17:14 04/09/2008

Vốn vào ngân hàng chậm lại

Minh Đức

So sánh dữ liệu qua các tháng cho thấy nguồn vốn gửi vào ngân hàng đang chậm lại

Phần lớn các ngân hàng hiện đã áp lãi suất huy động VND dưới 18%/năm (một số ngân hàng cổ phần từ dưới 18,4%/năm) và dưới 6%/năm đối với tiền gửi USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Phần lớn các ngân hàng hiện đã áp lãi suất huy động VND dưới 18%/năm (một số ngân hàng cổ phần từ dưới 18,4%/năm) và dưới 6%/năm đối với tiền gửi USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 8, lượng tiền gửi vào các ngân hàng đã chậm lại, sau khi tăng mạnh hai tháng trước đó.

Cụ thể, trong tháng 8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước chỉ tăng 0,94% so với tháng trước, tuy cao hơn mức tăng 0,28% của cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,47% của tháng 7/2008. Trong đó, số dư tiền gửi VND ước tăng 1,14% và số dư tiền gửi ngoại tệ ước tăng 0,37%. Và so với cuối năm 2007, tổng số dư tiền gửi hiện ước tăng 10,62%.

Thống kê cũng cho thấy, 0,94% là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây, thấp hơn mức bình quân kể từ đầu năm.

Từ tháng 6/2008, mức tăng của tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng bắt đầu có sự đột biến so với 5 tháng trước đó. Ước tính chỉ riêng trong tháng 6, mức tăng khoảng 3,7% đã tạo sự đột biến, cao hơn cả 3 tháng quý 1/2008 và cao nhất trong 8 tháng vừa qua.

Sự đột biến trong tháng 6 có tác động mạnh và trực tiếp từ đợt biến động chưa từng có của lãi suất huy động. Từ nửa cuối tháng 5/2008, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện cơ chế lãi suất mới, khởi đầu là mức lãi suất cơ bản 12%/năm và lên 14%/năm trong tháng 6. Từ đây, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại liên tiếp tăng vọt, từ khoảng 15% cuối tháng 5 lên tới trên 19%/năm, cá biệt có trường hợp đẩy lên 20%/năm.

Đi cùng với các mức lãi suất hấp dẫn, các ngân hàng thương mại đồng loạt triển khai các chương trình khuyến mại lớn như thưởng thêm lãi suất, tặng vàng, tiết kiệm dự thưởng… cũng đã giúp hoạt động huy động vốn trở nên thuận lợi hơn.

Mức tăng khoảng 3,7% nói trên chỉ riêng trong tháng 6 cũng đã tạo một điều kiện thuận lợi để “cắt cơn” thiếu hụt thanh khoản trước đó tại nhiều ngân hàng thương mại.

Sau tháng 6, lãi suất huy động giảm dần và tốc độ tăng tiền gửi cũng chậm lại, còn 1,47% trong tháng 7. Và trong tháng 8, tốc độ đó tiếp tục hạ xuống chỉ còn 0,94%.

Đi cùng với diễn biến trên, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện cũng đã giảm mạnh so với đỉnh điểm trong tháng 6. Phần lớn các ngân hàng hiện đã áp lãi suất huy động VND dưới 18%/năm (một số ngân hàng cổ phần từ dưới 18,4%/năm) và dưới 6%/năm đối với tiền gửi USD.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng tiếp tục có xu hướng giảm; trong đó lãi suất huy động và cho vay bằng USD có xu hướng giảm mạnh hơn. Lãi suất huy động giảm từ 0,05% - 0,9%/năm đối với VND và từ 0,1% - 0,5%/năm đối với USD; lãi suất cho vay giảm từ 0,2% -1%/năm đối với VND và từ 0,5% - 1,3%/năm đối với USD.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng đã giảm ở hầu hết các kỳ hạn, mức giảm từ 0,79% - 2,89%/năm; trong đó mức lãi suất cao nhất hiện nay là 18,97%/năm (kỳ hạn 3 tháng).

Riêng với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, trong tháng 8 đánh dấu mốc quan trọng về cơ chế điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, từ ngày 19/8/2008, các tổ chức tín dụng chỉ được ấn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố để áp dụng trong từng thời kỳ.

Với cơ chế trên, hoạt động thu lời của một số ngân hàng dư thừa vốn cũng bị khống chế, bởi các mức lãi suất trên 21%/năm sẽ không còn, căn theo mốc 14%/năm của lãi suất cơ bản hiện hành.

Ngoài ra, liên quan đến tốc độ tiền gửi vào ngân hàng chậm lại, một số nhận định đề cập đến sự chia sẻ nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường vàng và bất động sản. Khi chứng khoán phục hồi trở lại, giá vàng giảm mạnh và giá bất động sản xuống thấp đã kích thích các nhu cầu đầu tư.

Về tăng trưởng tín dụng, sau mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm của tháng 7 (0,7%), tháng 8 tiếp tục ghi nhận sự chững lại trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay nền kinh tế tháng 8/2008 ước tăng 0,79% so với tháng trước, trong đó, dư nợ cho vay bằng VND ước tăng 0,97% và dư nợ cho vay bằng ngoại tệ ước tăng 0,19%. So với cuối năm 2007, dư nợ cho vay nền kinh tế ước tăng 16,78%.

Với hạn mức dự kiến 30% tăng trưởng tín dụng năm nay, “dư địa” còn lại sau 16,78% vẫn còn khá lớn cho 4 tháng còn lại của năm. Nhưng, dù đã và đang định hình hướng giảm, lãi suất cho vay cao vẫn là một rào cản lớn.

Từ cuối tháng 8, các ngân hàng thương mại bắt đầu nới dần hoạt động giải ngân, có cả hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán. Cộng với nguồn vốn khả dụng đang được cải thiện, tốc độ tăng trưởng tín dụng từ tháng 9 có thể sẽ mạnh hơn hai tháng vừa qua.