dụng Shein và Temu gây rủi ro đến dữ liệu, vi phạm tài sản sở hữu trí tuệ. Báo cáo của USCC tập trung vào Shein, nền tảng thời trang nhanh nổi tiếng ra đời ở Trung Quốc và trụ sở tại Singapore. Theo dó, ứng dụng yêu cầu người dùng chia sẻ dữ liệu và hoạt động từ các ứng dụng khác, bao gồm mạng xã hội để đổi lấy mã giảm giá, ưu đãi đặc biệt trên các sản phẩm Shein.
Một số vấn đề khác cũng được nêu ra trong báo cáo như Shein sao chép thiết kế của các thương hiệu khác, sản xuất hàng may mặc giá rẻ gây tác động xấu đến môi trường, không truy xuất được nguồn gốc vải sợi... Dù vậy, người đại diện Shein khẳng định công ty cung cấp dịch vụ và hàng hóa với sự tôn trọng hoàn toàn đối với cộng đồng.
Mới đây nhất, Shein cho biết họ đang phân bổ một khoản tiền trị giá 55 triệu đô la cho Chương trình trao quyền cho cộng đồng nhà cung cấp (SCEP) được khởi xướng vào năm ngoái, cùng với khoản đầu tư 15 triệu đô la nữa để hỗ trợ cho các nhà sản xuất bên thứ ba, công nhân và gia đình của họ. Theo The Industry Fashion, khoản đầu tư từ Shein sẽ được sử dụng để tạo ra một hệ sinh thái sản xuất bền vững hơn bằng cách phát triển các giải pháp tinh gọn, sáng tạo cho ngành hàng may mặc thông qua nghiên cứu và phát triển tại Trung tâm Đổi mới Sản xuất Hàng may mặc (CIGM) của hãng.
CIGM sẽ cho phép tiến hành nghiên cứu, phát triển các phương pháp hay nhất để sản xuất hiệu quả và linh hoạt, đồng thời chia sẻ kiến thức với các đối tác sản xuất của họ để thúc đẩy cải tiến quy trình và tổ chức, dẫn đến việc chuyển đổi các trung tâm sản xuất hàng may mặc của Shein trên toàn cầu. Shein cũng sẽ cung cấp đào tạo và nâng cao kỹ năng cho công nhân trong chuỗi cung ứng, đồng thời kết hợp các khóa học hội thảo và ứng dụng lý thuyết và thực tiễn cho các trung tâm sản xuất hàng may mặc của Shein trên khắp thế giới.
“Trong mười năm qua, Shein đã đi đầu trong việc chuyển đổi ngành thời trang bằng cách thúc đẩy mô hình sản xuất theo yêu cầu sáng tạo của chúng tôi nhằm giảm sản xuất dư thừa và tạo ra nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng, toàn ngành và toàn xã hội”, ông Tony Ren, Tổng Giám đốc chuỗi cung ứng của Shein cho biết. “Shein sẽ tiếp tục phấn đấu để trao quyền cho ngành thời trang bằng cách khám phá, nghiên cứu và đào tạo các giải pháp đổi mới tiên tiến”.
Công ty sẽ đầu tư 15 triệu đô la để giúp nâng cấp hàng trăm nhà máy của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của mình, 10 triệu đô la để cung cấp chỗ ở và phương tiện sinh hoạt cho công nhân, và 5 triệu đô la để xây dựng và bố trí nhân viên cho khoảng 60 trung tâm chăm sóc trẻ em – là con em của các công nhân.
Công ty đặt mục tiêu triển khai 10 trung tâm chăm sóc trẻ em vào năm 2023 và sẽ tiếp tục tài trợ khoảng 216.000 đô la hàng năm để điều hành tất cả các trung tâm này. Dịch vụ của trung tâm chăm sóc trẻ em sẽ được cung cấp miễn phí cho công nhân tại các nhà máy của nhà cung cấp Shein.
