Suy thoái kinh tế khiến thị trường bán lại Trung Quốc sôi động hơn
Xu hướng này hoàn toàn trái ngược ở thời điểm khi mới bắt đầu đại dịch. Khi đó, người tiêu dùng giàu có của Trung Quốc dường như rất vui thích khi chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ, đặc biệt là trong điều kiện việc đi lại quốc tế bị hạn chế…
Kể từ năm 2020, sự kết hợp của các yếu tố kinh tế vĩ mô - bao gồm chính sách “Zero Covid”, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, mất việc làm hàng loạt - dường như đã khuấy động tâm lý và kiềm chế ham muốn chi tiêu của những người mua sắm trung lưu trẻ tuổi tại Trung Quốc.
Theo báo cáo của công ty tư vấn toàn cầu công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company và Ủy ban thương hiệu cao cấp Italy Altagamma Foundation vào tháng 6/2022, doanh số bán hàng giảm mạnh 38% tại Plaza 66, nơi đặt cửa hàng của những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới như LVMH, Kering, Richemont, Prada và Moncler.
Trong khi đó, theo SCMP, thị trường hàng xa xỉ qua sử dụng ở Trung Quốc đang chứng kiến số lượng tăng vọt những người tìm cách mua vào cũng như bán ra các loại túi xách, đồng hồ cũng như trang phục. Ngày càng nhiều người biết rằng họ có thể bán lại hàng xa xỉ để thu về một số tiền còn hơn là trưng bày chúng trong nhà giữa lúc phải “thắt lưng buộc bụng”, còn phía người mua thì nhận thấy rằng họ có thể tiết kiệm được một khoản lớn mà vẫn được sở hữu đồ hiệu.
Những tháng gần đây, phần lớn dân số thành thị của Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với việc chính sách phong tỏa chống Covid-19 nghiêm ngặt. Các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng cũng vì thế mà được tiêu thụ nhanh chóng hơn. Có thể thấy, ngay cả những người giàu có cũng đang chi tiêu hết sức thận trọng. Rất nhiều người tham gia vào thị trường bán lại bằng cách nhanh chóng bán đi đồng hồ Rolex và túi Hermès của họ với giá rẻ để huy động tiền mặt.
Một năm trước, những người giàu có ở Thượng Hải vẫn còn đứng xếp hàng tại các cửa hàng thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton và Gucci để mua cho được mẫu túi xách đắt tiền trong bộ sưu tập mới ra mắt. Tuy nhiên, phần đông trong số họ hiện chỉ tham khảo trên mạng rồi mua những món đồ xa xỉ đã qua sử dụng. "Tôi chắc chắn sẽ phải cắt giảm mức chi tiêu, nhưng tôi vẫn thích những món đồ đắt tiền và không thể kiềm chế ham muốn sở hữu chúng. Vì vậy, tôi mua đồ hiệu second-hand", chị Wang Jianing, một khách hàng, chia sẻ.
Cửa hàng Zzer rất hiểu suy nghĩ và cảm xúc của những khách hàng như chị Wang. Khởi đầu đây chỉ là một nền tảng bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng vào năm 2016, Zzer giờ đã mở cửa hàng vật lý tại Thượng Hải, Thành Đô vào năm 2021 và sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến. "Nền kinh tế giảm tốc phần nào đã có tác động tích cực đến thị trường bán lại. Thậm chí, nhiều người đã nghĩ: Tại sao không bán lại những món đồ xa xỉ đang nằm không ở nhà nhỉ?" anh Zhu Tainiqi, nhà sáng lập Zzer, cho biết.
Do đó, số lượng người ký gửi hàng hóa tại Zzer để bán đã tăng 40% trong năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Nền tảng này hiện có 12 triệu thành viên và dự kiến sẽ bán được 5 triệu sản phẩm cao cấp trong năm nay. Xu hướng này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực hàng xa xỉ trị giá 74 tỷ USD của Trung Quốc. "Đây là một thị trường ngách có nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt ở thời điểm này, tầng lớp trung lưu, thế hệ trẻ không mua hàng xa xỉ mới nhiều, vì họ cân nhắc đến túi tiền của mình nhiều hơn", bà Iris Chan, Trưởng phòng phát triển khách hàng quốc tế, Tập đoàn Digital Luxury, đánh giá.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định thị trường bán lại hàng xa xỉ của Trung Quốc vẫn do công ty trong nước thống trị. Ngoài ZZER, có nhiều nền tảng kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng cũng đang phát triển ở Trung Quốc như Feiyu, Ponhu và Plum. Các nền tảng này đang mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và chuyển từ mô hình chỉ trực tuyến sang bán online và offline. Những nền tảng quốc tế như Vestiaire, Collective và The RealReal chưa thể thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Túi xách là mặt hàng bán chạy nhất trên các nền tảng kinh doanh đồ hiệu đã qua sử dụng. Trong khi một chiếc túi Prada Messenger hoặc Fendi Baguette bán trên các nền tảng bán lại với giá thấp hơn từ 30 - 40% so với các cửa hàng sang trọng, một số sản phẩm chứng kiến khoảng cách về giá ngày càng gia tăng do ngày càng nhiều người bán hàng đổ xô bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, doanh số bán đồng hồ và trang sức cũng tăng.
Xu hướng này cũng có thể ảnh hưởng đến các chiến lược tập trung vào Trung Quốc của các nhà sản xuất hàng xa xỉ lớn trên thế giới, những thương hiệu vốn đang vật lộn với nhu cầu giảm ở các thị trường chủ chốt khác. "Tôi nghĩ với mức độ quan tâm đến thị trường Trung Quốc, có thể một số thương hiệu sẽ suy nghĩ về cách ứng xử với thị trường hàng qua sử dụng và họ sẽ đóng vai trò gì trong toàn bộ quá trình ", bà Iris Chan nhận định.
Cuối năm ngoái, công ty tư vấn iResearch dự báo quy mô thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng của Trung Quốc dự kiến tăng lên 30 tỷ USD vào năm 2025, từ 8 tỷ USD vào năm 2020. Các ước tính mới từ năm nay vẫn chưa được công bố.