15:22 15/03/2023

Tính toán các chỉ tiêu đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo an ninh lương thực

Nhĩ Anh

Cần tính toán hợp lý chỉ tiêu đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên… tại các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Tây Nam bộ phù hợp để vừa bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tại các tỉnh phía Nam, đất đai là lĩnh vực hết sức quan trọng, nóng bỏng trước yêu cầu cấp thiết là giải phóng nguồn lực đất đai, đóng góp tốt hơn, hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá tốt hơn, hiệu quả hơn.

PHÂN BỔ, ĐIỀU CHỈNH NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI, BẢO ĐẢM CÔNG BẰNG GIỮA CÁC CỘNG ĐỒNG, ĐỊA PHƯƠNG

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề đặc thù về lịch sử, điều kiện tự nhiên liên quan đến nguồn gốc hình thành, mối quan hệ đất đai, ở các tỉnh phía nam như: Hạn điền; hạn mức chuyển nhượng; chuyển dịch đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, hỗ trợ; quyền sử dụng đất ở gắn với đất vườn, ao, hồ; sử dụng đất đa mục đích, đất hỗn hợp để khai thác hiệu quả đất đai…

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang có tốc độ chuyển dịch đất nông nghiệp rất nhanh gắn với quá trình đô thị hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

 
Các tỉnh Tây Nam bộ rất hạn chế chuyển dịch đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực, giữ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên,… thì phải có cơ chế điều tiết lợi ích thu được từ đất ở các địa phương khác. Tương tự, hoạt động chuyển dịch đất đai không chỉ hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước tại nơi triển khai dự án mà cần điều tiết lợi ích, bảo đảm công bằng giữa các cộng đồng, địa phương khác.

Do đó, cần tính toán hợp lý chỉ tiêu đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên… tại các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Tây Nam bộ, phù hợp để vừa bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Về phân bổ, điều chỉnh nguồn lực đất đai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải có công cụ điều tiết giá trị tăng lên từ đất đai ở những khu vực có điều kiện chuyển dịch đất đai để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… sang những khu vực, địa phương, dự án, cộng đồng dân cư không phát sinh giá trị tăng lên từ đất đai, hoặc hạn chế trong chuyển dịch đất đai.

Đơn cử như các tỉnh Tây Nam bộ rất hạn chế chuyển dịch đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực, giữ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên,… thì phải có cơ chế điều tiết lợi ích thu được từ đất đai ở các địa phương khác.

Tương tự, hoạt động chuyển dịch đất đai không chỉ hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước tại nơi triển khai dự án mà cần điều tiết lợi ích, bảo đảm công bằng giữa các cộng đồng, địa phương khác.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải phù hợp với điều kiện lịch sử, tự nhiên, văn hoá của các vùng, miền; vừa bảo đảm tính đa dạng, sự giao thoa trong chính sách quản lý, phân bổ đất đai, vừa bảo đảm quyền tiếp cận đất đai công bằng của mọi người dân.

NGHIÊN CỨU, PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ KỸ VẤN ĐỀ TẬP TRUNG ĐẤT ĐAI

Về tập trung đất đai, theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề rất quan trọng cần nghiên cứu kỹ, trên cơ sở phân tích, đánh giá khả năng chuyển đổi nền kinh tế, chuyển dịch lực lượng lao động, tác động của thiên tai, dịch bệnh…

Tập trung đất đai cần chú trọng vào phương thức tổ chức sản xuất trên cơ sở huy động đất đai quy mô lớn. Nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các cơ chế tham gia như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cũng như lợi ích của các bên tham gia, bảo đảm hợp tác công bằng.

Phó Thủ tướng cũng đề cập tới vấn đề mức độ tích tụ đất đai; hạn mức đất ở gắn với vườn, ao, hồ,… nhằm tìm ra chính sách hài hoà với các khu vực, vùng miền khác, theo đúng tinh thần của Hiến pháp "đất đai là sở hữu toàn dân", không phải là của từng cá nhân, cộng đồng, địa phương cụ thể mà là của dân tộc, của các thế hệ đi trước, hiện tại, cũng như tương lai.

Nêu thực tế đang tồn tại hai chính sách Nhà nước trực tiếp thu hồi đất đai và doanh nghiệp tự thoả thuận, dẫn đến cơ chế hai giá, Phó Thủ tướng nêu rõ: Nhà nước là cơ quan quản lý, định giá, thực hiện thu hồi đất. Vì vậy, các địa phương phải bày tỏ quan điểm rõ ràng dự án nào doanh nghiệp thực hiện thoả thuận, dự áo nào Nhà nước trực tiếp thu hồi để điều tiết giá trị tăng thêm từ đất đai.

Ông Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh yêu cầu phải công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch dự án cần sự tham gia của những người am hiểu, tách bạch cơ quan quản lý và đơn vị tư vấn, có đại diện của các chủ thể có liên quan…

"Khi triển khai những dự án phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, phải huy động được người dân tham gia và thụ hưởng lợi ích thực chất. Quan trọng nhất là cơ chế, cách làm chứ không phải là quy định cụ thể, thực hiện máy móc. Đây cũng là mục tiêu lớn nhất của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi", Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh phía Nam đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản đã thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW, có những điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng đất.

Các ý kiến kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, tiếp tục cụ thể hoá nội dung về trường hợp giao đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm; cơ chế giao đất, cho thuê đất sản xuất nông nghiệp;…

Từ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp… đã đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề định giá đất; bổ sung các điều, khoản thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… tương thích với các quy định có liên quan hiện nay; cũng như thẩm quyền của địa phương về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phát triển quỹ đất…

Một số ý kiến băn khoăn về phương án xây dựng bảng giá đất, cơ chế cập nhật, điều chỉnh giá đất khi có biến động trên thị trường; phân cấp trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương… được quy định trong dự thảo luật.