Xây dựng chuỗi mía đường đủ sức cạnh tranh, thích ứng biến đổi khí hậu
Miền Trung và Tây Nguyên chiếm 62% trong tổng sản lượng mía đường cả nước, nhưng nơi đây đang chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu, trong đó lượng nước tưới cho cây mía ngày càng thiếu. Do vậy, cần phải xây dựng chuỗi sản xuất mía đường theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ngày 13/9/2024 tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức hội thảo Chiến lược thích ứng khí hậu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam. Đồng thời, khai mạc Triển lãm nông công nghiệp ngành mía đường Việt Nam. Chiều cùng ngày, cũng tại đây diễn ra hội nghị tổng kết niên vụ sản xuất mía đường 2023-2024.
AN KHÊ TRỞ THÀNH VÙNG TRỒNG MÍA LỚN NHẤT CẢ NƯỚC
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết Gia Lai thuộc Tây Nguyên, với đặc điểm khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, chiếm 58,7% cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh. Gia Lai có thể mạnh phát triển các cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, và đặc biệt là cây mía, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng ở địa phương.
“Gia Lai hiện hơn có 40.000 ha diện tích trồng mía, chiếm diện tích lớn trong tổng diện tích trồng mía nguyên liệu ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Cây mía không chỉ giúp tạo sinh kế cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn mà còn là yếu tố thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị, sản xuất nông nghiệp bền vững”, ông Tiệp khẳng định.
Theo ông Tiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nhà máy đường đang hoạt động là Thành Thành Công với công suất 6.000 tấn mía cây/ngày, diện tích vùng nguyên liệu là 1.576 ha; nhà máy đường An Khê với công suất 18.000 tấn mía cây/ngày với diện tích vùng nguyên liệu là 57.839 ha.
Niên vụ 2023/24, sản lượng đường sản xuất của 2 nhà máy trên đạt 215 nghìn tấn đường, chiếm 20% tổng sản lượng đường sản xuất của cả nước. Tuy nhiên, ông Dương Mah Tiệp cho rằng diện tích và sản lượng mía của Gia Lai rất lớn, nhưng còn chưa tập trung, nên công tác cơ giới hóa công nghệ sản xuất còn có mặt hạn chế. Đơn cử, có nhiều vùng mía ở khu vực cao, tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch.
"Rất nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được các cơ quan chức năng phát hiện tại hầu như các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống gian lận đường nhập lậu vẫn còn thiếu hiệu quả, nhiều kẽ hở và điều bất thường và đang bị các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng”.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Ông Tiệp kiến nghị cần xây dựng triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã trồng mía, liên kết với các nhà máy đường để hoạt động hiệu quả, ngăn chặn tình trạng chênh mua chênh bán mía, vi phạm hợp đồng trong hoạt động tiêu thụ mía. Cùng với đó, đề nghị các cơ qua chức năng đẩy mạnh công tác khảo nghiệm, lựa chọn giống mía năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh để đưa vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết sản lượng đường từ mía cả nước đã tăng 4 niên vụ liên tiếp. Niên vụ 2023/24 đã tăng 61% so với niên vụ 2020/21. Miền Trung – Tây Nguyên với lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp và công nghiệp chế biến mía đường, đã tăng trưởng ngoạn mục với mức tăng 96% so với niên vụ 2020/21. Khu vực này chiếm 62% tổng sản lượng đường, đã trở thành trung tâm sản xuất mía đường lớn nhất của cả nước.
Theo ông Lộc, trong khối ASEAN, có 4 nước sản xuất đường từ mía lớn, gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonesia. Một số quốc gia khác trong khu vực cũng sản xuất mía đường, nhưng sản lượng và trình độ thấp hơn là Lào. Campuchia, Myanmar.
“Sau nhiều năm, lần đầu tiên, trong niên vụ 2023/24, Việt Nam đạt mức năng suất mía đường đứng đầu khu vực. Giá mua mía liên tục tăng trong các vụ gần đây, đến vụ 2023/24 đã tăng 52% so với niên vụ 2019/20, hiện một số khu vực đạt 1,2-1,3 triệu đồng/tấn tại ruộng (tương đương 50-55 USD/tấn mía), tương đương và cao hơn giá mua mía của các nước trong khu vực”, ông Lộc chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Lộc nhận định, ngành mía đường Việt Nam đang bị đường nhập lậu tàn phá. Bản chất của đường nhập lậu là đường phá giá có nguồn gốc từ Thái Lan, đi qua Campuchia và Lào vào Việt Nam. Hiện tượng này xảy ra đã nhiều năm, từ trước khi ngành đường thực thi ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN), lúc đó Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường. Đến vụ sản xuất 2021/2022 chỉ còn 25 nhà máy sản xuất đường hoạt động; trong khi 16 nhà máy phải đóng cửa, hơn 100.000 hộ gia đình nông dân trồng mía buộc phải chuyển sang trồng cây khác.
