Bạo loạn ở Pháp ảnh hưởng cả tới ngành thời trang
Tuần lễ thời trang cao cấp Paris, người “anh em họ” ở mức độ xa xỉ hơn của Tuần lễ thời trang Paris, thường tập trung giới thiệu các mẫu thiết kế Haute Couture cho khách VIP và các ngôi sao hạng A. Năm nay, Paris Haute Couture Fashion Week được tổ chức từ ngày 3 - 6/7...
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 5/7 đã tuyên bố bạo loạn chấm dứt trên toàn bộ đất nước. Cùng ngày, giới chức Pháp đã tiến hành tính toán thiệt hại của làn sóng bạo loạn đô thị nghiêm trọng nhất trong gần 2 thập kỷ qua. Nghiệp đoàn giới chủ (MEDEF) - liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp – ước tính các cuộc biểu tình bạo loạn bùng phát từ tuần trước ở nước này đến nay đã gây thiệt hại ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, trước đó giám đốc sáng tạo Hedi Slimane đã hủy buổi trình diễn thời trang của thương hiệu Celine dự kiến diễn ra vào ngày 3/7. Celine cũng là thương hiệu xa xỉ duy nhất bình luận công khai về các cuộc biểu tình ở Paris cho đến nay. Một tuyên bố được đăng trên trang Instagram của Slimane vào ngày 2/7 có nội dung: "Tổ chức một buổi trình diễn thời trang ở Paris trong khi nước Pháp đang đau buồn và bầm dập, đối với tôi, dường như là thiếu suy nghĩ và hoàn toàn lạc lõng".
Giám đốc sáng tạo của Celine giải thích thêm: “Việc phải đột ngột hủy bỏ một buổi biểu diễn tương đương với khối lượng công việc đáng kể của nhà mốt, các đội ngũ nhân sự và các xưởng thủ công là một sự thất vọng lớn. Đó cũng là một sự thất vọng đối với tất cả các khách mời, nhà báo, nghệ sĩ và nhạc sĩ của chúng tôi, những người mà tôi xin gửi lời cảm ơn nồng nhiệt và tình cảm nhất. Sự an toàn của họ đương nhiên là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi và trong tình cảnh rối loạn này nếu cho rằng ngành thời trang hoàn toàn đứng ngoài cuộc là không sáng suốt”.
Như vậy, Celine đã quyết định chịu những thiệt hại đi kèm với việc hủy bỏ một buổi trình diễn thời trang cực kỳ đắt đỏ vào phút cuối, để vừa đảm bảo an toàn cho những vị khách tiềm năng vừa tôn trọng chính nghĩa của những người biểu tình. Ngay sau đó, Liên đoàn Thời trang Pháp đã lên tiếng trấn an toàn ngành rằng tình hình đã có dấu hiệu bớt căng thẳng tại khu vực nội thành và xung quanh thủ đô Paris, điều này cho phép nhiều nhà mốt nổi tiếng có thể tiến hành các buổi trình diễn theo đúng kế hoạch.
Theo tờ Fashion United, thương hiệu Courrèges tuy vậy cũng hoãn bữa tiệc mùa hè hàng năm dự kiến diễn ra ở Romainville bên ngoài Paris. Một sự kiện cocktail cho buổi khai mạc triển lãm của thương hiệu Chloe vào tối thứ Sáu đã bị hủy bỏ. Trong khi đó, hai buổi trình diễn thời trang may sẵn khác đã diễn ra theo kế hoạch. Buổi biểu diễn Patou, diễn ra vào ngày 2/7 tại Espace Wagram lúc 6 giờ chiều, với an ninh được tăng cường. Buổi biểu diễn Alaïa thì được tổ chức trên một cây cầu ở Paris vào lúc 8 giờ tối cùng ngày.
Tuy bạo loạn đã chấm dứt và Paris Haute Couture Fashion Week thì chỉ vắng mặt mỗi thương hiệu Celine, nhưng tất cả những điều này vẫn khiến giới thời trang Pháp phải suy nghĩ lại về nhiều vấn đề. Cụ thể, khi nước Pháp đổ xô xuống đường biểu tình, người ta tự hỏi liệu Paris có thực sự cần một sự kiện hoành tráng kéo dài ba ngày dành riêng cho những bộ trang phục tiệc tùng của giới siêu giàu hay không? Liệu đa số người dân còn đang khổ sở vì lạm phát, vì tăng tuổi hưu và phân biệt chủng tộc sẽ nghĩ gì khi nhìn những trang phục siêu đắt đỏ được quảng bá như thể một phần của cuộc sống?
