07:52 21/11/2023

Sáu phương án được đề xuất xây dựng cầu Cần Giờ hơn 10.000 tỷ đồng

Xuân Nghi

Trong 6 phương án xây dựng cầu Cần Giờ nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ, có tổng mức đầu tư khoảng 10.500 tỷ đồng được đơn vị tư vấn đề xuất, phương án có lộ trình khởi hành đi từ đường 15B Nhà Bè và kết thúc tại đường Rừng Sác được cho là phương án tối ưu, phù hợp quy hoạch phát triển TP.HCM...

Phối cảnh thiết kế cầu dây văng Cần Giờ với biểu tượng trụ tháp hình cây được đặc trưng của Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM cung cấp.
Phối cảnh thiết kế cầu dây văng Cần Giờ với biểu tượng trụ tháp hình cây được đặc trưng của Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM cung cấp.

Dự án xây cầu Cần Giờ đang được Sở Giao thông vận tải TP.HCM hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, chuẩn bị báo cáo Uỷ ban nhân dân TP.HCM xem xét trước khi trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2023.

Cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, huyện biển duy nhất của TP.HCM, có tổng chiều dài dự kiến 3,6 km, quy mô 6 làn xe, độ tĩnh không thông thuyền 55 m.

Dự án dự kiến sau khi được thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay sẽ khởi công vào cuối tháng 4/2025. Công trình cầu được thiết kế kiến trúc dây văng một trụ tháp lấy biểu tượng hình cây đước, cây “đặc sản” của rừng ngập mặn Cần Giờ và là biểu tượng huyện Cần Giờ.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của đơn vị tư vấn đã đưa ra 6 phương án hướng tuyến xây dựng cầu Cần Giờ. Bao gồm: 3 hướng kết nối từ đường 15B song song đường Huỳnh Tấn Phát, đã được quy hoạch trong khu đô thị Phú Xuân (huyện Nhà Bè), băng qua sông Soài Rạp đến điểm cuối đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ); và 3 phương án khác có đường dẫn của cầu nối vào đường Huỳnh Tấn Phát.

Trong nhóm hướng tuyến có xuất phát từ đường 15B, hai phương án được đánh giá khả thi là phương án 4A và 4B (có hướng tuyến tương tự nhau), với điểm đầu nối vào đường 15B. Đây cũng là hướng tuyến trước đó Uỷ ban nhân dân TP.HCM lựa chọn và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020. Các đơn vị đang hoàn thiện để sắp tới trình thông qua chủ trương đầu tư.

Theo phương án này, dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3 km. Đường dẫn cầu sẽ đi dọc tuyến 15B, cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m, sau đó cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi qua Cần Giờ, cầu nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,5 km về phía nam. Khác nhau giữa phương án 4A và 4B là vị trí đường dẫn tại bờ sông phía Nhà Bè.

Hiện nay, phà Bình Khánh trên tuyến độc đạo nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ luôn quá tải. Ảnh: Hồ Lê.
Hiện nay, phà Bình Khánh trên tuyến độc đạo nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ luôn quá tải. Ảnh: Hồ Lê.

Ngoài cầu chính, dự án còn một số cầu nhỏ vượt sông Chà và cầu rạch Mương Ngang. Cầu Cần Giờ có thiết kế dây văng trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của rừng ngập mặn Cần Giờ).

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Giờ sẽ được trình Hội đồng thẩm định Thành phố vào tuần này (từ 20 – 26/11/2023). Sau đó dự kiến sẽ được Uỷ ban nhân dân TP.HCM trình Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm nay.

Về phương thức đầu tư, dự án cầu Cần Giờ được đề xuất triển khai theo phương thức PPP hợp đồng BOT, với tổng nguồn vốn ước khoảng 10.569 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi vay. Cơ cấu nguồn vốn nư sau: Vốn ngân sách thành phố góp khoảng 49%, còn lại là nhà đầu tư. Công trình được đặt mục tiêu sẽ khởi công vào năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2028.

Cần Giờ là huyện duy nhất giáp biển của TP.HCM, có vị trí nằm cách trung tâm thành phố 50 km về hướng đông nam và “huyện đảo” của TP.HCM do cách trở bởi sông Soài Rạp với phà Bình Khánh từ bao đời nay. Dự án cầu Cần Giờ là dự án trọng điểm của thành phố nhằm phát triển huyện Cần Giờ với lợi thế là du lịch, giao thông xanh.

Trước đó, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung dự án cầu Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020. Chính quyền Thành phố ngay sau đó đã bắt tay vào việc tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, lựa chọn nhà đầu tư,…

Phương án đầu từ lúc đầu dự kiến là BT đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, sau khi có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, hình thức dầu tư BT của dự án đã dừng lại và Thành phố tính toán các phương thức đầu tư khác, bao gồm BOT, BT trả chậm bằng tiền, đầu tư công,…

 

Được biết, để đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành nơi tuyến cao tốc đi qua tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ; đồng thời các cầu vượt sông trên đường Rừng Sác cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng.