07:00 20/11/2023

Xây dựng thương hiệu lụa Việt: “Gỡ rối” cho ngành tơ tằm

Chu Khôi

Chuỗi giá trị dâu - tằm - tơ - lụa đang cần một chính sách khuyến khích tổng thể, từ nghiên cứu chuẩn hóa giống tằm, tạo giống dâu tốt, phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm, đến kỹ nghệ dệt lụa, đa dạng chủng loại, mẫu mã, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho lụa Việt…

Nghề dệt lụa đang yếu sức cạnh tranh.
Nghề dệt lụa đang yếu sức cạnh tranh.

Trái với sự tăng trưởng của nhu cầu thị trường, nhiều làng lụa nổi tiếng trong nước đang ngày càng teo tóp. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, tìm ra những giải pháp đưa nghề tơ lụa trở lại thời hoàng kim, trong khuôn khổ Festival làng nghề vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương mại ngành dâu tằm tơ”.

NGHỀ TƠ TẰM ĐANG "RỐI" Ở ĐÂU?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Diện tích trồng dâu năm 2023 khoảng 13.200ha, sản lượng kén đạt hơn 16.800 tấn/năm, sản lượng tơ đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Giá trị xuất khẩu tơ lụa năm 2022 đạt 70 triệu USD. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, chiếm tỷ trọng hơn 90%. 

Trồng dâu, nuôi tằm hiện được phát triển ở 36 tỉnh/thành, nhưng tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. 3 tỉnh Tây Nguyên này chiếm gần 75% tổng diện tích trồng dâu trên cả nước.

Ông Trần Văn Tuận, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết đến năm 2023, diện tích trồng dâu tại Lâm Đồng đạt 9.882 ha (trong đó diện tích trồng dâu ứng dụng công nghệ cao đạt trên 2.000 ha), với khoảng trên 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm. Diện tích cây dâu tằm tăng bình quân 7,6%/năm. Sản lượng lá dâu đạt 250.398 tấn/năm, sản lượng kén tằm đạt 14.867 tấn/năm; sản lượng sợi tơ các loại đạt 2.117 tấn.

Lâm Đồng hiện có 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung (công suất sản xuất bình quân 100 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa nắng và 200 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa mưa). Tuy nhiên, do chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm và phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài dẫn đến ngành chăn nuôi tằm phát triển thiếu bền vững.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, cho hay tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 40/2018 để người dân phát triển trồng dâu, nuôi tằm. Từ năm 2021 đến tháng 9/2023, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ 9 dự án phát triển sản xuất trồng dâu, nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô hơn 570ha.

Nhận xét về ngành dâu tằm tơ, ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng ngành dâu tằm tơ Việt Nam vẫn bị “rối” suốt nhiều năm qua, đang gặp nhiều trở ngại cả về sản xuất và thị trường.

 

"Nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn chủ yếu tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Trình độ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh còn thấp. Việc nuôi tằm vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại… khiến sản lượng kén thực tế thấp hơn nhiều so với năng suất tiềm năng".

Ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp của Trung tâm Khuyến nông quốc gia.

“Nước ta chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm và phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài. Các giống tằm trong nước đã cải thiện chất lượng tơ nhưng chỉ chiếm một thị phần nhỏ”, ông Nguyễn Doãn Hùng nêu thực trạng; đồng thời ông Hùng cho biết hiện chưa có một quy hoạch tổng thể và chương trình phát triển dài hạn để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khâu trong sản xuất dựa vào thủ công. Trong khi đó, mối liên kết giữa người sản xuất và người mua kén không chặt chẽ, thiếu tính bền vững. Điều này dẫn đến việc ngành dâu tằm tơ chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô để xuất khẩu nguyên liệu.

Theo nhận định của một số chuyên gia, ngành dâu tằm tơ lụa của Việt Nam đang bị tụt hậu quá xa so với Trung Quốc. Dù sản phẩm nhiều làng nghề lụa ở nước ta vẫn giữ được chất lượng sản phẩm truyền thống cổ xưa, nhưng áo lụa chỉ thích hợp với việc giặt bằng tay, không sử dụng xà phòng. Nay, lụa Trung Quốc đã có nhiều cải tiến về công nghệ, có thể cho phép giặt bằng máy mà không bị nhăn nhúm.

Nhiều nông dân nước ta vẫn nuôi loại kén tằm màu vàng, khi ươm tơ buộc phải tẩy bằng hóa chất, rồi mới nhuộm sang các màu khác. Trong khi đó, các giống tằm thế hệ mới của Trung Quốc cho tơ màu trắng, nên không cần qua công đoạn tẩy, giúp cho lụa đạt chất lượng tốt hơn. Giống tằm thế hệ mới của Trung Quốc cũng cho sợi kén dài hơn, không bị đứt mảnh, năng suất tơ cao hơn nhiều.

CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, TỔNG THỂ

TS. Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, cho biết hiện trung tâm đã nghiên cứu ra giống dâu GQ2 được trồng phổ biến tại miền Bắc và miền Trung, năng suất trung bình đạt trên 35 tấn lá/ha. Trong điều kiện thâm canh có thể đạt năng suất 40 - 45 tấn/ha. Với vùng Tây Nguyên, 2 giống dâu S7-CB và VA-201 được trồng phổ biến, bà con nông dân quen gọi là giống siêu lá và giống siêu cành.

Về giống tằm, có hai loại tằm chính là tằm dâu và tằm thầu dầu lá sắn. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu giống đa hệ kén vàng (một loại thuộc tằm dâu) và giống tằm sắn. Hơn 90% nhu cầu giống tằm lưỡng hệ (giống cho chất lượng tơ tốt nhưng khó nuôi) vẫn đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Hệ thống sản xuất trứng giống tằm nội địa thay thế cho nhập khẩu cần được xây dựng đồng bộ với hệ thống phân phối tới tay người dân, là cơ sở để huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong những giai đoạn tiếp theo”, ông Lê Hồng Vân khuyến nghị...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2023 phát hành ngày 20-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Xây dựng thương hiệu lụa Việt: “Gỡ rối” cho ngành tơ tằm - Ảnh 1