S&P 500 tăng mạnh nhất từ năm 2020, giá dầu bốc hơi 12%, Bitcoin “xanh rực”
Nhà đầu tư hưng phấn gom mua cổ phiếu khi giá dầu giảm sâu; giá Bitcoin cũng đi lên mạnh mẽ sau một sắc lệnh về tiền ảo...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (9/3), khi giá hàng hoá cơ bản, đặc biệt là dầu thô, “giảm nhiệt” giúp xoa dịu mối lo về lạm phát và sức ép đối với tăng trưởng kinh tế. Giá Bitcoin cũng đi lên mạnh mẽ sau một sắc lệnh về tiền ảo.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 653,61 điểm, tương đương tăng 2%, chốt ở 33.286,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,6%, đạt 4.277,88 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,6%, đạt 13.255,55 điểm.
Đây là phiên tăng mạnh nhất của S&P 500 kể từ tháng 6/2020 và của Nasdaq kể từ tháng 11/2020.
Nhà đầu tư hưng phấn gom mua cổ phiếu khi giá dầu giảm sâu sau đợt tăng mạnh gần đây do ảnh hưởng của xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 12%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, trong khi giá dầu Brent giao sau tại thị trường London lao dốc 13%, mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Giá những hàng hoá cơ bản khác tăng mạnh do xung đột Nga-Ukraine cũng đồng loạt đi xuống phiên này, trong đó có bạc và lúa mỳ. Trước phiên giảm giá này của hàng hoá cơ bản, thị trường đã lo ngại rằng việc hàng hoá ngày càng đắt đỏ sẽ dẫn tới tình trạng “stagflation” – tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát cao – trong nền kinh tế toàn cầu.
Giá dầu WTI mất 15 USD/thùng, chốt ở 108,7 USD/thùng. Đầu tuần, có lúc giá dầu WTI vượt 130 USD/thùng, mức cao nhất 13 năm.
Giá dầu Brent trượt 16,8 USD/thùng, còn 111,1 USD/thùng. Vào đầu tuần, giá dầu Brent lên gần 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Phiên tăng điểm này của chứng khoán Mỹ diễn ra trên diện rộng, với 9 trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh, dẫn đầu là nhóm công nghệ. Các cổ phiếu Big Tech như Meta và Alphabet đồng loạt tăng mạnh, dẫn dắt các chỉ số chính đi lên.
“Đây là một môi trường biến động cao điển hình, có thể khiến giá cổ phiếu chao đảo theo cả hai hướng”, chiến lược gia trưởng Liz Ann Sonders của Charles Schwab nhận định. “Một phiên phục hồi mang tính giải toả như thế này là cách tốt nhất để miêu tả những gì đang diễn ra trên thị trường… Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu thị trường lại giảm mạnh sau đây”.
Giá dầu giảm mạnh sau khi có những tín hiệu cho thấy Mỹ đang nỗ lực khuyến khích tăng sản lượng dầu từ các nguồn khác để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga. Hãng tin Reuters nói rằng Iraq có thể tăng sản lượng nếu nhận được đề nghị từ OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng UAE sẽ ủng hộ nếu OPEC+ quyết tâm khai thác nhiều dầu hơn.
“Mốc giá 130 USD mỗi thùng dầu đã phản ánh toàn bộ tâm lý căng thẳng của thị trường, bao gồm nguy cơ mất mát nguồn cung dầu từ Nga, sự thận trọng của OPEC về nâng sản lượng, và tình hình xấu đi ở Ukraine”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital phát biểu. “Giờ đây, những yếu tố này có vẻ đang đảo ngược một chút. Và mọi người không muốn chạy trước”.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuyên bố xả 60 triệu thùng dầu dự trữ để tăng cung cho thị trường và có thể xả thêm nếu cần.
“Thế giới đang cùng nhau hành động để hãm bớt sự leo thang của giá dầu. Nỗ lực này đã đặt ra một rào cản cho sự tăng giá của dầu trong ngắn hạn”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận xét.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn tăng khoảng 15% từ đầu tháng đến nay do tác động của xung đột Nga-Ukraine.
Giá tiền ảo, trong đó có Bitcoin, tăng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một sắc lệnh điều hành về tiền ảo. Nội dung của sắc lệnh này thể hiện lập trường ủng hộ của Washington đối với lĩnh vực tài sản số.
Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở mức gần 42.000 USD, tăng hơn 8,3% so với cách đó 24 tiéng.
Sắc lệnh của ông Biden - nhằm giải quyết tình trạng thiếu vắng một khuôn khổ cho sự phát triển của tiền ảo ở Mỹ - đã nhận được sự hưởng ứng của ngành công nghiệp tiền ảo và các nhà đầu tư. Trước đó, giới phê bình đã nói rằng sự thiếu rõ ràng về cơ chế quản lý có thể cản trở Mỹ phát triển tiền ảo trong khi thế giới có những bước tiến nhanh trong lĩnh vực này. Việc thiếu khung pháp lý cũng được cho là một nguyên nhân chính gây trở lại cho sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức vào thị trường tiền ảo.
“Sắc lệnh này cực kỳ có lợi cho hệ sinh thái tiền ảo… Rõ ràng Chính phủ Mỹ không cấm tiền ảo, mà ủng hộ lĩnh vực này”, CEO Travis Kling của Ikigai Asset Management nhận định.
Nội dung của sắc lệnh cũng kêu gọi bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ, cũng như bảo vệ hệ thống tài chính của Mỹ và thế giới, hạn chế những rủi ro hệ thống mà tiền ảo có thể gây ra. Ngoài ra, sắc lệnh yêu cầu Chính phủ Mỹ rà soát những điều kiện cần thiết để phát hành một đồng tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC).
Trong một tuyên bố ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng sắc lệnh trên “kêu gọi một giải pháp toàn diện và có sự phối hợp giữa các bên để vạch ra chính sách tài sản kỹ thuật số”.