Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc, nhà quản lý tài sản khuyên “chưa tới lúc bắt đáy”
Theo giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản thuộc ngân hàng Goldman Sachs Group, việc thị trường chứng khoán Trung Quốc liên tục đi xuống thời gian qua chưa đủ để đầu tư “bắt đáy”…
“Tất cả khách hàng của chúng tôi đều hỏi về việc có nên đầu tư vào Trung Quốc lúc này, khi mà chứng khoán có vẻ rất rẻ”, bà Sharmin Mossavar-Rahmani, giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs Private Wealth Management (PWM), chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV.
“Quan điểm của chúng tôi là không nên đầu tư”, bà nhấn mạnh.
Bà Mossavar-Rahmani chỉ ra nhiều lý do để không đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong đó có dự báo về tăng trưởng giảm dần của nền kinh tế này trong thập kỷ tới.
“Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khi ba trụ cột tăng trưởng lâu nay suy yếu – bao gồm thị trường bất động sản, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự thiếu rõ ràng trong công tác hoạch định chính sách, cùng với dữ liệu kinh tế không đầy đủ càng làm gia tăng quan ngại khi đầu tư vào đây”, bà phân tích.
Thời gian qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh thông tin. Theo đó, nhà chức trách đã áp đặt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dòng chảy dữ liệu từ nước này, bao gồm việc ngừng công bố một số dữ liệu về thất nghiệp.
Ngày 4/3, người phát ngôn Quốc hội Nhân dân Trung Quốc (NPC) cho biết Thủ tướng Lý Cường sẽ không tổ chức họp báo về kết quả kỳ họp lưỡng hội sau khi bế mạc kỳ họp như truyền thống lâu nay. Đây là lần đầu tiên sau 30 năm truyền thống này bị phá vỡ.
Kỳ họp lưỡng hội gồm Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc khóa 14 (còn gọi là Chính hiệp) khai mạc vào ngày 4/3 và kỳ họp Quốc hội khóa 14 khai mạc vào ngày 5/3. Kỳ họp kết thúc vào ngày 11/3.
“Hiện chưa rõ định chính sách chung dài hạn của Trung Quốc ra sao. Sự thiếu chắc chắn về chính sách là một hạn chế đối với thị trường chứng khoán”, bà Mossavar-Rahmani nhận xét.
Chỉ số CSI 300 - thước đo giá cổ phiếu blue-chip trên thị trường chứng khoán Trung Quốc - tháng trước giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 5 năm trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu tiêu dùng nội địa suy giảm giữa lúc căng thẳng địa chính trị leo thang. Từ đó đến phiên ngày thứ Sáu tuần trước, chỉ số này đã tăng gần 14% sau khi nhà chức trách có động thái hạn chế hoạt động bán khống.
“Có thể sẽ có một số biện pháp kích thích trong ngắn hạn, nhưng lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy”, vị giám đốc đầu tư nhận định. “Dữ liệu không rõ ràng. Chúng tôi thực sự không có nhiều dữ kiện để đánh giá sự tăng trưởng của nền kinh tế năm ngoái cũng như xu hướng của năm nay. Dù số liệu chính thức cho thấy GDP của Trung Quốc tăng trên 5% trong năm 2023, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng con số thực tế thấp hơn”.
Theo Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc được công bố tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng ngày 5/3, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức “khoảng 5%”, tương tự như mục tiêu đặt ra năm ngoái.
Theo số liệu chính thức, năm ngoái, GDP của Trung Quốc tăng 5,2%, đạt mục tiêu đề ra. Sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới diễn ra chậm hơn so với dự báo của nhiều chuyên gia trong bối cảnh đối mặt nhiều rào cản, từ khủng hoảng bất động sản cho tới suy giảm xuất khẩu.
Cũng theo báo cáo trên, Trung Quốc đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đô thị ở mức khoảng 5,5%, đồng thời tạo 12 triệu việc làm mới tại đô thị. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 3% trong năm nay. Tất cả các mục tiêu này đều tương tự như năm 2023.
Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc cần “vừa đảm bảo tăng trưởng chất lượng cao vừa đảm bảo an ninh quốc gia”, ngăn chặn rủi ro và duy trì ổn định xã hội…, đồng thời khẳng định nước này “sẵn sàng đối mặt mọi rủi ro và thách thức”.