Để cải tiến lĩnh vực bán lẻ, Shein cũng vừa công bố ra mắt một thị trường tích hợp toàn cầu có tên Shein Marketplace. Từng giới thiệu ở Brazil vào tháng trước, sẽ ra mắt tiếp theo ở Mỹ trước khi tung ra các thị trường khác, nền tảng này cho phép người bán truy cập thông tin chi tiết theo thời gian thực và đo lường nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó sản xuất theo yêu cầu của công ty.
Theo Modern Retail, tông qua việc sử dụng mô hình độc đáo này trong hơn một thập kỷ, Shein đã tiết kiệm chi phí và giá cả cạnh tranh cho khách hàng của mình. Người bán sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tiếp cận cơ sở khách hàng rộng lớn của Shein, cũng như có một quy trình liền mạch để sản xuất và tiếp thị thương hiệu toàn cầu.
Trước đó, ngày 5/5, gã khổng lồ thời trang nhanh tuyên bố đang lên kế hoạch mở rộng hơn nữa, đặc biệt tại châu Âu, đồng thời nỗ lực cải thiện hình ảnh và sản phẩm của mình thân thiện với môi trường hơn. Nỗ lực này đước công bố trong bối cảnh giá trị thị trường của công ty nhanh chóng gia tăng từ ngưỡng 5 tỷ USD năm 2019 lên tới 100 tỷ USD vào đầu năm 2022 và sau đó giảm xuống 64 tỷ USD năm nay.
Tờ AFP trích dẫn lời Giám đốc chiến lược của Shein là ông Peter Pernot-Day trong dịp khai trương cửa hàng pop-up tại Paris, khẳng định Shein là "nhà sản xuất theo yêu cầu” và đồng thời là “nhà tiên phong toàn cầu về công nghệ này". Với 11.000 nhân viên trên toàn thế giới hiện tại và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, Shein có những kế hoạch lớn để mở rộng hơn nữa quy mô của công ty.
Ông Pernot-Day cũng cho biết điều quan trọng đối với công ty hiện tại là áp dụng chiến lược “địa phương hóa” và đặt các nhóm làm việc tại các quốc gia, khu vực địa lý và khu vực đang kinh doanh. Kế hoạch này còn bao gồm việc xây dựng một nhà kho mới rộng 40.000 m2 ở Ba Lan cũng như các nhà kho tại các khu vực khác nhằm cho phép giao hàng nhanh hơn tới thị trường châu Âu.
Về mặt trực tuyến, Shein có kế hoạch tạo ra một thị trường kỹ thuật số cho phép người mua sắm mua các sản phẩm khác từ các thương hiệu khác thông qua nền tảng của mình. Theo ông Pernot-Day, trải nghiệm mua sắm thời trang và phong cách sống này sẽ đem tới cho khách hàng cảm giác tương tự như khi mua sắm tại các cửa hàng bách hóa sang trọng của Paris.
Ngoài ra, ông Pernot-Day cũng bổ sung Shein đang nỗ lực “phủ xanh” hình ảnh của mình với việc kinh doanh quần áo cũ ở Mỹ, nghiên cứu vật liệu và tích hợp vật liệu tái chế vào các sản phẩm của mình. Trong khi thừa nhận "những lời chỉ trích công bằng" về việc Shein cung cấp ít thông tin cho người dùng về nguồn gốc vật liệu, ông cho biết công ty “đang cố gắng cải thiện cách mô tả và phân loại sản phẩm của mình".
Nguồn tin của Bloomberg cho biết, là một phần của vòng gọi vốn mới nhất vào đầu năm nay, Shein nói với các nhà đầu tư hiện tại rằng họ hy vọng sẽ IPO ở Mỹ sớm nhất là vào năm 2024. Với hy vọng chứng minh mình xứng đáng với mức định giá khổng lồ, nhà bán lẻ này đang vội vã muốn rũ bỏ tiếng xấu là hung thần của Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Được biết, một nhóm các giám đốc điều hành mới đang tập trung vào việc thay đổi hình ảnh của công ty.