15:05 09/09/2024

Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành du lịch “Net Zero”

Anh Khuê

Du lịch xanh, hướng tới phát thải bằng 0 hay còn gọi là “du lịch Net Zero” (Net Zero tours) không chỉ là xu thế mang tính ràng buộc mà còn là một chiến lược phát triển của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để cạnh tranh tồn tại...

Du lịch xanh hướng tới phát thải bằng 0 không chỉ là xu thế chung mà còn là chiến lược phát triển của các doanh nghiệp nếu không muốn đứng ngoài "cuộc chơi". Ảnh: Cần Giờ gắn du lịch cộng đồng với du lịch xanh.
Du lịch xanh hướng tới phát thải bằng 0 không chỉ là xu thế chung mà còn là chiến lược phát triển của các doanh nghiệp nếu không muốn đứng ngoài "cuộc chơi". Ảnh: Cần Giờ gắn du lịch cộng đồng với du lịch xanh.

Đề cập đến phát triển kinh tế xanh, đến du lịch “net zero” mà không có cơ sở dữ liệu, tín chỉ carbon… là một vấn đề rất khó; bởi đó là điều kiện ban đầu và là điểm tựa cho doanh nghiệp du lịch có cơ sở đề ra loạt giải pháp cùng lộ trình phát triển.

KIẾN TẠO TƯƠNG LAI XANH TỪ “DU LỊCH BẰNG 0”

Tại Diễn đàn du lịch cấp cao diễn ra cuối tuần qua với chủ đề “Du lịch Net Zero – Kiến tạo tương lai”, do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia và các đối tác trong và ngoài nước, các chuyên gia đã cùng thống nhất với nhau rằng để thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững, đòi hỏi cần có chương trình hành động đồng bộ, có lộ trình cụ thể cho các mục tiêu trung và dài hạn.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng ngành du lịch cần có đóng góp tương xứng vào lộ trình phát triển ít phát thải của Việt Nam; đồng thời chủ động xác định “dấu chân” carbon trong ngành du lịch, từ đó có chính sách, biện pháp phù hợp giảm phát thải khí nhà kính.

Một số gợi ý được đề ra nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch cân nhắc, lựa chọn theo điều kiện cụ thể của mình. Chẳng hạn, đối với ngành du lịch thì cần nghiên cứu, xây dựng giải pháp tăng cường phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch bền vững, tối ưu hóa du lịch trong nước, quốc tế để giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo tại nơi làm việc, trong việc đi lại, chọn địa điểm cắm trại, phương tiện di chuyển; song song đó là đào tạo nhân viên, khuyến khích khách hàng quan tâm đến vấn đề môi trường; áp dụng biện pháp giảm phát thải như tiết kiệm điện, nước nóng, giảm tiêu dùng, tái chế, tái sử dụng…

Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM khuyến nghị rằng việc chuyển đổi phát triển du lịch từ truyền thống sang “Net zero tours” cần có lộ trình cụ thể nhằm hạn chế những cú sốc có thể xảy ra về kinh tế xã hội.

Theo đó, “chuyển đổi nền” có thể cần đến 10 - 20 năm để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai đối thoại, thử nghiệm, điều chỉnh chính sách giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng, thay đổi hành vi những chủ thể liên quan…

Ngoài ra, ngành du lịch không thể làm một mình mà cần có sự chung tay từ các sở ngành liên quan, các đối tác trong và ngoài nước, hội/hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, du khách… trong việc tính toán, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, khảo sát đánh giá tác động môi trường, tác động về kinh tế xã hội trong tiến trình thực hiện.

Thúc đẩy chuyển đổi xanh, du lịch bền vững đòi hỏi cần có chương trình hành động đồng bộ, có lộ trình cụ thể cho các mục tiêu trung và dài hạn.
Thúc đẩy chuyển đổi xanh, du lịch bền vững đòi hỏi cần có chương trình hành động đồng bộ, có lộ trình cụ thể cho các mục tiêu trung và dài hạn.