Chưa đầy một thế kỷ trước, thời trang Haute Couture và thời trang xa xỉ là một và giống nhau. Những nhà mốt có tiếng nhận đặt hàng và cẩn thận sản xuất những bộ quần áo cao cấp được may đo riêng cho những khách hàng giàu có. Yves Saint Laurent, Cristobal Balenciaga, Elsa Schiaparelli, Paul Poiret và Jacques Doucet không phải là nhà thiết kế — họ là những nhà may chỉ phục vụ giới siêu giàu, các gia đình hoàng gia và tạo ra những trang phục độc bản. Ngược lại, ngày nay, không ít nhà thiết kế sử dụng bừa bãi tên gọi này, khiến công chúng nhầm tưởng trang phục chỉ cần bán với giá đắt và được làm thủ công thì được gọi là Haute Couture.
Một bộ trang phục Haute Coture cần ít nhất 20 người để hoàn thành trong trên dưới 700 giờ có giá bán cao gấp nhiều lần so với đồ may thông thường. Đối với Haute Couture mặc ban ngày, giá bán sẽ ở khoảng 8.000 bảng Anh. Trong khi đó, đồ mặc ban đêm sẽ đắt hơn nữa.
Nếu nhà mốt sử dụng vải hiếm cùng các loại trang trí làm từ vật liệu quý, giá bán của Haute Couture có thể bị đội lên vài triệu bảng. Trong khi đó, khả năng những bộ trang phục này được mặc đi mặc lại trên 1 lần là không cao, hầu hết sau khi được diện 1 lần thì chúng chỉ có giá trị sưu tầm, khiến Haute Couture trở thành hiện thân của tiêu dùng không bền vững.
Ngoài ra, chi phí sản xuất khổng lồ cộng với lượng khách hàng quá nhỏ (chỉ khoảng 2.000 người trên toàn thế giới) khiến các nhà mốt chịu lỗ khá nhiều cho mỗi bộ sưu tập Haute Couture. Tuy vậy, họ vẫn cố trụ lại và giới thiệu sản phẩm mới vào mỗi Haute Couture Fashion Week chỉ để quảng bá thương hiệu đồng thời khiến khách hàng chú ý hơn tới các bộ sưu tập ứng dụng ra mắt sau đó.
Trong lịch trình của thế giới thời trang, Tuần lễ Thời trang Paris Haute Couture luôn là một thời điểm thú vị. Đó là tuần lễ tràn ngập những thiết kế lộng lẫy từ những nhãn hiệu nổi tiếng nhất trong ngành, bao gồm Thom Browne, ChaneL, Fendi và Dior, cùng nhiều nhãn hiệu khác. Không chỉ đơn thuần đại diện cho sự sáng tạo, tinh tế, cũng như chuẩn mực khắc nghiệt mà còn là tấm gương phản ánh bộ mặt của thời đại. Chính vì vậy, tuyệt nhiên không phải ai cũng có thể chạm tay vào thiết kế haute couture vì bản chất khởi nguồn của nó vốn dành cho tầng lớp quý tộc và giới thượng lưu để phô bày sự xa hoa và đẳng cấp.
Năm 2021, buổi trình diễn BST Xuân - Hè 2022 của Louis Vuitton tại Tuần lễ thời trang Paris cũng từng có buổi "hạ màn" đầy bất ngờ nhờ một người biểu tình xuất hiện vào phút áp chót. Khi các người mẫu thực hiện bước đi cuối cùng trên sàn catwalk của nhà mốt Pháp tại Bảo tàng Louvre, một người biểu tình đã làm gián đoạn "hiện trường" bằng cách xông vào sàn runway với tấm băng rôn trắng mực đen: “Tiêu dùng quá mức = Sự tuyệt chủng”.
Người biểu tình này thuộc thành viên của Les Amis de la Terre - một nhóm chống biến đổi khí hậu và nạn tuyệt chủng ở động vật. Các nhóm này đều có chung mục đích là tuyên bố chống chủ nghĩa tiêu dùng nhằm làm nổi bật những tác dụng phụ lãng phí của ngành công nghiệp thời trang và tấm băng rôn cũng bao gồm logo của ba tổ chức bảo vệ khí hậu và chống tuyệt chủng của Pháp bao gồm Les Amis de la Terre, Youth For Climate France và Extinction Rebellion France.