16:11 23/09/2022

Thanh Hóa nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Thiên Anh

Thanh Hoá những năm gần đây đã thu hút hàng chục dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với tổng mức đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng...

Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu tại Thanh Hóa
Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu tại Thanh Hóa

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến xa, với các thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới và số lượng các sản phẩm OCOP thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, với 196 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng.

NỖ LỰC THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ

Năm 2022, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp được thành lập mới. Ngoài các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đã có thêm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến.

Theo đó, từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa thu hút thêm 78 doanh nghiệp nông nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này lên 924 doanh nghiệp.

Bên cạnh số lượng doanh nghiệp mới không ngừng tăng lên, đến nay, địa phương này đã thu hút đầu tư được 17 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó có 16 dự án chăn nuôi lợn và 1 dự án chăn nuôi gà. Khi các dự án đi vào hoạt động đủ quy mô, công suất sẽ nâng tổng đàn lợn của Thanh Hóa trong giai đoạn 2025-2030 lên 2,2 triệu con, gấp đôi so với hiện nay và đưa chăn nuôi Thanh Hóa vào top đầu của cả nước.

Điển hình trong số đó là Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1, tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2014 và điều chỉnh chủ trương đầu tư lần thứ 5 tại Quyết định số 4193 ngày 22/10/2021, với quy mô, công suất đầu tư của Dự án rất quy mô.

Trong khu liên hợp sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 500.000 tấn/năm; chăn nuôi lợn hàng năm sản xuất 180.000 con lợn thịt; sản xuất đạm vi sinh công suất 4.000 m³/ngày; sản xuất phân bón vi sinh công suất 165.000 tấn/năm; nhà máy chế biến nông sản công suất 200.000 tấn sắn, ngô/năm.

Tới thời điểm này, dự án thành phần đầu tiên tại xã Minh Tiến với quy mô 54.000 lợn thịt và 6.500 lợn nái đang được khẩn trương hoàn thiện, dự kiến vận hành trong năm 2022. Dự án sẽ góp phần thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống của bà con nông dân trên địa bàn huyện Ngọc Lặc và các huyện lân cận.

MỤC TIÊU LỚN, CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI

Thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 đến 2025.

Mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về quy mô năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về nông, lâm, thủy sản; mở rộng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tiềm năng theo chuỗi giá trị. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao, một số sản phẩm có lợi thế xây dựng được thương hiệu mạnh.

Theo Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, năm 2022 xác định rõ mục đích nhằm khai thác, sử dụng nguồn lực và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương này và nhu cầu đa dạng của từng thị trường để phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và của tỉnh.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phát triển chăn nuôi. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị hàng hóa và khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; mô hình liên kết chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cũng như rà soát, đánh giá xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di rời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.

Bên cạnh đó, chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại hoặc liên kết các hộ thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển chăn nuôi ứng dụng khoa học, công nghệ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.

Điều đó cho thấy những bước chuẩn bị mang tính bài bản, dài hơi theo đúng tinh thần chỉ đạo của tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nói chung cũng như ngành nông nghiệp nói riêng.