17:28 15/06/2023

Từ doanh số mua bán nợ của VAMC nghĩ về "chợ nợ xấu" ở Việt Nam

Tùng Thư

Năm 2017, Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức chuyển trọng tâm sang mua bán, xử lý nợ theo cơ chế thị trường thay vì chỉ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua bán, xử lý nợ xấu như trước...

"Chợ nợ xấu" ở Việt Nam vẫn đìu hiu.
"Chợ nợ xấu" ở Việt Nam vẫn đìu hiu.

Thay vì chỉ có nguồn thu từ phí quản lý, thu hồi nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và không có lợi nhuận trong giai đoạn 2016 trở về trước thì từ năm 2017 VAMC đã cân đối được thu chi và có lợi nhuận ngày càng cao thông qua hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, đảm bảo nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. 

DOANH SỐ TĂNG HÀNG CHỤC LẦN KỂ TỪ KHI MUA BÁN NỢ THEO GIÁ TRỊ THỊ TRƯỜNG

Theo VAMC, lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2022, VAMC đã mua 27.891 khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của 17.269 khách hàng với giá mua nợ là 378.917 tỷ đồng và tổng dư nợ gốc nội bảng là 412.242 tỷ đồng; mua 393 khoản nợ xấu theo giá trị thị trường của 201 khách hàng với giá mua nợ là 12.885 tỷ đồng và dư nợ gốc nội bảng là 12.183 tỷ đồng.

Luỹ kế từ khi thành lập đến hết năm 2022, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý được 332.972 tỷ đồng dư nợ gốc, đạt 79% tổng số dư nợ gốc đã mua.

Lũy kế từ năm 2018 (năm đầu tiên thực hiện đấu giá) đến cuối năm 2022, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 22 tài sản với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.516 tỷ đồng.       

 

Trong năm 2023, VAMC dự kiến mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt tối đa là 12.000 tỷ đồng (giá mua nợ), mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt hơn 2.700 tỷ đồng và xử lý thu hồi nợ đạt 14.000 tỷ đồng (dư nợ gốc).  

Nghị quyết 42/2017/QH14 được ban hành đã giúp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, tạo ra đòn bẩy quan trọng, những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm, nhất là đối với hoạt động thu giữ và nhận bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý vốn trước đây gặp rất nhiều khó khăn về quy định pháp luật liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đám. Kết quả, VAMC đã thu giữ thành công 28 quyền sử dụng đất của 3 khoản nợ và nhận bàn giao tài sản bảo đảm của 8 khoản nợ có giá trị lớn.

Trong năm 2023, VAMC dự kiến mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt tối đa là 12.000 tỷ đồng (giá mua nợ), mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt hơn 2.700 tỷ đồng và xử lý thu hồi nợ đạt 14.000 tỷ đồng (dư nợ gốc).    

Nếu như trước đây nguồn thu chủ yếu đến từ số tiền VAMC được hưởng trên các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, thì hiện nay nguồn thu chính của VAMC đến từ kết quả của hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường. Từ khi triển khai mua bán nợ theo giá trị thị trường (2017) đến nay, doanh thu hàng năm của VAMC đều đạt trên 2.000 tỷ đồng gấp hàng chục lần so với giai đoạn trước (trong đó, năm 2021, doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng). 

Lợi nhuận hàng năm trong giai đoạn 2017 đến nay liên tục gia tăng. Nếu như năm 2017 – năm đầu tiên triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, lợi nhuận của VAMC mới đạt 16 tỷ đồng, thì đến năm 2022 lợi nhuận của VAMC đã đạt 165 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 6 năm, mặc dù phải trải qua giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng lợi nhuận của VAMC đã tăng 10 lần. 

Mặc dù vậy, VAMC cũng thừa nhận các thành tựu đạt được trong công tác mua bán và xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC so với tổng giá trị nợ xấu của toàn hệ thống còn khiêm tốn

NHIỀU LỰC CẢN KHIẾN "CHỢ NỢ XẤU" VẪN ĐÌU HIU

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 10 năm qua (2012-2022), các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 1,57 triệu tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu bằng hình thức tổ chức tín dụng tự xử lý. Xử lý nợ xấu bằng hình thức bán nợ (bán cho VAMC và các tổ chức, cá nhân khác) chiếm 26,6%, trong đó chủ yếu là bán cho VAMC. Việc bán nợ xấu theo giá trị thị trường vẫn còn vô vàn hạn chế do thị trường mua bán nợ chưa phát triển.

Các chuyên gia đánh giá khung pháp lý của thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam chưa được hoàn thiện. Nghị định 69/2016 của Chính phủ đã đề nghị cơ quan quản lý với đầu mối là Bộ Tài chính có phương án, đề án phát triển thị trường mua bán nợ, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn tương đối chậm. Bên cạnh đó, pháp luật chỉ cho phép 2 phương thức mua bán nợ là đàm phán trực tiếp và đấu giá. Điều này dẫn tới thiếu cơ sở định giá khoản vay và thiếu các cơ chế về công khai thông tin.

Ngoài ra, việc mua bán nợ chỉ đang được thực hiện vòng vo trên 4 chủ thể là VAMC, DATC, AMC và tổ chức tín dụng. Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức khác tham gia mua bán nợ xấu nhưng không quy định chi tiết về kế thừa quyền, nghĩa vụ đối với tài sản bảo đảm khi tổ chức đó không phải là tổ chức tín dụng. Điều này đã hạn chế chủ thể tham gia thị trường.

Ngoài ra, thị trường mua bán nợ của Việt Nam hiện cũng rất thiếu các nhà môi giới chuyên nghiệp, định giá tài sản độc lập, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty chứng khoán... và thị trường thứ cấp hầu như chưa có.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia kiến nghị 4 giải pháp để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Một là, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là nghị định về thị trường mua-bán nợ. Về lâu dài có thể xây dựng luật theo hướng bổ sung các chủ thể tham gia thị trường (tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng; nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước...). Mở rộng phương thức mua-bán nợ và sản phẩm, dịch vụ liên quan (cho phép chứng khoán hóa), luật hóa Nghị quyết 42 trong Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai và nhu cầu thời gian tới.

Hai là, nhất quán, đồng bộ quy định việc tham gia của nhà đầu tư tư nhân (gồm cả nhà đầu tư nước ngoài) khi sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, bất động sản (nhà ở, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng…) thông qua trung gian (có thể là các tổ chức tín dụng Việt Nam).

Ba là, đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể tham gia thị trường, cho phép thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp mua-bán nợ; tổ chức nhận ủy thác (trustee) cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, công ty môi giới….

Bốn là, phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản (nghiên cứu thành lập công ty tái cho vay thế chấp). Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng tài chính (thông tin-dữ liệu, kế toán, kiểm toán, thanh toán bù trừ, định hạng tín nhiệm...); đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước.