11:49 12/01/2023

Quý 1/2023: Giá phân bón vẫn khó “hạ nhiệt”

Chu Khôi

Năm 2022, do tình hình phân bón trên thế giới có nhiều biến động, nên xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng trưởng mạnh về lượng, đạt tới mức 1,7 triệu tấn và kim ngạch vượt qua mốc 1 tỷ USD…

Cần thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ, vi sinh.
Cần thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ, vi sinh.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta khoảng 11 triệu tấn/năm. Năm 2022, tổng sản lượng phân bón sản xuất trong nước đã đạt khoảng 7,5 triệu tấn. Điểm nhấn ấn tượng năm 2022 là sự phát triển khá mạnh mẽ về sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, với khối lượng phân bón hữu cơ sản xuất đạt 2,91 triệu tấn, tăng 13,9% so với năm 2021.

SẢN LƯỢNG PHÂN BÓN HỮU CƠ TĂNG NHANH

Tính đến hết năm 2022, cả nước có 468 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, tổng công suất thiết kế 4,7 triệu tân, tăng 4,4 lần so với năm 2017.

Xu hướng sắp tới, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững được chú trọng, khiến việc sử dụng phân bón chất lượng cao, hàm lượng dinh dưỡng lớn, phát triển các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, sử dụng tiết kiệm và không gây ô nhiễm môi trường ngày càng được coi trọng hơn.

Đối với phân bón vô cơ, các nhà máy sản xuất phân bón đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: phân lân (supe lân, lân nung chảy), phân urea, phân NPK, trong khi đó, phân SA và kali phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón. Năm 2022, sau khi rà soát loại bỏ các cơ sở không đạt yêu cầu hoặc do một số doanh nghiệp chủ động ngừng sản xuất rút khỏi thị trường nên còn 792 cơ sở sản xuất, giảm 112 so với năm 2021, trong đó vô cơ có 261, hữu cơ 161, vô cơ và hữu cơ 308.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD, tăng lần lượt 16,4% và 64% so với năm 2020. Năm 2022, do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam vượt xa về lượng, đạt tới mức 1,7 triệu tấn và do yếu tố về giá nên đã lần đầu tiên vượt qua mốc 1 tỷ USD.

 

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận lưu hành 1.394 sản phẩm phân bón chủ yếu là phân bón không phải khảo nghiệm (1.024 loại, chiếm 73,5%), trong đó 550 loại phân bón vô cơ, 844 loại phân bón hữu cơ.

Tuy nhiên, nước ta vẫn nhập khẩu nhiều phân bón, không chỉ vì một số loại sản phẩm phân bón trong nước không sản xuất được, mà còn là vì nhiều loại phân bón từ nước ngoài tràn vào do lợi thế về thuế.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022 nước ta nhập khẩu 3,44 triệu tấn phân bón các loại. Về chủng loại phân bón nhập khẩu, chủ yếu vẫn nhập phân bón vô cơ với lượng nhập gần 3 triệu tấn; nhập khẩu phân bón hữu cơ là 0,46 triệu tấn. Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu từ Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 45%, Nga 11,9%. So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc tăng 19,5%, Nga tăng 36,9%.  

Nhìn về thị trường phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay giá phân bón vẫn ở mức cao trong năm 2022 đã đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao. Trước kia, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 20 -25% vật tư nông nghiệp, nhưng nay đã lên tới 40-50%. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông sản khác dù tăng nhưng khó có thể bù đắp được chi phí phân bón nói riêng và vật tư nông nghiệp nói chung.

Mặt khác, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng lớn đến hàng triệu người nông dân và nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính.

NĂM 2023: DỰ BÁO GIÁ PHÂN BÓN VẪN CAO

Về mặt chính sách và điều hành, năm 2022 có nhiều văn bản, quyết định của các Bộ, ngành đã tác động mạnh đến ngành phân bón. Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1845/QĐ-BCT ngày 14/9/2022 quyết định không gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 4324/QĐ-BNN-BVTV ngày 9/11/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả giai đoạn 2022-2025.

Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan trong đó có mặt hàng phân bón.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón trên cơ sở sửa đổi, bổ sung QCVN 01-189-2019/BNNPTNT.

