09:00 27/07/2023

World Cup nữ 2023: Những con số “bất bình đẳng” về doanh thu lẫn tiền thưởng

Tuệ Mỹ

Trong 8 kỳ World Cup đã qua, lượng khán giả trực tiếp đến sân đông nhất là năm 2015 ở Canada, với 1,35 triệu khán giả/52 trận. Trận đấu chứng kiến số khán giả đến sân đông kỷ lục - 90.185 người, là trận chung kết (Mỹ - Trung Quốc) năm 1999...

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Như vậy, World Cup nữ 2023 sẽ là giải vô địch bóng đá nữ có nhiều người tham dự nhất từ trước đến nay, với hơn 1,5 triệu vé đã được bán ra. “Giải đấu này đang tạo nên lịch sử và chúng tôi rất vui mừng với tư cách là một trong hai nước chủ nhà”, Giám đốc điều hành của Liên đoàn bóng đá Australia, James Johnson, cho biết. “Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự ủng hộ dành cho bóng đá nữ tăng đột biến, không chỉ ở doanh thu bán vé mà còn ở lượng người xem truyền hình, sự tham gia của người hâm mộ trong lễ hội và doanh số bán hàng hóa liên quan".

Số người tham dự giải đấu trung bình cho đến nay xấp xỉ 30.000 là một sự cải thiện đáng kể so với mức trung bình 21.756 tại World Cup 2019 ở Pháp. Giải cũng đã và đang thu hút đông đảo khán giả truyền hình trong và ngoài nước. Trận khai mạc của Australia được gần 2 triệu khán giả theo dõi trên Channel Seven, trong khi trận đấu giữa Anh với Haiti vào ngày 22/7 thu hút lượng khán giả cao nhất ở Anh là 4,2 triệu - vượt qua lượng người xem trận khai mạc Euro trên sân nhà năm ngoái.

Dù vậy, theo Wall Street Journal, FIFA chỉ đảm bảo thu về 200 triệu USD, tương đương 4.700 tỷ đồng. Trái ngược với mong đợi, FIFA chỉ xoay xở để thu mới 50 triệu USD tiền bản quyền truyền hình cho giải, bằng một phần ba trong kế hoạch đề ra. Giải đấu năm 2023 là lần đầu tiên FIFA bán riêng bản quyền truyền hình World Cup nữ. Trước đây, chi phí này đi kèm với việc mua bản quyền truyền hình World Cup nam và cơ bản được cung cấp miễn phí cho các đài truyền hình trên thế giới.

World Cup nữ 2023: Những con số “bất bình đẳng” về doanh thu lẫn tiền thưởng - Ảnh 1

FIFA đánh giá World Cup nữ giàu tiềm năng khi thu hút 1,1 tỷ người xem trên thế giới năm 2019, và sẽ còn tăng lên khi số đội nâng từ 24 lên 32 năm nay. Tuy nhiên, con số 200 triệu USD doanh thu bản quyền là quá khiêm tốn so với 2,64 tỷ USD thu được từ World Cup 2022 tại Qatar.

Mục tiêu của FIFA được cho là bị ảnh hưởng khi các đài truyền hình châu Âu chỉ chi số tiền bằng 1% World Cup nam, dù châu lục này có 11 đại diện góp mặt tại Australia và New Zealand năm nay. Điều này khiến Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cân nhắc chặn phát sóng ở năm quốc gia lớn châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy. Đến tháng 6/2023, FIFA đạt thoả thuận với các đài truyền hình ở năm quốc gia trên. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy FIFA chỉ thu về một nửa trong 65 triệu USD kỳ vọng.

Sự quan tâm dành cho bóng đá nữ trong vài năm trở lại đây đã được cải thiện. Tuy nhiên, bóng đá nữ vẫn còn nhiều vấn đề, bao gồm việc đầu tư thời gian, tiền bạc cũng như đãi ngộ dành cho các cầu thủ. Chênh lệch thu nhập giữa cầu thủ nam và cầu thủ nữ chính là một trong những mối quan tâm chính. Sau chức vô địch thế giới năm 2022 tại Qatar, đội tuyển Argentina nhận số tiền lên tới 42 triệu USD, tương đương 33,7 triệu Bảng. Nghĩa là, tiền thưởng của đội tuyển Argentina tại World Cup 2022 thậm chí còn nhiều hơn tổng tiền thưởng của 24 đội tuyển nữ tranh tài tại World Cup 2019.

