Thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh: Nỗ lực huy động tài chính xanh, xây dựng danh mục phân loại xanh
Việc huy động tài chính xanh trở nên cấp thiết để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững...
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đặt mục tiêu đạt được sự phát triển kinh tế bền vững thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các nỗ lực trong việc huy động nguồn lực tài chính xanh và xây dựng danh mục phân loại xanh là cơ sở để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việc huy động tài chính xanh trở nên cấp thiết để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để tận dụng được các nguồn vốn này, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định mới liên quan đến ESG (môi trường – xã hội – quản trị), phát thải carbon và bảo vệ môi trường.
CÁC QUY ĐỊNH MỚI VỀ ESG, PHÁT THẢI CARBON VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Việt Nam đã cam kết thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong bối cảnh quốc tế đang gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các cam kết toàn cầu như: Hiệp định Paris và các quy định về ESG của Liên minh châu Âu (EU), đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Các yêu cầu toàn cầu về ESG đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt, đặc biệt là ở các thị trường lớn như EU. Các chỉ thị như Chỉ thị báo cáo phi tài chính (NFRD) và Chỉ thị báo cáo bền vững doanh nghiệp (CSRD) yêu cầu các công ty lớn, sau này cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa niêm yết trên sàn chứng khoán, phải nâng cao khả năng thu thập và phân tích dữ liệu ESG, cũng như đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin và nhân lực để đáp ứng các yêu cầu báo cáo chi tiết hơn về ESG.
Bên cạnh đó, Chỉ thị thẩm định bền vững doanh nghiệp (CSDDD) yêu cầu các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng liên quan đến EU phải thực hiện giám sát và báo cáo về các rủi ro ESG trong chuỗi cung ứng, dự kiến áp dụng từ 2024-2025. Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm vào EU phải tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận và kiểm toán liên quan đến sản phẩm không có nguồn gốc từ phá rừng.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), bắt đầu từ ngày 1/10/2023, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón vào EU đo lường và báo cáo lượng phát thải carbon của sản phẩm, đồng thời mua tín chỉ carbon từ năm 2026.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên thị trường quốc tế, đặc biệt là với EU, sẽ cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn ESG ngày càng nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào các dự án xanh, mà còn phải xây dựng hệ thống quản lý, giám sát và báo cáo ESG toàn diện. Việc tuân thủ các yêu cầu này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tài chính xanh từ các nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức tài chính.
Việc triển khai các quy định như CSRD và CSDDD có thể mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào các dự án xanh. Bằng cách đầu tư vào hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu ESG, các doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận các nguồn vốn tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế.
Mặc dù các yêu cầu về ESG và giảm phát thải tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc đầu tư vào hệ thống đo lường, quản lý phát thải carbon và truy xuất nguồn gốc sản phẩm có thể đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính phủ Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng danh mục phân loại xanh và các tiêu chuẩn ESG cụ thể, phù hợp với các yêu cầu quốc tế. Điều này bao gồm việc thúc đẩy các quy định liên quan đến báo cáo phát thải, quản trị môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chính phủ và các tổ chức tài chính cần hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc huy động nguồn lực tài chính xanh, đầu tư vào hệ thống quản lý và báo cáo ESG để tận dụng cơ hội tài chính khí hậu và thực hiện các yêu cầu tuân thủ trên toàn cầu. Các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bền vững.
Việt Nam cần tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trong việc học hỏi kinh nghiệm xây dựng danh mục phân loại xanh và các tiêu chuẩn ESG để thu hút đầu tư xanh và huy động nguồn lực tài chính xanh.
Danh mục phân loại xanh (Green Taxonomy) là hệ thống phân loại các hoạt động kinh tế dựa trên tiêu chí về sự bền vững môi trường. Danh mục này giúp các nhà đầu tư, tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý xác định các dự án và hoạt động phù hợp với mục tiêu xanh, từ đó đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của các khoản đầu tư xanh. Xây dựng danh mục phân loại xanh không chỉ hỗ trợ việc thu hút vốn đầu tư, mà còn giúp định hướng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia.
CẦN CÓ SỰ THAM GIA CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN
Hiện nay, có 35 tổ chức quốc tế, khu vực, quốc gia đã ban hành danh mục phân loại xanh. Một số danh mục phân loại xanh tiêu biểu của các tổ chức như: Ủy ban châu Âu, Tổ chức Sáng kiến khí hậu (CBI), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung Quốc (cập nhật và ban hành ngày 21/4/2021), Hàn Quốc (tháng 4/2021), Mông Cổ (ngày 17/12/2019), Bangladesh, Nam Phi, Nga, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Sri Lanca...
