Sự cần thiết và cấp thiết của Luật toàn diện về phòng bệnh
Việt Nam là một quốc gia đông dân với đa phần dân số trong độ tuổi lao động (trung bình là 32,9 tuổi), mang đến tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, xu hướng trẻ hóa bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm lại đang đặt ra thách thức lớn...
Việt Nam đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bên cạnh phải ứng phó với bệnh truyền nhiễm, mới nổi tăng, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, COPD, rối loạn sức khỏe tâm thần... cũng ngày càng gia tăng. Theo các báo cáo mới nhất, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm gây ra chiếm 84% tổng số ca tử vong tại Việt Nam.
Trong đó, điều tra quốc gia trên quy mô toàn quốc ở lứa tuổi 30 - 69 tuổi, năm năm 2021, 7,1% dân số mắc đái thái đường, tương đương khoảng 5 triệu người. Thông tin gây chú ý là trong số những người mắc bệnh đái tháo đường, chỉ có khoảng 50% được chẩn đoán, điều trị. Trong tổng số bệnh nhân được điều trị, lại chỉ có 30% là có sự điều trị thực sự chất lượng.
Tương tự, xu hướng chung của Việt Nam và thế giới là đều gia tăng số ca mắc ung thư. Ước tính trong năm 2024, Việt Nam có khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, với gần 140.000 ca tử vong. Trong khi con số mắc mới vào năm 2000 chỉ là gần 69.000, năm 2010 là khoảng 127.000.
Bệnh tim mạch cũng là một trong những bệnh không lây nhiễm đáng báo động hiện nay. 15,3% dân số từ 40 - 69 tuổi nguy cơ cao hơn 20% trong vòng 10 năm tới gặp các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Chỉ 40,8% trong số những người có nguy cơ cao này được tư vấn và dùng thuốc để phòng ngừa bệnh.
Hệ lụy từ xu hướng trẻ hóa bệnh không lây nhiễm có thể thấy rõ rệt. Đó là gia tăng áp lực lên hệ thống y tế với sự quá tải của các bệnh viện, tiêu tốn ngân sách nhà nước. Đơn cử như riêng TP.Hà Nội, Quỹ BHYT đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng điều trị bệnh lý này cho người dân trong năm 2023, chưa kể đến số lượng người tự mua thuốc ngoài hay không biết mình bị bệnh. Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân, trực tiếp ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả lao động, kéo theo sự ảnh hưởng đến tổng thể sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế cũng đã chỉ ra nhiều bất cập như phân loại bệnh truyền nhiễm, báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm… Cùng với đó là sự xuất hiện của rất nhiều bệnh truyền nhiễm mới như SARS, cúm A/H1N1, MERS-CoV, bệnh do virus Zika, Covid-19, đậu mùa khỉ…
Việc Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 18 năm chưa được sửa đổi kể từ khi ban hành năm 2007 đã và đang làm gia tăng trở ngại và khó khăn trong việc quản lý các bệnh truyền nhiễm, làm giảm khả năng ứng phó khi có dịch bệnh mới xảy ra. Không chỉ vậy, nhận thức của người dân tại một số nơi về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý; một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Hơn nữa, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm mới quan tâm đến các hành vi có hại cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, hoàn toàn chưa có quy định về điều chỉnh các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng với sức khỏe, sức khỏe tâm thần, quản lý bệnh không lây nhiễm… là những vấn đề đang rất nhức nhối hiện nay.
Do đó, một cơ sở pháp lý vững chắc cho vấn đề phòng bệnh là mong mỏi của toàn hệ thống y tế. Với thực trạng và gánh nặng bệnh tật hiện tại, cùng những hạn chế và thiếu hụt trong luật pháp hiện hành, đã đến lúc Việt Nam cần sớm có một đạo luật toàn diện để khắc phục những hạn chế của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện nay. Đồng thời, nó cũng bao phủ quản lý toàn diện sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng sống, tuổi thọ của người dân.
Chia sẻ về công tác phòng ngừa bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), nêu quan điểm, chúng ta đã có Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cũng cần có Luật Phòng bệnh để cân đối. "Trên thực tế Việt Nam mới chỉ có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các vấn đề khác như sức khỏe môi trường, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng chưa có luật nào điều chỉnh mà mới chỉ có các chiến lược, văn bản hướng dẫn," PGS.TS Trần Đắc Phu, nói. "Phòng bệnh không chỉ giải quyết phòng bệnh truyền nhiễm mà giải quyết thêm về bệnh không lây nhiễm mà trước đó chưa có luật nào điều chỉnh để nâng cao sức khỏe người dân".
Nhận thức được sự khẩn cấp trong việc quản lý toàn diện sức khỏe toàn dân, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh. Luật Phòng bệnh được đề xuất xây dựng trên phổ rộng, không chỉ tập trung vào bệnh truyền nhiễm, mà còn bao gồm các vấn đề như dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ về nước sạch, môi trường... Những nội dung liên quan đến sức khỏe mà chưa có luật dự kiến sẽ được đưa vào luật này.
Theo đó, Bộ Y tế đã đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh với 5 chính sách. Chính sách thứ nhất: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch. Chính sách thứ hai: Dinh dưỡng với sức khỏe. Chính sách thứ ba: Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần. Chính sách thứ tư: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Chính sách thứ năm: Quản lý sức khỏe đối với người dân.
Theo các chuyên gia, Luật Phòng bệnh được xây dựng chắc chắn sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hệ thống y tế, hướng tới nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ trung bình của người dân. Bộ Y tế cho biết tháng 6/2024, Chính phủ đã họp và ban hành Nghị Quyết số 97/NQ-CP trong đó có Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Theo đó, Chính phủ đã nhất trí đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đối với vấn đề quản lý các bệnh không lây nhiễm hiện nay.
Bộ Y tế kỳ vọng Luật Phòng bệnh sẽ sớm được xem xét và ban hành trong năm 2025, tạo điều kiện thuận lợi để toàn hệ thống y tế đạt được mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn diện, cải thiện thể chất, tinh thần, tầm vóc và chất lượng sống của người Việt cũng như tăng hiệu quả vận hành hệ thống y tế.