07:26 26/09/2013

“Rủi ro lãi suất và tỷ giá sẽ không quá lớn”

Hương Giang

Lãnh đạo chuyên trách khối nguồn vốn và ngoại hối của VIB dự báo rủi ro lãi suất và tỷ giá sẽ không quá lớn trong năm tới

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng 
giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối của VIB.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối của VIB.
Cuối tháng 9 này, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) tổ chức chuỗi hội thảo với chủ đề “Tổng quan kinh tế vĩ mô và các giải pháp rủi ro tài chính” tại Hà Nôi, Tp.HCM và Cần Thơ.

Đây là hoạt động được VIB tổ chức khá đều những năm gần đây, nhằm cập nhật thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô, dự báo các tình huống gắn với những tư vấn ứng xử dành cho các doanh nghiệp, khách hàng và đối tác.

Diễn giả chính của chuỗi hội thảo này là ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối của VIB.

Tại hội thảo vừa diễn ra ở Hà Nội, chuyên gia của VIB đã đưa ra một số dự báo đáng chú ý, tập trung ở các yếu tố có cảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như lạm phát, lãi suất, tỷ giá… cuối năm 2013 và trong năm tới.

Cập nhật khá nhanh thông tin về tăng trưởng GDP, diễn biến lạm phát tính đến cuối tháng 9/2013, ông Lê Quang Trung cho rằng, đến thời điểm này có thể cơ bản định hình những nét chính của bức tranh kinh tế cả năm 2013. Trong đó, tăng trưởng GDP nhiều khả năng sẽ không đạt mục tiêu 5,5%, mà mức dự tính khoảng 5,15% sẽ khả thi hơn; lạm phát có thể kiềm chế ở 6,5%; lãi suất và tỷ giá không nhiều biến động; tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục ở mức thấp với khoảng 9%...

Nhấn mạnh đến hai yếu tố có ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới doanh nghiệp là lãi suất và tỷ giá USD/VND, chuyên gia của VIB dự báo rủi ro từ nay đến cuối năm 2013 sẽ không quá lớn, thậm chí sự ổn định tương đối có thể kéo dài trong năm 2014 - 2015.

Là người trong cuộc, ông Trung nhìn nhận, nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay nhìn chung khá dồi dào. Điều này được dẫn chứng ở tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) từng ở mức cao tới hơn 100% đã giảm nhanh về còn khoảng 90%, là một chỉ báo tốt hơn cho thanh khoản hệ thống. Thêm nữa, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, thậm chí ở thời điểm tháng 6/2013 rơi xuống dưới 1%/năm và tiệm cận với lãi suất USD - một diễn biến gắn với biến động của tỷ giá USD/VND ngay sau đó.

Nguồn vốn thuận lợi, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, lãi suất cho vay cũng đã giảm nhanh. Phó tổng giám đốc VIB đánh giá, lãi suất cho vay hiện đã giảm về mức thấp nhất trong gần chục năm qua, gần với những năm 2005 - 2006. Và ông nhấn mạnh rằng, lãi suất hiện không còn là rào cản đối với doanh nghiệp, nhất là khi họ đã từng trải qua những năm có từ 18 - 20%/năm.

Ông Trung dự báo, cuối năm 2013 lãi suất huy động VND sẽ tiếp tục ổn định quanh 7%/năm; xa hơn, năm 2014 có thể có biến động nhưng không lớn, dự tính trong khoảng 8 - 10%/năm. Lãi suất cho vay theo đó sẽ duy trì ở mức thấp, song tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 sẽ khó đạt mục tiêu 12%, mà mức 9% sẽ hiện thực hơn khi gắn với khả năng hồi phục sản xuất kinh doanh và lực cầu của doanh nghiệp.

Về tỷ giá USD/VND, chuyên gia của VIB cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong hai năm qua khi giữ được sự ổn định của tỷ giá và giảm được tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Điểm sáng nay giúp việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động hơn. Và triển vọng của tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn cũng khá rõ khi Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp chủ động và liên tục đưa ra các thông điệp rõ ràng để giữ ổn định.

Sự ổn định của tỷ giá được lãnh đạo chuyên trách ngoại hối của VIB phân tích ở cơ sở dự báo thâm hụt thương mại năm 2013 sẽ ở mức thấp, chỉ khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu, trong khi dự trữ ngoại hối ổn định ở mức cao, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối vẫn giữ được mức độ ổn định, và tín dụng ngoại tế được hạn chế.

Trong năm 2012, tại một hội thảo chuyên đề tương tự, ông Lê Quang Trung cũng là người đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu nên chọn vay USD để có lãi suất thấp hơn nhiều so với VND (khoảng 6 - 7%/năm so với 13 - 15%/năm), gắn với dự báo rủi ro biến động tỷ giá không quá lớn.

Tuy nhiên, cuối năm 2013, ông Trung cho rằng vẫn có những áp lực đối với tỷ giá USD/VND. Đó là nhà điều hành có thể điều chỉnh để hỗ trợ cho xuất khẩu; cùng với đó là tính chu kỳ, mùa cao điểm thanh toán đẩy cầu ngoại tệ tằng; Ngân hàng Nhà nước phải chi tiêu dự trữ cho nhập khẩu vàng để tạo cung vàng miếng trong nước; các sản phẩm cấu trúc cho vay VND lãi suất USD đến hạn góp thêm sức cầu USD…

Và chuyên gia này đưa ra dự báo, cuối năm 2013 tỷ giá USD/VND có thể ở khoảng 21.300 - 21.500 VND; năm 2014 có thể lên 21.750 VND.

Dù lãi suất và tỷ giá USD/VND dự báo tương đối ổn định và rủi ro sẽ không quá lớn trong trung hạn, song vị lãnh đạo chuyên trách của VIB khuyến nghị các doanh nghiệp và khách hàng của mình vẫn cần tìm hiểu và tiếp cận với các giải pháp phòng ngừa rủi ro để chủ động hơn trong quản lý dòng tiền và sản xuất kinh doanh.

Bảo hiểm rủi ro tỷ giá bằng các công cụ phái sinh từ ngân hàng được đại diện VIB tập trung phân tích và tư vấn, đặc biệt là gắn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hay những doanh nghiệp thường phải sống chung với các cặp tỷ giá ngoại tệ lạ với khả năng có biến động lớn…