Một số khu vực, quốc gia khác đang xây dựng danh mục phân loại xanh, điển hình như: ASEAN (dự thảo 1 ban hành tháng 11/2021), Kazakhstan (tháng 3/2021), Colombia (tháng 9/2021), Ấn Độ, Philipin, Singapore, Thái Lan, Chile, Mexico, Anh, Donomica, New Zealand, Úc, Canada…
Climate Bonds Initiativ (CBI) là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường trái phiếu xanh toàn cầu. CBI đã xây dựng một loạt các tiêu chuẩn và nguyên tắc để hỗ trợ việc phát hành trái phiếu xanh, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch và tính bền vững của các khoản đầu tư vào các dự án xanh (CBI, 2021).
Liên minh châu Âu (EU) là khu vực tiên phong trong việc xây dựng và triển khai danh mục phân loại xanh. Năm 2018, EU bắt đầu phát triển một khung tiêu chuẩn để xác định các hoạt động kinh tế bền vững, với mục tiêu chính là hướng dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực có lợi cho môi trường. Danh mục phân loại xanh của EU được chính thức hóa vào năm 2020 thông qua Quy định phân loại xanh (EU Taxonomy Regulation) (European Commission, 2020). Danh mục này bao gồm sáu mục tiêu môi trường chính: giảm thiểu biến đổi khí hậu; thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn; ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm; bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Năm 2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã phát hành Green Bond Endorsed Project Catalogue, đưa ra các tiêu chí cho các dự án có thể nhận tài trợ từ trái phiếu xanh (PBoC, 2015). Danh mục này bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và quản lý chất thải, với mục tiêu hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện các điều chỉnh quan trọng đối với danh mục phân loại xanh của mình nhằm đồng bộ hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, loại bỏ các dự án nhiệt điện than khỏi danh mục các hoạt động được tài trợ (Climate Bonds Initiative, 2021).
Hàn Quốc đã phát triển danh mục phân loại xanh của mình như một phần của Kế hoạch xanh Hàn Quốc (Korean Green New Deal). Năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc đã ra mắt danh mục phân loại xanh quốc gia nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, và giao thông bền vững (Ministry of Environment, 2020). Danh mục này là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể của Hàn Quốc nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Nhật Bản đã triển khai một khung danh mục phân loại xanh tập trung vào việc thúc đẩy các khoản đầu tư bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2020, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) đã phát hành Guidelines on Green Bond Issuance, xác định các tiêu chí cho các dự án đủ điều kiện nhận tài trợ từ trái phiếu xanh (FSA, 2020).
Danh mục phân loại xanh của Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và xây dựng bền vững.
Tại Úc, phân loại xanh đã trở thành một vấn đề được quan tâm ngày càng nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với những thách thức môi trường nghiêm trọng. Hội đồng Công tác tài chính bền vững Úc (Australian Sustainable Finance Initiative - ASFI) đã phát hành một lộ trình cho tài chính bền vững vào năm 2020, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển một danh mục phân loại xanh quốc gia (ASFI, 2020).
Hoa Kỳ đang ngày càng chú trọng đến việc phát triển danh mục phân loại xanh như một phần của chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khác với EU, Hoa Kỳ chưa có một khung phân loại xanh quốc gia chính thức. Thay vào đó, việc xác định và khuyến khích các hoạt động xanh chủ yếu được thực hiện thông qua các sáng kiến khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính, như các quy định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) về tiết lộ rủi ro khí hậu và các yêu cầu báo cáo ESG (Environmental, Social, Governance) (SEC, 2022).
Ngoài ra, sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh tại Hoa Kỳ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các hoạt động kinh tế bền vững. Các tiêu chuẩn như Green Bond Principles do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) phát triển đã được nhiều tổ chức tài chính và doanh nghiệp tại Hoa Kỳ áp dụng để hướng dẫn các khoản đầu tư vào các dự án xanh.
Kinh nghiệm của các quốc gia và khu vực trong việc xây dựng và triển khai danh mục phân loại xanh cho thấy việc phát triển một khung tiêu chuẩn hiệu quả đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan, từ các cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp và tổ chức tài chính. Mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng về kinh tế, môi trường và xã hội, do đó danh mục phân loại xanh cần được điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương.
SỰ CẦN THIẾT CỦA DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH
Với sự phát triển của các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, việc xây dựng một danh mục phân loại xanh rõ ràng và phù hợp với bối cảnh Việt Nam là cấp thiết. Kinh nghiệm từ các quốc gia và khu vực khác nhau cho thấy rằng việc xây dựng và triển khai danh mục này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về các yếu tố địa phương, đồng thời cần có sự hợp tác quốc tế để đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với các mục tiêu toàn cầu.
Việt Nam đã có những bước tiến đầu tiên trong việc phát triển khung pháp lý cho tài chính xanh, bao gồm việc khuyến khích phát hành trái phiếu xanh và xây dựng các quỹ đầu tư xanh. Tuy nhiên, một danh mục phân loại xanh chính thức vẫn chưa được hoàn thiện. Điều này dẫn đến sự thiếu nhất quán trong việc xác định các dự án và hoạt động xanh, gây khó khăn cho việc huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Danh mục phân loại xanh giúp định hình các tiêu chuẩn và tiêu chí để xác định các dự án và hoạt động đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Điều này bao gồm các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng và quản lý tài nguyên nước. Việc xác định rõ ràng các tiêu chí xanh giúp đảm bảo các khoản đầu tư được phân bổ đúng mục tiêu và có tác động tích cực đến môi trường.
