8 tháng, giải ngân vốn ngân sách vẫn ì ạch
Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều địa phương nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch Covid-19 tiếp tục làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng 8/2021 giảm 7,1% so với tháng 7/2021, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước…
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng 8/2021 ước tính đạt 34,9 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với tháng trước.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%).
Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 203,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và giảm 1,6%.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đạt 20.876 tỷ đồng, bằng 52,8% và tăng 59,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.174 tỷ đồng, bằng 47,6% và giảm 10,8%; Bộ Y tế 1.298 tỷ đồng, bằng 33,8% và giảm 54,9% và Bộ Giáo dục và Đào tạo là 779 tỷ đồng, bằng 39,2% và giảm 38,1%...
Về địa phương, Hà Nội đạt 27.462 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; Thành phố Hồ Chí Minh 13.267 tỷ đồng, bằng 37,1% và giảm 27,4%; Quảng Ninh 11.695 tỷ đồng, bằng 66,1% và tăng 22,2% và Thanh Hóa 6.504 tỷ đồng, bằng 63,1% và tăng 2,3%...
Trước đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu các bộ ngành, cơ quan và địa phương tập trung các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn những tháng cuối năm. Trong đó, Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng chậm trễ trong giải ngân là do những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.
“Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...”, công điện chỉ rõ.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu của các bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% phải có giải pháp cụ thể để khắc phục và sẽ thực hiện điều chuyển vốn sang các bộ, cơ quan, địa phương khác nếu tỷ lệ giải ngân đến quý 3/2021 vẫn dưới 60%...