10:35 13/11/2023

Thiếu và yếu nhân lực công nghệ cao: Không thể bó tay!

Lưu Hà

Hiện nay, Việt Nam có những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… Tuy nhiên trong thực tế đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những năm qua, Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo liên quan đến 4 ngành: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - AI, Bigdata... Trong giai đoạn 2019 - 2022, số sinh viên đại học tuyển mới khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, trong đó 3 lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm cao nhất là máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), công nghệ kỹ thuật (10,6%).

DOANH NGHIỆP TRƯỚC “BÀI TOÁN” TUYỂN DỤNG

Ông Trần Bá Linh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công nghệ cao Điện Quang, cho biết trong những năm qua, đơn vị này đã chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu xu hướng về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Để thực hiện điều đó, Điện Quang đã đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, đủ năng lực sản xuất các sản phẩm điện tử có độ khó cao, sẵn sàng nhận gia công cho các đơn vị theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

“Nhân lực ngành chíp tại Việt Nam vẫn đang nằm trong mức báo động đỏ dù đã đón nhận những bước tiến lớn trong công tác kêu gọi, thu hút vốn đầu tư và các thiết bị chuyển giao khoa học - công nghệ. Người lao động sau khi được tuyển dụng cũng phải trải qua khóa đào tạo lại kéo dài từ 6 đến 12 tháng mới có thể nắm bắt tiến độ công việc. Điều này làm dấy lên mối lo ngại trong ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam dù được đầu tư nhiều nhưng vẫn giậm chân tại chỗ vì thiếu người lao động”, ông Linh nhấn mạnh.

Những năm qua, Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo liên quan đến STEM.
Những năm qua, Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo liên quan đến STEM.

Với ngành điện tử, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Manutronic Việt Nam, cho rằng nhân lực chất lượng cao là bài toán sống còn cho doanh nghiệp. Theo xu hướng về chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang là một trong những điểm đến vô cùng hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và các tập đoàn trên thế giới.

Để đáp ứng được điều này, doanh nghiệp phải có được một nguồn lực nhất định để tiếp nhận khoa học - kỹ thuật, tiếp nhận và chuyển giao những công nghệ mà các tập đoàn chuyển dịch sang Việt Nam. Do vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giá trị cốt lõi có thể quyết định sự thành công, nắm bắt được những cơ hội.

Cũng ở góc độ doanh nghiệp, ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và marketing Tổ hợp KCN DEEP C (Hải Phòng), cho biết: “Hệ thống các tiêu chí lựa chọn địa điểm đầu tư của nhà đầu tư không chỉ có mạng lưới hạ tầng giao thông mà còn có nguồn lao động.Trong những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng nghĩa với nhu cầu lao động ở mọi trình độ tăng lên nhanh chóng.

Điều này đang tạo áp lực cho những nhà đầu tư mới, những người đang cạnh tranh tìm kiếm lao động công nghệ cao trong cùng một thị trường. Việc quan trọng nhất là những nhà lãnh đạo cần xây dựng một cơ chế giúp nhà đầu tư tương lai tiếp cận được với nguồn lao động chất lượng này”.

Cũng đang khó khăn trong quá trình tuyển dụng, ông Huỳnh Lê Tấn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Kyanon Digital (TP.HCM), nhận định ở Việt Nam ngành khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo ở các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất đang phát triển nhanh và có tiềm năng rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng chi nhánh ra Hà Nội và đang tuyển dụng khoảng 100 nhân sự công nghệ thông tin, trong đó phần lớn yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. “Mặc dù thị trường lao động đang dôi dư, chúng tôi vẫn còn khó khăn trong việc thu hút nhân tài, bởi các ứng viên đều gặp tình trạng thiếu chuyên môn, thiếu tư duy kinh doanh thực tế và gặp rào cản về ngôn ngữ”, ông Tài nhận định.

Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, ông Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2023 phát hành ngày 13-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thiếu và yếu nhân lực công nghệ cao: Không thể bó tay! - Ảnh 1