Phân tích mới đây của CNN cho thấy các nữ cầu thủ tại World Cup 2023 sẽ chỉ kiếm được trung bình 25 cent so với mỗi USD mà nam giới kiếm được tại Giải vô địch bóng đá thế giới nam năm ngoái. Tức là chỉ bằng 1/4. Mà đó đã là một sự cải thiện so với trước đây. Vào năm 2019, con số này còn chưa được 8 cent - dữ liệu do Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA và Liên đoàn cầu thủ chuyên nghiệp thế giới FIFPRO cung cấp.

Ông Gianni Infantino từng đe dọa các trận đấu sẽ không được chiếu ở các thị trường lớn nhất của châu Âu mùa hè này trừ khi các đài truyền hình đáp ứng yêu cầu của FIFA về mức phí.
Ông Gianni Infantino từng đe dọa các trận đấu sẽ không được chiếu ở các thị trường lớn nhất của châu Âu mùa hè này trừ khi các đài truyền hình đáp ứng yêu cầu của FIFA về mức phí.

Lý giải phổ biến nhất về sự chênh lệch tiền thưởng giữ đội vô địch World Cup nam và đội vô địch World Cup nữ đến từ sự khác biệt về doanh thu mà hai giải đấu này mang về. Theo FIFA, thu nhập thương mại từ World Cup nữ không được coi là có khác biệt so với những giải đấu khác. Một số ý kiến thì cho rằng, nguyên nhân chính đến từ mức độ quan tâm mà người hâm mộ dành cho bóng đá nam phổ biến hơn bóng đá nữ. Từ đó, giá trị của những bản hợp đồng truyền hình, tài trợ và phát sóng cũng trở nên hấp dẫn hơn.

Khoảng cách lớn về thu nhập theo giới của các cầu thủ được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới dù những nỗ lực để thu hẹp khoảng cách này cũng đã được đưa ra. Năm 2019, FIFA đã tăng gấp đôi tiền thưởng tại World Cup nữ, từ 15 triệu USD (12 triệu Bảng) lên 30 triệu USD (24 triệu Bảng). Hồi tháng 6 năm nay, FIFA đã thông báo rằng, lần đầu tiên, khoảng 49 triệu đô la Mỹ trong số tiền thưởng kỷ lục 110 triệu đô la cho World Cup nữ 2023 sẽ được chuyển trực tiếp cho từng cầu thủ - tương đương với ít nhất 30.000 đô la cho mỗi người tham gia và 270.000 đô la cho mỗi cầu thủ trong đội chiến thắng.

Phần tiền thưởng còn lại sẽ được chia cho các liên đoàn của các nước tham gia và việc phân bổ tiền thưởng cho các đội tuyển sẽ do các liên đoàn các nước quyết định. Ngoài ra, FIFA cũng cam kết trả 42 triệu đô la cho hoạt động chuẩn bị cho giải đấu của các liên đoàn và đội tuyển tham gia. Như vậy, tiền thưởng cho World Cup nữ 2023 đã tăng gần gấp 4 lần kể từ lần gần đây nhất vào năm 2019. Tuy nhiên, tổng tiền thưởng của các nữ cầu thủ năm nay vẫn ít hơn 330 triệu đô la so với số tiền các cầu thủ nam đã nhận được tại World Cup 2022.

Năm nay cũng là năm đầu tiên đội tuyển nữ Việt Nam giành vé tham dự World Cup, điều mà đội tuyển bóng đá nam chưa làm được.
Năm nay cũng là năm đầu tiên đội tuyển nữ Việt Nam giành vé tham dự World Cup, điều mà đội tuyển bóng đá nam chưa làm được.

Các tổ chức bảo vệ quyền lợi cầu thủ như FIFPRO lại cho rằng, những biện pháp đảm bảo công bằng trong việc chi trả giữa bóng đá nam và bóng đá nữ cần được đẩy mạnh. "Bất chấp những nỗ lực thay đổi, phía trước vẫn là một chặng đường dài trong việc đảm bảo bình đẳng giữ bóng đá nam và bóng đá nữ tại World Cup. Thực tế, chênh lệch tiền thưởng giữa nam và nữ vẫn đang được nới rộng. Xu hướng này dường như đi ngược với cam kết theo luật định của FIFA đối với bình đẳng giới".

Bình luận về điều này, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết Liên đoàn bóng đá thế giới đang bắt đầu "hành trình lịch sử vì sự bình đẳng", bổ sung rằng mục tiêu của FIFA là bình đẳng trong các khoản chi trả cho các kỳ World Cup nam và nữ vào năm 2026 và 2027.