09:05 07/12/2022

Tàu chở dầu kẹt cứng ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ vì thủ tục bảo hiểm liên quan đến lệnh trừng phạt dầu Nga

Bình Minh

Việc những con tàu phải chờ đợi ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trần giá áp lên dầu Nga có thể gây đảo lộn các dòng chảy dầu trên toàn cầu...

Một con tàu đi qua eo biển ở Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Getty/FT.
Một con tàu đi qua eo biển ở Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Getty/FT.

Hàng loạt tàu chở dầu đang bị kẹt ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các cường quốc phương Tây áp trần giá lên dầu thô Nga và cơ quan chức năng ở Ankara yêu cầu tất cả tàu bè ra vào hải phận Thổ Nhĩ Kỳ phải có bảo hiểm đầy đủ.

Theo biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ ngày 5/12, tàu chở dầu thô Nga không được các công ty bảo hiểm của phương Tây cung cấp dịch vụ bảo hiểm trừ phi số dầu đó được bán dưới trần giá mà nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đưa ra là 60 USD/thùng. Trần giá này được đưa ra với mục đích vừa siết nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Moscow mà không gây ra tình trạng khan hiếm dầu trên thị trường toàn cầu.

Trao đổi với tờ báo Financial Times, 4 nguồn tin là các nhà điều hành trong ngành dầu lửa cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu các bằng chứng bảo hiểm mới sau khi trần giá được áp. Về phần mình, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu cho dù bị cản trở tiếp cận với các công ty bảo hiểm phương Tây, nhưng tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tuân thủ trần giá mà G7 đưa ra.

Vào thời điểm ngày 5/12, có khoảng 19 tàu chở dầu phải chờ để đi qua hải phận Thổ Nhĩ Kỳ - theo các dịch vụ theo dõi từ vệ tinh. Những tàu này đã thả neo gần khu vực Bosphorus và Dardanelles, hai eo biển nối từ các hải cảng Nga trên Biển Đen ra thị trường quốc tế. Con tàu đầu tiên trong số này đã tới đây vào hôm 29/11 và đã đợi 6 ngày - một nhà môi giới hàng hải giấu tên cho biết.

Việc những con tàu phải chờ đợi ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trần giá áp lên dầu Nga có thể gây đảo lộn các dòng chảy dầu trên toàn cầu, ngoài tác động có thể có đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.

Theo dữ liệu từ các công ty môi giới hàng hải và chuyên trang theo dõi tàu chở dầu TankerTrackers.com, phần lớn số dầu trên những con tàu đang phải đợi ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ là dầu có nguồn gốc từ Kazakhstan. Dầu từ Kazakhstan được đưa đến các hải cảng Nga qua đường ống rồi bốc lên tàu, và không phải là mục tiêu trừng phạt của phương Tây.

Ankara đã yêu cầu tất cả các tàu chở dầu thô đi qua các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp chứng thư của các nhà cung cấp bảo hiểm xác nhận có hợp đồng bảo hiểm để bồi thường trong những trường hợp xảy ra sự cố như tràn dầu hay va chạm.

Tuy nhiên, International Group of P&I Clubs - tổ chức đại diện cho 13 công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho khoảng 90% hoạt động vận tải biển toàn cầu - hôm thứ Hai nói rằng yêu cầu mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra “vượt quá” mức độ yêu cầu thông tin bình thường. Trong một tuyên bố, tổ chức này nói các nhà bảo hiểm không thể bồi thường trong trường hợp có sự vi phạm lệnh trừng phạt.

CEO Nick Shaw của International Group of P&I Clubs nói với Financial Times rằng “đang có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với các bên liên quan để giải quyết vấn đề”.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói Washington “hiểu rằng chính sách mới của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đặt ra trở ngại cho sự di chuyển của tàu bè qua các eo biển của nước này”. Vị này cho biết Mỹ đã cùng với Anh “bày tỏ lo ngại trong các cuộc liên lạc, tiếp xúc gần đây với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ”.

Nga được cho là đã thiết lập một “đội tàu bí mật” gồm hơn 100 tàu chở dầu nhằm “lách” các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. Đội tàu này được cho là có thể hoạt động mà không có bảo hiểm, thậm chí là bảo hiểm của các công ty không phải của phương Tây.

Một nguồn tin trong ngành dầu lửa nói rằng các công ty bảo hiểm của Nga đã cung cấp cho nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ chứng thư như được yêu cầu để tàu Nga có thể đi qua hải phận Thổ Nhĩ Kỳ. Người này cũng nói rằng những con tàu được bảo hiểm bởi các công ty bảo hiểm phương Tây mới đang là những tàu bị kẹt lại.

Những tàu chở các sản phẩm tinh luyện như xăng và diesel, thay vì dầu thô, vẫn được nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho đi qua, bởi lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm này của Nga phải đến tháng 2 mới có hiệu lực.