Dự báo về cung - cầu và giá phân bón năm 2023, do cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) đã đưa ra 3 kịch bản để phản ánh sự không chắc chắn trong thị trường phân bón.

Cụ thể, kịch bản bi quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023 và đạt 194,6 triệu tấn vào năm 2026, nghĩa là nhiều hơn 2 triệu tấn so với năm 2019, nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với mức năm 2020. Kịch bản trung bình, nhu cầu phân bón thế giới ở mức 202,1 triệu tấn vào năm 2026. Kịch bản lạc quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ đạt 211,1 triệu tấn vào năm 2026.

Ở các kịch bản, đều có rất ít khả năng giá phân bón sẽ giảm xuống thấp hơn vào năm 2023.

Theo IFA, tổng năng lực sản xuất phân bón chứa đạm (tính theo N), phốt pho (tính theo P2O5) và kali (tính theo K2O) quy mô toàn cầu của năm 2022 cao hơn so với năm 2020 và 2021 (năm 2022: 318,8 triệu tấn; Năm 2021: 315,9 triệu tấn; Năm 2020: 313,4 triệu tấn).

 

"Cần phát triển cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ vì đây là xu thế phát triển tất yêu, đáp ứng nhu cầu của người nông dân; hướng đến các mặt hàng chất lượng cao, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường và tránh được giá phân bón hóa học đang ở mức cao".

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Sản xuất phân bón chứa đạm: Trung Quốc, đứng đầu thế giới với khoảng hơn 30 triệu tấn mỗi năm, chiếm 24,6% sản lượng toàn cầu, Hoa Kỳ đứng thứ hai và Ấn Độ đứng thứ ba, sản xuất lần lượt 11,6% và 11,3% nguồn cung toàn cầu.

Sản xuất phân bón chứa lân: Hoa Kỳ đứng thứ hai, với 5 triệu tấn mỗi năm, chiếm 9,9% sản lượng toàn cầu, sau Trung Quốc - sản xuất khoảng 20 triệu tấn, chiếm 37,7%. Ấn Độ đứng vị trí thứ ba, chiếm 9,8% trong tổng sản lượng phân lân toàn cầu.

Sản xuất phân bón kali: Gồm 2 loại MOP và SOP, Canada dẫn đầu về sản lượng MOP, chiếm 31,9% sản lượng toàn cầu với gần 15 triệu tấn/năm, tiếp theo là Belarus sản xuất 16,5%, Nga đứng thứ ba với 16,1%.

Đối với thương mại quốc tế ngành phân bón, Nga đướng đầu trong xuất khẩu phân bón chứa đạm, với 16,5% thị phần xuất khẩu, tiếp theo là Trung Quốc với khoảng 11,2% và Ả Rập Xê-út chiếm 6,4%. Về phân bón chứa lân, Trung Quốc đứng đầu chiếm 25,2%, tiếp theo là Maroc với 17,4% và Nga với 12,7%. Về xuất khẩu kali, Canada chiếm tỷ trọng lớn nhất với 36,2%, tiếp theo là Belarus 18,5% và Nga, chiếm 16,5%.

Trong khoảng 50 năm gần đây giá phân bón thế giới đã có ba lần tăng đột biến, đợt 1 vào năm 1973-1974, đợt 2 vào năm 2007-2008. Từ đầu năm 2021 đến nay, thế giới chứng kiến đợt tăng giá thứ ba của phân bón với mức tăng “phi mã”.

Nguyên nhân là do giá khí đốt tự nhiên (nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm, chiếm từ 70% đến 90% chi phí sản xuất) tăng đột ngột đã dẫn đến tăng giá phân bón, buộc nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa.

Đồng thời, xung đột Nga - Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình nguồn cung phân đạm toàn cầu. Nga đã tạm dừng xuất khẩu hàng trăm mặt hàng trong đó có phân bón, lệnh này kéo dài đối với phân bón đến tháng 5/2023 để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Nhiều dự báo cho rằng năm 2023 giá phân bón vẫn tiếp tục neo ở mức cao. Bởi vậy, Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần đầu tư tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, cắt giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý, đảm bảo yêu cầu cung cấp đủ phân bón cho bà con nông dân.