Tại TP.HCM, du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Thành phố đã triển khai thực hiện 8 nhóm giải pháp chiến lược như nhóm chính sách đối với sản phẩm đặc trưng; nhóm chính sách tạo đột phá trong liên kết vùng; nhóm chính sách vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15; nhóm chính sách ưu đãi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; kéo dài thời gian hoạt động và trải nghiệm các dịch vụ tại khu vực thí điểm kinh tế đêm; chính sách miễn thuế giá trị gia tăng và hỗ trợ về thị thực đối với tổ chức quốc tế và hỗ trợ đơn vị trong nước tham gia sự kiện.

CÔNG NGHỆ SỐ, DỮ LIỆU SỐ LÀ ĐIỂM TỰ CỦA DU LỊCH 'NETZERO"

Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu; các cam kết tại COP26 đưa phát thải khí hiệu ứng nhà kính về bằng 0 vào năm 2050.

Chính phủ cũng đề ra hàng loạt đề án, kế hoạch hành động, tiêu chí và lộ trình thực hiện đối với các đơn vị, doanh nghiệp như kiểm kê khí nhà kính, phát triển thị trường tín chỉ carbon, cam kết không xây nhà máy điện than mới,…

Cũng trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM năm 2024 (ITE 2024) cuối tuần qua, tại hội thảo “Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí du lịch Net Zero”, các chuyên gia đã đưa ra các con số thống kê về khí thải carbon mà ngành du lịch đã đóng góp vào sự nóng lên của bầu khí quyển. Cụ thể, lượng khí thải carbon trong du lịch dự báo có thể đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2025, chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Trong khi đó, theo một báo cáo thường niên của Hội đồng Du lịch và lữ hành Thế giới (WTTC), ngành du lịch đóng góp 6,6% vào thu nhập GDP của Việt Nam, đứng thứ 40/184 nước về quy mô đóng góp trực tiếp vào GDP và xếp thứ 55/184 nước về quy mô tổng đóng góp vào GDP quốc gia.

Theo thống kê của ngành du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu ngành du lịch đạt 436.000 tỷ đồng, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Nhưng hoạt động du lịch thời gian qua đã vượt qua khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và suy thoái môi trường.

Phát triển du lịch xanh cần chú ý đến môi trường du lịch – bối cảnh văn hóa, công trình văn hóa đặc sắc có sẵn – trách nhiệm hoàn trả tài nguyên đã khai thác.
Phát triển du lịch xanh cần chú ý đến môi trường du lịch – bối cảnh văn hóa, công trình văn hóa đặc sắc có sẵn – trách nhiệm hoàn trả tài nguyên đã khai thác.

TS. Nguyễn Thanh Hòa, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho rằng công nghệ số, dữ liệu số sẽ là điểm tựa của du lịch “net zero”. Sẽ rất khó nếu không có cơ sở dữ liệu này, chưa kể tín chỉ carbon, mà dữ liệu lại đang là vấn đề nan giải hiện nay.

“Cần có những bộ dữ liệu đủ lớn, đủ sạch liên quan du lịch ‘net zero’; bởi khi đó, doanh nghiệp mới có điểm tựa để triển khai từng bước và có lộ trình”, ông Hòa nhấn mạnh.

Một chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu và đào tạo Tâm Việt (Tâm Việt Edu), bà Trần Hương Giang, Giám đốc Tâm Việt Edu, nhấn mạnh đến thách thức trong việc triển khai du lịch phát thải bằng 0, nhưng cũng thừa nhận rằng tư vấn phát triển du lịch bền vững là rất khó, bởi đây là ngành phức tạp về chuỗi giá trị.

Theo bà, muốn phát triển bền vững, hướng tới phát thải bằng 0 thì mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng cũng phải bền vững chứ không chỉ mỗi doanh nghiệp du lịch thực hành.

Tại hội thảo, một số giải pháp có thể tiến hành đồng thời để phát triển du lịch bền vững cũng được nhiều chuyên gia đề xuất. Chẳng hạn chuỗi hành động: Tiết kiệm không gian, môi trường du lịch – bối cảnh văn hóa, công trình văn hóa đặc sắc có sẵn – trách nhiệm hoàn trả tài nguyên đã khai thác.

Đây là “công thức” đã được ông Nguyễn Mạnh Bình San, chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Làng Nhỏ (Khánh Hòa) áp dụng cho đơn vị mình, và là đơn vị điển hình của tỉnh Khánh Hòa về triển khai du lịch xanh hướng tới “net zero”.