Văn bản pháp luật vẫn “cản” doanh nghiệp kinh doanh
Đã có nhiều động thái thúc đẩy cải cách, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ việc chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi...
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức ngày 11/11.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, trong vài năm trở lại đây, hệ thống pháp luật kinh doanh có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng minh bạch, cởi mở, thông thoáng hơn, phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế và nhu cầu của doanh nghiệp.
HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐỒ SỘ, PHỨC TẠP
Hệ thống pháp luật nước ta hiện nay khá đồ sộ và tương đối phức tạp. Tính từ 1/1/2016 đến ngày 20/7/2020, chúng ta có 112 luật pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, 645 Nghị định của Chính phủ, 232 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2532 Thông tư cấp Bộ.
“Với số lượng quy định lớn này có chất lượng tốt thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, ngược lại có nhiều cản trở, vướng mắc thì ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh vô cùng lớn”, ông Tuấn nhận định.
Lấy dẫn chứng cụ thể từ Luật Đất đai 2013, ông Tuấn cho biết theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ đã phải ban hành đến 25 Nghị định trong đó có 16 Nghị định ban hành mới 7 Nghị định sửa đổi bổ sung, 2 Nghị định ban hành thay thế. Còn cấp bộ ngành ban hành tới 56 Thông tư và Thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tới 46 Thông tư.
“Như vậy, chỉ một luật thôi nhưng hệ thống pháp luật đi theo rất lớn. Chính vì thế tính phức tạp không phải ai cũng hiểu, doanh nghiệp cũng chưa thể hiểu hết một cách tốt nhất để thực thi tốt. Đây là vấn đề lớn”, ông Tuấn nêu thực tế.
Bên cạnh đó, chất lượng văn bản pháp luật hiện nay đã có sự nỗ lực sửa đổi, nhưng tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật vẫn rất phổ biến do số lượng các văn bản pháp luật đồ sộ. Điển hình trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng đất đai, có đến 25 văn bản chồng chéo khác nhau. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng chỉ rõ, trong bất động sản có 12 luật liên quan, nhưng không luật nào theo luật nào. Nhiều văn bản trớ trêu, sự trớ trêu nằm cả ở luật, nghị định.
Đơn cử, Luật Nhà ở quy định bảo hành là của chủ đầu tư là 60 tháng với nhà chung cư, Luật Xây dựng quy định thời hạn bảo hành tối đa đối với công trình cấp đặc biệt và cấp 1 cũng chỉ tối đa là 24 tháng. Đáng quan ngại, hai văn bản luật này đều do Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo, nhưng lại do hai cục của Bộ “chắp bút” nên đã ra hai quy định khác nhau về cùng một vấn đề.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, việc xây dựng pháp luật hiện nay thiếu góc nhìn chung của nhà nước. Mỗi bộ, ngành đều ban hành dưới góc nhìn của bộ mình. Điều này có thể hiểu được nhưng nếu tính lợi ích tổng thể của nền kinh tế thì ảnh hưởng rất lớn. Song đến nay chúng ta vẫn chưa có cơ chế nào đủ mạnh để cân bằng quy định pháp luật nào mang lại lợi ích tốt nhất.
Nói rõ về chất lượng thông tư, công văn, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế, VCCI, cho biết thêm, thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh – điều bị cấm trong Luật Đầu tư 2020. Các quy định tại thông tư vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, khả thi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có những thông tư bị đình chỉ thi hành khi vừa mới phát sinh hiệu lực trong thời gian ngắn.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46 phát hành ngày 14-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam