Triển vọng kinh tế Việt Nam 2023
Thuật ngữ “cơn gió xuôi”, “cơn gió ngược” là những khái niệm được nhắc đến nhiều trong các năm qua. Mặc dù “cơn gió ngược” có thể tiếp tục mạnh và những “cơn gió xuôi” chưa thực sự tạo đà nhưng vẫn có cơ hội và thách thức đan xen, trong đó Trung Quốc là ẩn số lớn nhất trong năm 2023...
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB, đã bắt đầu bài tham luận của mình như thế tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra ngày 11/1/2023 tại Hà Nội, sự kiện do VNEConomy và Bộ Ngoại giao đồng tổ chức thường niên.
ẨN SỐ TRUNG QUỐC
"Khái quát về diễn biến kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022", đại diện ADB nhấn mạnh: có thể thấy rằng, các nền kinh tế đã chuyển hướng rất nhanh.
Thứ nhất, ngoại trừ Trung Quốc, hầu hết các nền kinh tế đều chuyển từ phòng chống dịch Covid-19 cứng nhắc sang linh hoạt hơn. Thống kê các con số gần đây cho thấy, ca mắc Covid-19 từ 4 triệu ca/ngày đã giảm còn 400-450.000 ca/ngày. Do đó, đến trước tháng 11/2022, hầu hết các nước châu Á đều có sự chuyển hướng, tạo ra sự phục hồi nền kinh tế.
Thứ hai, lạm phát là vấn đề toàn cầu, song lạm phát trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn được kiểm soát tốt hơn, đặc biệt là Đông Nam Á.
Ngân hàng ADB nhận xét, lạm phát đã đạt đến đỉnh và có xu hướng đi xuống, song các rủi ro về lạm phát vẫn còn.
Thứ ba, trong bối cảnh tài chính thế giới siết chặt lại, các đồng tiền trong khu vực có xu hướng mất giá so với đồng USD, trung bình mất giá 10%, hoàn toàn là xu hướng chung của khu vực.
Trong khu vực châu Á là sự xuất hiện “cơn gió ngược”, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Song cũng có những nền kinh tế như Ấn Độ, mặc dù có “cơn gió ngược”nhưng sản xuất của Ấn Độ vẫn mạnh.
Trên thực tế, cho đến nay, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines đã lên hơn 50; Việt Nam và Malaysia ở dưới mức trung bình dưới 50)… Những chỉ số này cho thấy có rất nhiều câu chuyện, Indonesia, Thái Lan, Philippines mặc dù đơn đặt hàng giảm, nhưng vẫn duy trì chỉ số PMI trên 50 là do họ có sự liên kết giữa nội địa và khu vực sản xuất.
Ngược lại, nhìn vào Việt Nam, tại sao trong khi đơn hàng xuống, tăng trưởng tiêu dùng nội địa tăng nhưng lại không có sự hỗ trợ. Do đó có thể thấy rằng, những cơn gió ngược tác động đền từng nền kinh tế khác nhau và làm bộc lộ điểm yếu của các nền kinh tế.
Đánh giá dự báo chung, ADB cho rằng, các nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái. Nhưng giả thuyết nếu không có đại dịch Covid-19 thì thực tế, nền kinh tế thế giới vẫn chuyển từ trạng thái nới lỏng sang siết chặt và Covid-19 chỉ thúc đẩy quá trình này. Tuy nhiên, nếu không có Covid-19, nền kinh tế thế giới có thể có suy thoái nhưng giảm tốc rất nhanh.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng tương đối ổn định, đặc biệt là khu vực ASEAN. Ngoài câu chuyện xuất khẩu, tìm kiếm thị trường, ASEAN là cơ hội, là “cơn gió xuôi” rất mạnh. Do đó, ngoài “cơn gió ngược” vẫn có “cơn gió xuôi” và không phải là không có tiềm năng.
Trong tất cả “cơn gió ngược” hay “cơn gió xuôi” thì Trung Quốc sẽ nổi lên như là một trong những yếu tố quan trọng. Năm 2023, thế giới và khu vực sẽ theo dõi sự mở cửa của Trung Quốc. ADB dự báo việc mở cửa của Trung Quốc là một quá trình và có tác động 2 chiều.
KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM
Tăng trưởng của Việt Nam rất ấn tượng và đồng đều. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi 2 yếu tố là chuyển hướng phòng chống dịch linh hoạt và kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi rất mạnh. Có 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, đó là tiêu thụ, xuất khẩu, giải ngân đầu tư công.
Đối với việc ổn định tài chính, ADB vẫn rất lạc quan với nền thị trường tài chính Việt Nam. Câu chuyện năm 2023 là khơi thông thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu. ADB cho rằng, đối với các điều kiện của Nghị định 65/NĐ-CP cần phải tiếp tục duy trì, bên cạnh các chính sách để bảo đảm lòng tin của nhà đầu tư như cơ chế bảo lãnh…
Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện tích cực còn có tác động của “cơn gió ngược”.
Về lạm phát, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất là nằm trong xu thế chung. Tất cả những chính sách tiền tệ đều hiệu quả và ADB đánh giá cao chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Vấn đề là sau những lần tăng lãi suất, từ nới lỏng sang thắt chặt tiền tệ, nếu như không có câu chuyện thị trường vốn, việc thắt chặt nền kinh tế có thể hấp thụ được. Tuy nhiên, do liên quan đến thị trường vốn, khi thắt chặt chính sách tiền tệ, cùng thời điểm xảy ra các câu chuyện với thị trường vốn nên có thể thấy rằng, một mặt chính sách đi đúng hướng, nhưng mặt khác, niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm do thị trường trái phiếu không thuận lợi.
Vì vậy, cần phải tách ra 2 vấn đề: chính sách tiền tệ hoàn toàn đúng khi ứng phó với lạm phát; bên cạnh đó, giải pháp với chính sách thị trường vốn với việc làm thế nào để ngăn chặn và hạn chế khủng hoảng niềm tin cũng cần đặt ra. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất của thị trường vốn và thị trường tài chính là giải quyết vấn đề niềm tin.
Về chính sách tiền tệ, ADB khuyến nghị cần tập trung vào lạm phát và ổn định giá cả; mặt khác, cần có vai trò chính sách tài khóa mạnh hơn nữa.
Về đầu tư công, ADB đặt vấn đề là việc hấp thụ vốn của Việt Nam như thế nào? Trên thực tế không phải là việc giải ngân chậm mà nền kinh tế có hấp thụ vốn được không. Chính phủ Việt Nam phê duyệt 2,87 triệu tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung và dài hạn trong giai đoạn 5 năm (2021-2025), như vậy, trung bình mỗi năm giải ngân hơn 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế mỗi năm chỉ giải ngân được 60%, nền kinh tế chỉ hấp thụ được như vậy.
Khi đưa ra con số đầu tư công, cần phải căn cứ vào khả năng hấp thụ vốn, điều này phụ thuộc vào năng lực, cơ chế, luật phát. Do đó, về trung và dài hạn, cần phải thường xuyên xác định khả năng hấp thụ vốn của thị trường.
Đối với việc ổn định tài chính, ADB vẫn rất lạc quan với thị trường tài chính Việt Nam. Câu chuyện của năm 2023 là khơi thông thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu. ADB cho rằng, các điều kiện của Nghị định 65/NĐ-CP cần phải tiếp tục duy trì, bên cạnh các chính sách (như cơ chế bảo lãnh) để bảo đảm lòng tin của nhà đầu tư.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03 phát hành ngày 16-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam