17:10 22/09/2021

Xuất khẩu “hụt hơi”, nhập siêu gia tăng

Mạnh Đức

Trong nửa đầu tháng 9/2021, cán cân thương mại thâm hụt 1,51 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9/2021, Việt Nam đã nhập siêu tới 4,186 tỷ USD. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm 2020, xuất siêu ghi nhận con số kỷ lục 14,5 tỷ USD…

Nhập siêu đang có xu hướng gia tăng về cuối năm.
Nhập siêu đang có xu hướng gia tăng về cuối năm.

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu sơ bộ tính từ đầu năm đến hết 15/9/2021 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 455 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 225,198 tỷ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 229,384 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 4,186 tỷ USD.

XUẤT KHẨU GIẢM DO ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH BỆNH

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 9/2021 (từ 01/09 – 15/09) đạt 11,57 tỷ USD, giảm 27,1% so với kỳ 2 tháng 8/2021.

Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,38 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,98 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,33 tỷ USD; hàng dệt may 1,02 tỷ USD; sắt thép các loại 491 triệu USD.

Lũy kế từ đầu năm đến hết 15/9/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 225,198 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là điện thoại và các loại linh kiện đạt hơn 37,7 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên hơn 33,77 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt hơn 24,5 tỷ USD; hàng dệt may đạt trên 22,15 tỷ USD; giày dép các loại  đạt gần 13 tỷ USD; sắt thép các loại  đạt hơn 7,52 tỷ USD…

 
Nhập siêu đang có xu hướng tăng mạnh. Nếu như trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập siêu mới chỉ ở mức 369 triệu USD, thì đến hết ngày 15/9/2021 con số này đã tăng lên tới 4,186 tỷ USD.

Từ chiều ngược lại, trong kỳ 1 tháng 9/2021 (từ 01/09 – 15/09) nhập khẩu đạt 13,08 tỷ USD, giảm 10,5% so với kỳ 2 tháng 8/2021.

Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,26 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,85 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 975 triệu USD; sắt thép các loại 521 triệu USD; vải các loại 471 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến hết 15/9/2021, tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam đạt 229,384 tỷ USD tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020…

Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 50,125 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 33 tỷ USD; điện thoại và các loại linh kiện đạt hơn 13,56 tỷ USD); sắt, thép các loại đạt hơn 8,2 tỷ USD; vải các loại đạt gần 10 tỷ USD...

Nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu có thể thấy, tốc độ tăng của xuất khẩu đang “hụt hơi” so với tốc độ tăng của nhập khẩu. Theo lý giải từ Bộ Công Thương, việc xuất khẩu tăng chậm lại là do 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

 
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi trải rộng trên toàn quốc, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước.

Đây là các địa phương chiếm tới 45% tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá của cả nước, chưa kể các địa phương khác trọng điểm khác cũng phải giãn cách xã hội như Hà Nội hay Đà Nẵng. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp bị đình trệ rất lớn gây ảnh hưởng tới tốc độ xuất khẩu.

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa đã và đang được tập trung tháo gỡ quyết liệt; tuy nhiên tại một số địa phương, công tác tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn cứng nhắc, ban hành một số quy định không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.

Các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.

TẬN DỤNG TỐI ĐA CÁC CƠ HỘI VÀ LỢI THẾ

Hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.

Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ tháng 7 đến nay. Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn quốc.

Hơn nữa, quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi nước này liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Vì thế, để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp. Trong đó, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

 
Bộ Công Thương sẽ tập trung khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu ngay sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường Nam Á, Đông Á bên cạnh duy trì xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đẩy mạnh hoạt động đàm phán để phát triển các thị trường khu vực xa hơn, yêu cầu cao hơn như các thị trường thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.

Trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và Châu âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm.

Bên cạnh đó, tăng cường cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển như các thị trường Đông Âu, Bắc Âu, Mỹ La tinh…

Đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Tận dụng tối đa cơ hội của các Hiệp định thương mại tự để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ, kết nối,vận chuyển, bốc xếp, bảo quản hàng hóa nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi để tạo thuận lợi và tăng hiệu quả xuất khẩu.