15:50 21/03/2023

Vốn ngoại thúc giá, thị trường đảo chiều dựng ngược

Kim Phong

Nhịp phục hồi ấn tượng chiều nay có bóng dáng của nhà đầu tư nước ngoài rõ rệt, khi lượng tiền giải ngân của khối này trên HoSE chiếm tới một phần ba giao dịch sàn này. Đà tăng ở chỉ số cũng kéo theo khá nhiều cổ phiếu phục hồi theo...

VN-Index được kéo lên dựng đứng trong phiên chiều nhờ cầu ngoại.
VN-Index được kéo lên dựng đứng trong phiên chiều nhờ cầu ngoại.

Nhịp phục hồi ấn tượng chiều nay có bóng dáng của nhà đầu tư nước ngoài rõ rệt, khi lượng tiền giải ngân của khối này trên HoSE chiếm tới một phần ba giao dịch sàn này. Đà tăng ở chỉ số cũng kéo theo khá nhiều cổ phiếu phục hồi theo.

VN-Index kết phiên tăng 0,91% tương đương 9,33 điểm so với tham chiếu. Đây là mức tăng ấn tượng nêu so với thời điểm cuối phiên sáng, chỉ số còn giảm 0,37%.

Thay đổi đáng chú ý hơn chỉ số là độ rộng. Chỉ số được các trụ kéo lên trước, đến khoảng 1h15 VN-Index đã có màu xanh nhưng độ rộng vẫn là 142 mã tăng/194 mã giảm. Phải đến gần 1h30 độ rộng mới cần bằng, sau đó đà tăng giá lan tỏa rộng. Kết phiên HoSE có 279 mã tăng/109 mã giảm.

Buổi sáng, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân rất chậm, thậm chí còn bán ròng gần 110 tỷ đồng. Đến chiều dường như quỹ Fubon bắt đầu mua, ghi nhận mức tăng vọt ở hoạt động này. Cụ thể, riêng chiều, khối ngoại mua thêm 1.342,2 tỷ đồng, cao gấp 4,7 lần mức mua buổi sáng. Bán ra cũng tăng cao, đạt 1.118,3 tỷ đồng, tức là vẫn mua ròng gần 224 tỷ. Nhờ giao dịch này, tính chung cả phiên, khối ngoại vẫn mua ròng 113,9 tỷ đồng.

Lượng vốn giải ngân mới chiếm tới 32% tổng giao dịch sàn HoSE chiều nay đã giúp thanh khoản tăng gần 75% so với phiên sáng. Ở khía cạnh tích cực, cầu ngoại đã hỗ trợ giá rất tốt, nhất là đẩy nhóm trụ lớn tăng, từ đó “lôi” VN-Index lên. Chỉ số đảo chiều tạo tâm lý tích cực. Biểu hiện sau đó là độ rộng thị trường thay đổi theo như mới nói ở trên. Nói cách khác, lực mua nói chung tăng chậm hơn một nhịp, thể hiện phản ứng chạy theo sau khi chỉ số phát tín hiệu.

VHM là trụ đáng chú ý nhất chiều nay khi giá được đẩy mạnh thêm. Chốt phiên sáng cổ phiếu này đang tăng 2,35%, đến chiều tăng thêm 4,24% nữa và đóng cửa chỉ còn cách giá trần 2 bước, tăng 6,7% so với tham chiếu. VHM duy trì vị trí số 1 trong nhóm kéo điểm số khi công tới hơn 3,1 điểm. VCB vẫn đứng thứ hai với mức tăng 1,65%, thực tế biến động khá nhẹ buổi chiều, chỉ tăng thêm 0,35% so với giá buổi sáng.

Tuy vai trò của VCB khá nhạt, nhưng cả loạt cổ phiếu blue-chips khác lên giá dữ dội. VRE tăng riêng chiều nay khoảng 4,06% so với phiên sáng, đảo chiều mạnh mẽ thành tăng 1,55% so với tham chiếu. HPG cũng tăng riêng chiều 2,5%, chốt phiên tăng 2,25% so với tham chiếu. VPB tăng thêm 3,83%, chốt tăng 3,3%. SSI tăng thêm 3,09%, chốt tăng 2,56%... Các mã như VIC, BID tuy chỉ đóng cửa tại tham chiếu nhưng vẫn là động lực quan trọng của VN-Index chiều nay khi đều phục hồi hơn 1% so với buổi sáng.

Xếp theo giá trị khớp lệnh, nhiều cổ phiếu nhận được lực mua mạnh chiều nay và tăng giá tốt.
Xếp theo giá trị khớp lệnh, nhiều cổ phiếu nhận được lực mua mạnh chiều nay và tăng giá tốt.

Không có gì bất ngờ khi lực mua mới từ khối ngoại cũng đảo ngược vị thế giao dịch ở nhiều cổ phiếu bị bán ròng buổi sáng. VHM ghi nhận mức mua ròng cả phiên 54,2 tỷ đồng trong khi buổi sáng mới là hơn 16 tỷ đồng. HPG từ chỗ bị bán ròng 27 tỷ, đảo ngược thành mua ròng 36,5 tỷ. Ngoài ra VCI +32,8 tỷ, VRE +31,3 tỷ cũng là các mã được mua nổi bật trong phiên chiều. Nhóm VIC, VCG, DCM, SHB, KDH, POW, VCB buổi sáng mua không đáng kể, thậm chí bị bán ròng, nhưng chiều nay đều được mua thêm. Phía bán ròng có PDR -56,3 tỷ, SSI -36,8 tỷ, MBB -35,3 tỷ, VND -34,2 tỷ, PLX -31 tỷ, HDB -29,5 tỷ, VNM -22,5 tỷ.

Tính chung hai sàn niêm yết chiều nay, thanh khoản tăng gần 70% so với buổi sáng, đạt gần 4.533 tỷ đồng. Tuy nhiên do phiên sáng quá kém, nên cả ngày, giao dịch vẫn giảm hơn 18% so với hôm qua, đạt 7.200 tỷ, mức thấp nhất 11 phiên. Thị trường ghi nhận 17 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì duy nhất EIB giảm 1,07%, còn lại đều tăng. 8 mã trong số này tăng từ 3% trở lên, 6 mã khác tăng trong biên độ 1%-3%.

Tính chung cả ngày hôm nay, vốn mua vào của nhà đầu tư nước ngoài chiếm xấp xỉ 20% tổng giá trị giao dịch của HoSE. Đây là tỷ trọng rất cao, cho thấy dòng vốn trong nước vẫn rất nhỏ. Thị trường ngắn hạn đang phụ thuộc nhiều vào đợt giải ngân của quỹ Fubon và các giao dịch khác của khối ngoại.