Một danh mục phân loại xanh minh bạch và rõ ràng sẽ tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án xanh tại Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cần huy động nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh.
Danh mục phân loại xanh giúp các cơ quan quản lý, giám sát và đánh giá các dự án xanh, đảm bảo rằng các dự án này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội bền vững. Việc này cũng giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến “greenwashing” - khi các dự án hoặc doanh nghiệp tuyên bố là xanh nhưng không thực sự đóng góp vào các mục tiêu bền vững (OECD, 2020).
Việc xây dựng danh mục phân loại xanh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp có thể tận dụng các ưu đãi tài chính và chính sách hỗ trợ của Chính phủ khi tham gia vào các dự án xanh. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Một trong những thách thức lớn nhất là việc xây dựng danh mục phân loại xanh phù hợp với đặc thù kinh tế và môi trường của Việt Nam. Các tiêu chuẩn và tiêu chí cần được thiết kế sao cho vừa đảm bảo tính khoa học và minh bạch, vừa linh hoạt để áp dụng trong các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính và doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả của danh mục này.
HUY ĐỘNG TÀI CHÍNH XANH LÀ YẾU TỐ THEN CHỐT
Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên đưa quy định về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150). Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh (khoản 2 Điều 154 và các Điều 155, 156, 157).
Bên cạnh đó, trong các nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP), trái phiếu do Chính phủ (Nghị định số 95/2018/NĐ-CP) và chính quyền địa phương (Nghị định số 93/2018/NĐ-CP) phát hành đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để hình thành, phát triển và quản lý nhà nước đối với hai kênh tài chính tiềm năng này nhằm huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục vụ các mục tiêu môi trường quốc gia và các cam kết về khí hậu.
Trên thực tế, từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập Danh mục dự án xanh và xây dựng tài liệu hướng dẫn để phân loại các hoạt động kinh tế, dự án xanh phục vụ công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh, cũng như làm cơ sở cho các chương trình cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh.
Thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Một số trái phiếu xanh do chính quyền địa phương phát hành, trái phiếu xanh do doanh nghiệp phát hành được triển khai thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời.
Tuy nhiên, các Danh mục dự án xanh và hướng dẫn trên đều chưa được phân loại theo thống kê ngành kinh tế của Việt Nam, chưa được phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và chưa có các tiêu chí rõ ràng để sàng lọc, nhận diện loại hình dự án nào đáp ứng yêu cầu được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; chưa có quy định pháp lý về việc xác nhận thế nào là một loại hình dự án đáp ứng tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (ai xác nhận, xác nhận như thế nào…).
Về tiêu chí môi trường đối với các dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, dự kiến đề xuất tổng số có 80 dự án trong Danh mục phân loại xanh, bảo đảm bao quát khá toàn diện các hoạt động kinh tế có liên quan, hài hòa với danh mục của châu Âu, ASEAN, CBI, Trung Quốc… và phân thành các nhóm chính tương ứng (năng lượng: 19 dự án; giao thông vận tải: 3 dự án; xây dựng: 3 dự án; tài nguyên nước: 7 dự án; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học: 19 dự án; công nghiệp chế biến, chế tạo: 5 dự án; chất thải: 11 dự án; thông tin, truyền thông và dịch vụ: 8 dự án; dự án chuyển đổi xanh: 5 dự án), bao gồm các dự án hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp có phát thải khí nhà kính lớn hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng có nỗ lực áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Các tiêu chí được xây dựng đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 150 của Luật Bảo vệ môi trường và hệ thống phân loại của thế giới.
Việc xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh đề xuất theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, giảm công tác tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm đối với dịch vụ xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh bằng cách giao tổ chức có đủ điều kiện năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tham gia cung cấp dịch vụ này dưới sự quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước.
Đồng thời, để giảm phát sinh thủ tục hành chính, phù hợp hơn với khuyến nghị và thực tiễn của thế giới, dự kiến đối với trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành, các cơ quan, tổ chức không phải thực hiện thủ tục xác nhận theo quy định. Dự án thuộc Danh mục phân loại xanh được tổng hợp trong danh mục đầu tư công khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm làm căn cứ để Chính phủ, chính quyền địa phương lựa chọn khi phát hành trái phiếu xanh.
Việc huy động tài chính xanh là yếu tố then chốt để Việt Nam thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh các yêu cầu toàn cầu về ESG và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm ngặt, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng và đồng bộ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn này. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế để tận dụng các nguồn lực và cơ hội từ xu hướng tài chính xanh toàn cầu.
(*) Chuyên gia Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2024 phát hành ngày 19/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam