Tranh cãi vụ kiện tài khoản "bốc hơi", ngân hàng phải đền tiền
Trong vụ kiện bà Nguyễn Thị C. bị mất 11,9 tỷ đồng trong tài khoản, tòa án sơ thẩm đã buộc ngân hàng phải đền 700 triệu đồng. Tuy nhiên, Viện kiểm sát có kháng nghị cho rằng việc xác định tỷ lệ bồi thường chưa đúng quy định...
TAND tỉnh Bắc Ninh đã nhận được đơn kháng cáo, kháng nghị trong vụ kiện tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán giữa bà Trần Thị C. (SN 1974) và một ngân hàng thương mại.
NGHE CUỘC ĐIỆN THOẠI LẠ, TÀI KHOẢN “BỐC HƠI” 11,9 TỶ ĐỒNG
Theo hồ sơ, chiều 22/4/2022, bà C. đến ngân hàng để mở tài khoản giao dịch. Sau khi kiểm tra hộ chiếu, nhân viên quầy giao dịch đưa cho bà C. giấy đề nghị mở hồ sơ thông tin khách hàng cá nhân, tài khoản tiền gửi và đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng. Bà C. được hướng dẫn chỗ ký tên, ghi rõ họ tên.
Trong thời gian từ 22/4 đến 25/4/2022, bà C. đã nhờ người nhà chuyển 11,9 tỷ đồng vào số tài khoản trên.
Trong khoảng thời gian này, bà C. không nhận được bất cứ cuộc gọi điện thoại hay tin nhắn của ngân hàng cũng như biến động số dư trong tài khoản vào số điện thoại của bà.
Tuy nhiên, vào ngày 25/4/2022, khi bà C. đến ngân hàng kiểm tra số dư tài khoản để chuyển tiền thì được nhân viên thông báo tài khoản của bà còn 114.718 đồng. Bà C. khẳng định không biết ai rút tiền, bản thân bà không thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền trực tiếp hay gián tiếp nào. Do đó, bà C. đã khởi kiện vụ việc ra tòa án.
Quá trình xét xử sơ thẩm, bà C. khẳng định không được xem, đọc điều khoản, điều kiện về mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tài khoản. Bà C. không đọc giấy đề nghị mở hồ sơ thông tin khách hàng cá nhân, tài khoản tiền gửi và đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng, chỉ ký theo hướng dẫn của nhân viên. Bà C. không cung cấp mật khẩu, mã OTP cho bất cứ ai.
Cũng theo lời trình bày của khách hàng, sáng 22/4/2022, có một người gọi điện đến máy điện thoại của bà tự xưng là Tô Ngọc Dầu. Các đối tượng thông báo bà C. tham gia giao thông gây tai nạn tại TP Đà Nẵng và liên quan đến đường dây buôn ma túy, rửa tiền.
Sau đó, có đối tượng tên là Hải tự giới thiệu là công an, yêu cầu bà đến ngân hàng mở tài khoản để chứng minh tài chính. Bà C. cũng xác nhận nghe theo hướng dẫn của đối tượng tên Hải, bà có mua điện thoại di động hiệu Samsung Glaxy A13 để sử dụng những khi liên lạc với đối tượng này.
Hồ sơ vụ việc cũng thể hiện, các đối tượng yêu cầu bà C. cài đặt phầm mềm “bảo mật” vào điện thoại.
Đại diện ngân hàng cho rằng nguyên nhân bà C. bị mất tiền là do nghe theo đối tượng truy cập vào phần mềm “bảo mật”.
Phần mềm này có nhiều chức năng nên làm mất quyền kiểm soát, truy cập sử dụng điện thoại của bà C. nên tất cả tin nhắn được hệ thống ngân hàng gửi đến đều bị kiểm soát và xử lý với mục đích chiếm đoạt tiền. Ngân hàng xác định không có lỗi gây ra thiệt hại nên không có trách nhiệm bồi thường.
TRANH CÃI VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH TỶ LỆ BỒI THƯỜNG
Tòa án sơ thẩm xác định, bà C. cho rằng khi ký kết hợp đồng bà không đọc nội dung, không tích vào các ô cung ứng các loại dịch vụ, không được nhân viên ngân hàng tư vấn đầy đủ nhưng bà C. không xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh.
Theo trích xuất camera, bà C. có ngồi tại bàn đọc và tự điền thông tin cá nhân và các dịch vụ đăng ký trên mẫu. Sau đó có chuyên viên ngân hàng kiểm tra, xác nhận lại thông tin. Sau khi phòng lãnh đạo dịch vụ khách hàng phê duyệt dịch vụ, hệ thống ngân hàng gửi mật khẩu kích hoạt ứng dụng digital, gửi mật khẩu. Trong nội dung tin nhắn, ngân hàng đã nhấn mạnh nội dung “không tiết lộ mật khẩu dưới bất kỳ hình thức nào”.
Kết luận giám định thể hiện, ứng dụng phần mềm “bảo mật” có server tại Nhật Bản và có chức năng đọc tin nhắn SMS, gửi tin nhắn SMS, nhận và xử lý tin nhắn SMS, đọc lịch sử cuộc gọi, tạo mới lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi, chuyển hướng cuộc gọi; đọc danh bạ, sửa đổi danh bạ; truy cập vào dữ liệu vị trí của thiết bị.
Tuy nhiên, tòa án cũng nhận định, việc nhân viên ngân hàng không hướng dẫn bà C. tiếp cận văn bản là Điều khoản, Điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đây là nguyên nhân gián tiếp khiến bà C. mất tiền.
Ngoài ra, việc bà C. cài đặt phần mềm “bảo mật” đã vô tình làm mất quyền kiểm soát thiết bị điện tử đã đăng ký với ngân hàng. “Nguyên nhân chính, trực tiếp làm mất số tiền trong tài khoản là do bà C.”, bản án nhận định.
Ngân hàng có một phần lỗi là không giải thích kỹ càng, và không được cảnh báo trước những thủ đoạn mới của kẻ gian.
Với lý do trên, tòa án buộc ngân hàng bồi thường 700 triệu đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bà C. kháng cáo bản án trên, cho rằng tòa sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ lỗi của ngân hàng.
Ngày 2/4/2024, Viện kiểm sát nhân dân TP Từ Sơn có quyết định kháng nghị với bản án trên. Theo nội dung kháng nghị, bản án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác các chứng cứ có trong hồ sơ. Ngoài ra, án sơ thẩm không nhận định lỗi cụ thể của ngân hàng, thiệt hại của bà C. và nhận định mức bồi thường mang tính ước lượng 5-6% nhưng lại quyết định tuyên buộc ngân hàng đền 700 triệu đồng là không đúng quy định…
Với lý do trên, Viện kiểm sát kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bán án sơ thẩm.
Trong thời gian qua, cơ quan công an đã cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi nhắm vào những người “nhẹ dạ cả tin”. Tuy nhiên, chuyên gia luật cho rằng trách nhiệm bồi thường của ngân hàng sẽ phát sinh ngay khi có căn cứ cho thấy khách hàng bị thiệt hại và ngân hàng đã sai trước những cam kết, thoả thuận với Khách hàng.
Khách hàng thường sử dụng các dịch vụ ngân hàng hoặc gửi tiền vào ngân hàng không chỉ bởi niềm tin mà còn dựa trên các hợp đồng dịch vụ, quy định nghiệp vụ huy động vốn của ngân hàng và của pháp luật. Do vậy, bất cứ yếu tố nào cho thấy ngân hàng chưa hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình mà phát sinh thiệt hại cho khách hàng thì ngân hàng sẽ phải bồi thường thiệt hại đó.