08:34 03/05/2007

Tiền mặt, nhưng phi Đôla, vẫn là “thượng đế”!

Dương Ngọc

Cần nói ngay quan điểm của tác giả bài này là không nên tích trữ Đôla. Khuyến nghị này được xuất phát từ mấy căn cứ sau đây

Giá USD đã tăng thấp hơn nhiều so với giá tiêu dùng trong nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Giá USD đã tăng thấp hơn nhiều so với giá tiêu dùng trong nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiện nay, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trong xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên giữ tiền Đôla Mỹ (USD).

Có ý kiến cho rằng nên giữ USD, vì USD là đồng tiền mạnh nhất thế giới, đồng tiền của một quốc gia có GDP chiếm gần một phần ba GDP của thế giới, đồng tiền chiếm tới quá nửa thị phần thanh toán cũng như dự trữ quốc tế của thế giới.

Tuy nhiên, tác giả bài này lại có quan điểm khác và xin có một số ý kiến lạm bàn về vấn đề này, ngõ hầu có thể góp tiếng nói vào việc lựa chọn giữa tiền Đôla Mỹ (USD) và tiền Đồng (VND) hiện nay cũng như trong thời gian tới.

Cần nói ngay quan điểm của tác giả bài này là không nên tích trữ Đôla. Khuyến nghị này được xuất phát từ mấy căn cứ sau đây.

Thứ nhất, chúng ta hãy thử so sánh tốc độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng giá USD ở nước ta tính từ năm 1991 đến nay (%).

Qua so sánh có thể thấy: trong hơn 16 năm qua, chỉ có 6 năm tốc độ tăng giá USD cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng; còn hơn 10 năm, tốc độ tăng giá USD thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng. Tính trong thời gian dài, tức là tháng 4/2007 so với tháng 12/1990, trong khi chỉ số giá tiêu dùng là 444% hay tăng 344%, thì chỉ số giá USD chỉ là 223,5%, hay tăng 123,5%, tức là tốc độ tăng giá tiêu dùng đã cao gấp gần 2,8 lần tốc độ tăng giá USD.

Điều đó có nghĩa là giá USD đã tăng thấp hơn nhiều so với giá tiêu dùng trong nước.

Thứ hai, lãi suất huy động tiền đồng thường cao gần gấp đôi lãi suất huy động tiền USD (trên dưới 9% so với trên dưới 4,8%). Mặc dù gần lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại ở trong nước có xu hướng tăng lên, thì lãi suất huy động USD cộng với tốc độ tăng giá USD ở trong nước cũng vẫn thấp xa so với lãi suất huy động tiền đồng.

Thứ ba, ngay các nhà hoạch định chính sách vĩ mô ở trong nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi đưa ra kế hoạch 5 năm 2006- 2010 cũng tính toán tốc độ tăng tỷ giá VND/USD bình quân năm trong thời kỳ 2006-2010 cũng chỉ khoảng 2,5%, thấp chưa bằng một phần ba tốc độ tăng giá tiêu dùng (dự tính thấp hơn tốc độ tăng 7,5- 8%/năm của tăng trưởng kinh tế).

Theo đó, tỷ giá đến năm 2010 chỉ vào khoảng trên dưới 18 nghìn VND/USD, tăng khoảng 2.000 VND/USD so với hiện nay.

Nhà tỷ phú Mỹ gốc Do Thái trong lĩnh vực tài chính, ông George Soros, người nổi tiếng vì đã làm cho đồng Bảng Anh phải rút khỏi thị trường tiền tệ châu Âu trước đây và trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á cách đây 10 năm, đã từng ám chỉ USD sẽ sụt giá với câu nói dí dỏm: “Tiền mặt, nhưng phi Đôla, là thượng đế”.

Thứ tư, thâm hụt kép (cán cân thương mại thâm hụt lên tới trên 800 tỷ USD và thâm hụt ngân sách hiện cũng lên đến 7% GDP) của Mỹ đã ở mức khổng lồ, trong khi lạm phát ở Mỹ vẫn chưa được chặn lại sau khi đã liên tục tăng lãi suất đồng USD. Đối với nước Mỹ, với tỷ lệ tiêu dùng lên đến trên 80%, nên rất “sợ” lạm phát, mặc dù mức lạm phát hiện mới chỉ ở mức trên dưới 2,5%/ năm.

Thứ năm, “cánh kéo tỷ giá” hiện nay khá lớn. Một USD tại Việt Nam hiện có sức mua tương đương bằng 4,5 USD tại Mỹ. Chính vì thế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính bằng USD năm 2006 theo tỷ giá hối đoái ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 725 USD, trong khi tính theo tỷ giá sức mua tương đương lại lên tới khoảng trên 3.000 USD (chênh lệch lên tới trên 4,1 lần).

Nói cách khác, nếu tính theo tỷ giá hối đoái thực tế ở Việt Nam, 1 USD hiện bằng khoảng 16.000 VND, nhưng nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương thì 1 USD chỉ bằng khoảng 3.900 VND. Càng mở cửa, “cánh kéo tỷ giá “ sẽ có xu hướng giảm, hay tỷ giá hối đoái thực tế sẽ tăng chậm để “chờ” tỷ giá sức mua tương đương. Chính “cánh kéo” này đã làm cho lượng USD trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ đã chảy mạnh vào Việt Nam qua các kênh kiều hối, vốn đầu tư cả FDI và ODA, du lịch.

Kiều hối năm 2006 lên tới khoảng 4,7 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Nguồn vốn FDI năm 2006 thực hiện trên 4,1 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Nguồn vốn ODA năm 2006 giải ngân đạt trên 1,81 tỷ USD - mức kỷ lục. Ngoại tệ thu được của khách quốc tế cũng lên đến gần 3 tỷ USD. Tình hình trên đã làm cho cán cân thanh toán mấy năm nay liên tục có số dư và tăng lên (trong 5 năm qua thặng dư đạt khoảng 4,5 tỷ USD).

Hãy nhớ lại, cách đây gần 10 năm, khi cuộc khủng hoảng khu vực xảy ra, có một số nhà khoa học, nhà kinh tế đã đưa ra khuyến nghị với Chính phủ phá giá VND để đưa lên khoảng 17.000 - 18.000 VND/USD so với mức 12.680 VND/ USD, nhưng Tổng cục Thống kê đã kiến nghị không nên phá giá như vậy mà để quan hệ cung cầu điều tiết. Kết quả cho đến nay, tỷ giá chính thức vượt quá 16.000 VND/ USD một chút.

Với các yếu tố trên, tác giả bài này xin có khuyến nghị là không nên tích trữ USD.