17:44 24/07/2021

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Vẫn còn chậm kiểm kê đất, chưa thống kê dự án "treo"

Quang Trung

Bên cạnh những kết quả tích cực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như "nợ" báo cáo, chậm kiểm kê đất, chưa thống kê dự án "treo", tiêu cực trong đấu thầu mua sắm thiết bị, vật tư, vaccine phòng chống dịch Covid-19...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 24/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm qua, công tác này đã được triển khai quyết liệt, qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện “mục tiêu kép”. 

TIẾT KIỆM 6.300 TỶ ĐỒNG NHỜ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ VÀ CẮT GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Báo cáo các kết quả chủ yếu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của ngân sách Nhà nước (khoảng 123.600 tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế.

Theo đó, ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao. 

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 - Ảnh: Quochoi.vn

Về đầu tư công, quản lý tài sản công, Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định, 01 Quyết định, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản công giúp cho việc mua sắm, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Thủ tướng Chính phủ giao toàn bộ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 một lần theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định, điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang nơi có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao.

Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 86,7% kế hoạch, cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020

Chi thường xuyên giảm xuống còn 63,85%, chi đầu tư tăng lên 27,6% tổng chi ngân sách.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, hệ thống pháp luật về quản lý đất đai tiếp tục được hoàn thiện.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm).

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả; giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Việt Nam.

"Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 so với thời hạn quy định. Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Chính phủ xác định trọng tâm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.

"NỢ" BÁO CÁO, CHẬM KIỂM KÊ ĐẤT, CHƯA THỐNG KÊ DỰ ÁN "TREO"  

Ngay sau báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra, trong đó, bên cạnh việc đánh giá cao các kết quả tích cực, Ủy ban chỉ ra một loạt tồn tại, hạn chế nổi cộm cần khắc phục trong công tác thực hành tiết kiệm và chống lãng phí năm 2020. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, tình trạng chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm và chống lãng phí vẫn xảy ra.

Trong khi đó, một số báo cáo còn mang tính hình thức, chung chung; một số không cụ thể số liệu, chưa đánh giá, so sánh với chỉ tiêu đề ra năm 2019. Ngoài ra, những địa phương, bộ, ngành chưa thực hành chưa tốt công tác tiết kiệm và chống lãng phí chưa được chỉ rõ để nghiêm khắc phê bình, chấn chỉnh.

"Tình trạng xin lùi, rút dự án khỏi chương trình xây dựng pháp luật vẫn diễn ra; việc phát hiện, xử lý một số văn bản không phù hợp chưa kịp thời. Chất lượng của một số văn bản về quản lý kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng 'nợ đọng; văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để, kể cả văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công",  ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ.

Ngoài ra, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Chính phủ cũng chưa làm rõ và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn hiện nay ở một số lĩnh vực như vướng mắc khi triển khai các dự án BT dở dang được tiếp tục thực hiện.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại bất cập trong ban hành, thực hiện đơn giá, định mức nói chung, nhất là lĩnh vực xây dựng; bất cập trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vaccine phòng chống dịch Covid-19.

Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 - Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 - Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, công tác quy hoạch triển khai rất chậm, nhiều khó khăn vướng mắc trong đầu tư chưa được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời cả đầu tư công, đầu tư PPP, đầu tư tư nhân. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề cập tới việc một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý.

Bên cạnh đó, việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê nhưng chưa nêu cụ thể các trường hợp này và giải pháp khắc phục. Công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt còn chậm.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, công tác kiểm kê đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh còn chậm.

Hiện tại, còn 29 địa phương chưa hoàn thành rà soát ranh giới, cắm mốc; 25 địa phương chưa hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính; 52 địa phương chưa hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng được giao đất, thuê đất; 50 địa phương chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo số liệu sau rà soát.

Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng chỉ ra rằng Chính phủ chưa tổng hợp được các dự án "treo", diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa trên toàn quốc, chưa thống kê các dự án BT, BOT đang vướng mắc, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư chưa phù hợp, gây lãng phí để có giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, vi phạm về đất đai vẫn xảy ra dẫn đến khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. 

Ngoài ra, tình trạng vi phạm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước, khai thác khoáng sản, chặt phá rừng trái phép, cháy rừng còn xảy ra ở một số nơi, với hơn 12.000 vụ vi phạm về môi trường được xử lý trong năm qua. 

Về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận hiệu quả chưa cao, trong khi tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Và vấn đề này chưa được làm rõ trong báo cáo.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, hoạt động lừa đảo, tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao còn xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng tại các thành phố lớn vẫn bức xúc, chưa được giải quyết dứt điểm, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.