“Tác động từ loại đường phá giá này đến chuỗi sản xuất mía đường tại Việt Nam là vô cùng nghiêm trọng. Kể từ khi kết thúc vụ ép 2023/24, đến nay hầu như các nhà máy đường nước ta không thể bán được đường sản xuất từ mía vì thị trường đã bị đường nhập lậu thống trị", ông Lộc nói.
CẦN XÂY DỰNG CHUỖI MÍA ĐƯỜNG THEO KINH TẾ TUẦN HOÀN
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định, niên vụ 2024/25, hiện tượng biến đổi khí hậu có tác động lớn đến sản xuất mía đường. Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, dự báo từ tháng 9, tháng 10/2024 trở đi, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nila với xác xuất 60-70%. Do đó, sản xuất mía đường thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính là vấn đề tất yếu.
TS. Raffaella Rossetto, Trung tâm nghiên cứu mía, viện nông học Campinas, Brazil, gửi đến hội thảo những giải pháp và ngành mía đường Brazil đang thực hiện. Theo đó, ngành mía đường Brazil hiện đạt sản lượng 638,4 triệu tấn mía/năm, sản lượng đường 42,7 triệu tấn, điện bã mía 1.000 MW. Biến đổi khí hậu đang gia tăng, khiến lượng nước tưới cho cây mía ngày càng bị thiếu, do đó cần thay đổi phương pháp canh tác mía để thích ứng.
Phương pháp canh tác mới của Brazil bao gồm canh tác tối thiểu, nhưng cày đất sâu và trồng trên luống cao bằng các kỹ thuật định vị (GPS). Sau khi thu hoạch mía, tái sử dụng rác và lá mía vùi vào trong đất, sẽ thúc đẩy sự phát triển của rễ mía, hỗ trợ bảo tồn đất, giữ độ ẩm cho đất và có tiềm năng lớn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho đất. Cùng với đó, tái tuần hoàn toàn bộ phụ phẩm của quá trình chế biến mía đường, bao gồm bã bùn và tro lò đưa trở lại ruộng mía để cung cấp dinh dưỡng cho mía.
Ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển chuỗi giá trị mía đường. Theo đó, Nhà máy đường An Khê (trực thuộc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi) từ quy mô vùng nguyên liệu trồng mía ban đầu chỉ 3.000 ha, qua gần 25 năm phát triển, đến nay diện tích mía toàn vùng đạt 32.000 ha, dự kiến sẽ đạt 40.000 ha trong niên vụ 2025/26. Tại đây đã hình thành cụm chuỗi sản xuất mía – đường – điện lớn nhất cả nước. Nhà máy đầu tư 8 hệ thống máy thu hoạch mía hiện đại và 230 máy kéo các loại, đưa đến hỗ trợ nông dân trồng mía trong nhiều khâu canh tác. Nhờ vậy, đã đáp ứng được nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu mía An Khê.
Hệ thống chế biến đường từ mía của nhà máy đường An Khê hiện đạt công suất ép 18.000 tấn mía/ngày, được đầu tư thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến và tự động hoá trong các khâu vận hành. Trong đó, có công nghệ loại tạp chất bằng phương pháp carbonat, khử màu bằng hệ thống trao đổi ion.
Đầu ra của nhà máy đường, ngoài sản phẩm đường, còn có nhà máy điện sinh khối An Khê, sử dụng bã mía làm nhiên liệu đầu vào, công suất 95 MW, được phát lên lưới điện quốc gia. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đang triển khai dự án đầu tư mở rộng nâng công suất Nhà máy đường An Khê lên 25.000 tấn mía/ngày. Công suất Nhà máy điện sinh khối An Khê lên 135 MW, sẽ đưa vào vận hành vào niên vụ 2026/27.
Tại hội thảo và hội nghị tổng kết, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng đồng bào thiên tai ở miền Bắc, kết quả đã quyên góp được 64.700.000 đồng.