TP.HCM: Khánh thành dự án chính trang công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng
TP.HCM đã tổ chức buổi lễ khánh thành dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và Công viên Bến Bạch Đằng vào sáng 17/3, sau hơn hai tháng thi công. Cùng với đó đã cho đặt lại lư hương trước tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (tức tượng đài Trần Hưng Đạo) tại công viên Mê Linh.
Dự án cải tạo công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng nằm trong chuỗi công trình chỉnh trang đô thị, kết nối không gian đi bộ từ đường Nguyễn Huệ qua phía bờ sông Sài Gòn, bến tàu du lịch và công viên Cột cờ Thủ Ngữ, tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm Sài Gòn.
Công viên Bến Bạch Đằng kéo dài từ cầu Khánh Hội (nối quận 1 và quận 4) với điểm nhấn là Cột cờ Thủ Ngữ, chạy dọc bờ sông là mảng xanh và một số cầu tàu, nhà ga bến thủy nội địa. Công viên Mê Linh cũng được cải tạo, tăng thêm mảng xanh.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đơn vị chủ đầu tư dự án, công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng theo thời gian bị hư hại, xuống cấp sau nhiều năm sử dụng nên cần được nâng cấp, sửa chữa nhằm phát huy công năng không gian công cộng phục vụ cộng đồng, cải thiện cảnh quan khu vực trung tâm.
Dự án chỉnh trang hai công viên nói trên được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chấp thuận đầu tư cải tạo, nâng cấp theo đề xuất của Sở Quy hoạch và Kiến trúc với phương thức xã hội hóa.
Trong đó, công viên Bến Bạch Đằng hoàn thành với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6 ha, gồm 8.700 m2 đường dạo, sinh hoạt và khoảng 7.000 m2 mảng xanh kiểng được định hình chuỗi hoa sen.
Công viên Mê Linh có quy mô gần 0,6 ha, được sửa chữa, nâng cấp theo hướng kết nối với cảnh quan công viên Bến Bạch Đằng đến Cột cờ Thủ Ngữ. Khuôn viên công viên được cải tạo lại lối đi, đường dạo bằng vật liệu đá hoa cương, tăng thêm diện tích ghế ngồi tại các khu vực tiểu cảnh, lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng…
Đối với Tượng đài Trần Hưng Đạo (người dân vẫn quen gọi là Tượng đài Đức Thánh Trần), vốn được xây dựng từ thập niên 1970, đến nay đã có một số chỗ bị xuống cấp do thời tiết và môi trường xâm thực, không bảo đảm mỹ quan và an toàn. Cụ thể, khu vực chân tượng đài bằng đá mài đã bị nứt, sụt lún, đèn chiếu tượng đài đã cũ, hư hỏng nhiều nơi và không đảm bảo cảnh quan. Hệ thống chiếu sáng Công viên Mê Linh, đèn trang trí và phun nước nghệ thuật cũng hư hỏng nhiều, lối đi công viên bằng gạch đã mất màu, xuống cấp, bó vỉa cũng bong tróc, nứt gãy. VÌ vậy chính quyền TP.HCM cho tiến hành trùng tu lại, với sự tham vấn của Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, cùng các chuyên gia đầu ngành. Tượng đài Trần Hưng Đạo giữ được tính nguyên bản sau trùng tu.
Dịp này, chiếc lư hương đặt phía trước dưới chân tượng đài cũng đã được chính quyền TP.HCM cho di chuyển từ Đền thờ Đức Thánh Trần (số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 3) về lại vị trí ban đầu của tượng đài hiện hữu.
Trước đó, ngày 17/02/2019, chính quyền quận 1, TP.HCM đã cho di dời lư hương Tượng đài Trần Hưng Đạo về Đền thờ Đức Thánh Trần, gay dư luận trái chiều trong dư luận nhân dân. Sau đó, TP.HCM cụ thể là Ủy ban nhân dân Quận 1 tiến hành triển khai dự án cải tạo công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh, đồng thời lấy ý kiến người dân vào tháng 11/2021, về phương án thiết kế kiến trúc.
Vào năm ngoái, dự án trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ cũng đã hoàn thành. Cột cờ Thủ Ngữ tọa lạc ở đầu công viên Bạch Đằng, số 2 Tôn Đức Thắng, ở ngã ba rạch Bến Nghé đổ ra sông Sài Gòn, đối diện Bến Nhà Rồng (phía tả ngạn rạch-sông). Được xây dựng vào năm 1865, cùng với Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng và cầu Mống, Cột cờ Thủ Ngữ là một yếu tố quan trọng tạo nên một quần thể lịch sử - văn hóa đặc trưng và là “chứng nhân” cho quá trình phát triển đô thị của Sài Gòn – Gia Định - TP.HCM.