16:06 29/11/2021

Biến tiềm năng du lịch thành hiện thực

Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh

Đối với Bắc Ninh, ngành du lịch đã được đánh giá, khẳng định tiềm năng phát triển gắn với động lực phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, nhất là khi dịch bệnh bùng phát, hướng đến tầm nhìn năm 2030...

Thành phố Bắc Ninh chính là nơi khởi nguồn của Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thành phố Bắc Ninh chính là nơi khởi nguồn của Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tác động của đại dịch Covid-19 hai năm qua đã ảnh hưởng sâu sắc đến các loại hình du lịch, đặc biệt là tác động trực tiếp đến hành vi, quyết định đi du lịch của du khách. Đó là điều buộc ngành du lịch phải thay đổi cách làm, cách nghĩ để phát huy các tiềm năng của mình nhằm thu hút được du khách nội địa và quốc tế.

Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm hỏi, sức khỏe, tôn giáo, tâm linh chiếm khoảng 31%; với mục đích trải nghiệm hướng tới những giá trị văn hoá truyền thống, giá trị về tự nhiên, giá trị sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ cao… chiếm khoảng 15%. Hầu hết số còn lại có xu hướng về nhu cầu chất lượng cuộc sống, du lịch, nghỉ ngơi, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe với yêu cầu càng ngày càng cao.

Tuy nhiên, tác động môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu, xu hướng du lịch của du khách cho nên các loại hình du lịch xanh, du lịch đại chúng truyền thống, du lịch sinh thái, di sản, văn hoá, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thập kỷ tới.

Với những dự báo như vậy, Bắc Ninh hoàn toàn có thể tự tin để tổ chức đầu tư phát huy các tiềm năng du lịch của tỉnh.

TIỀM NĂNG DU LỊCH TÂM LINH VÀ DU LỊCH SÁNG TẠO

Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng tiềm năng du lịch lớn nhất của Bắc Ninh chính là chiều sâu giá trị văn hóa hàng ngàn năm lịch sử đã được vun bồi biểu hiện qua những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, tiêu biểu là dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những di tích lịch sử, đình, đền, chùa và các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ.

Ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh
Ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh

Hãy ngắm nhìn những Đại tượng Phật A Di Đà, những tòa tháp bút nghiên, những đình, chùa rêu phong trầm mặc, những hiện vật có giá trị đặc biệt đã được công nhận là bảo vật Quốc gia... Đó vừa là dấu ấn văn hóa vừa là dấu ấn lịch sử đã trở thành nơi linh thiêng mà du khách bốn phương có thể muốn tìm về chiêm ngưỡng.

Sự độc đáo về văn hóa của mỗi vùng miền là yếu tố bền vững hấp dẫn du khách. Bắc Ninh với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, phong phú và đặc sắc trải khắp từ bờ Bắc qua bờ Nam sông Đuống, từ đất Yên Phong qua miền Quế Võ đến Từ Sơn, Tiên Du sang Thuận Thành, Gia Bình... trở thành những kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch của tỉnh Bắc Ninh. Những di tích lịch sử đó sẽ đưa du khách đến một tầng văn hóa khác: văn hóa tâm linh gắn với cội nguồn mà ít địa phương nào có được. Điều đó phần nào lý giải tại sao Bắc Ninh là nơi địa linh, nhân kiệt…

Vào mỗi dịp Xuân về, Bắc Ninh lại bừng lên cùng sắc Xuân qua những lễ hội như hội Lim, hội Diềm, hội Dâu, hội thi hát Quan họ… Chắc chắn du khách sẽ vô cùng thích thú chìm đắm trong mùa lễ hội văn hóa đậm đà…Chưa hết, du khách còn được hòa mình trải nghiệm các trò chơi dân gian thấm đẫm văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc mà chỉ đất này mới có.

Bên cạnh đó, hệ thống làng nghề cổ của Bắc Ninh kết hợp với lễ hội truyền thống cũng gợi nên một hình thức du lịch hấp dẫn gọi là “Du lịch sáng tạo” (Creative tourism). Đây là một loại hình du lịch giúp du khách cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo thông qua các trải nghiệm về nghề cổ truyền tại Bắc Ninh. Với những tiềm năng đó, Bắc Ninh rất có điều kiện tổ chức loại hình du lịch này giúp du khách tương tác với văn hóa bản địa và con người nơi đây.

NHIỀU GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch trên toàn cầu cũng như đối với Việt Nam. Qua đó, cũng cho chúng ta một cách tiếp cận mới để có kế sách phát triển du lịch trong tình hình mới. Đối với Bắc Ninh, khi đại dịch chưa xảy ra, quy mô hệ thống các cơ sở kinh doanh du lịch phát triển tương đối nhanh. Số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tính đến hết năm 2019 là hơn 680 cơ sở tăng gấp 27 lần so với năm 2001 và gấp gần 4 lần năm 2010.

Nếu tính trong 3 năm gần đây (2017-2019) đã có sự đột phá rất lớn vì nhiều tập đoàn, doanh nghiệp uy tín về đầu tư hình thành nên chuỗi khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 5 sao như: Khách sạn Mường Thanh, khách sạn Le Indochina; Khu nghỉ dưỡng 5 sao reort Phoenix... góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị Bắc Ninh. Nhờ đó, năm 2019, Bắc Ninh đón khoảng 1,6 triệu khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt xấp xỉ 1,1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đến ngành du lịch, doanh thu, lượt khách năm 2021 so với năm 2019 giảm 50%. Số doanh nghiệp hoạt động du lịch năm 2021 giảm 20% so với năm 2019.

Để phát huy những tiềm năng du lịch, trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030, Bắc Ninh đã đề ra nhiều giải pháp, chính sách để phát triển ngành du lịch.

Cụ thể: quan tâm phát triển du lịch tâm linh và các loại hình du lịch theo hướng “Du lịch sáng tạo” như các loại hình du lịch cộng đồng ở các làng quan họ cổ, làng nghề, vùng nông nghiệp sinh thái, du lịch đường sông. Xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển loại hình sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, các sản phẩm du lịch cuối tuần của Bắc Ninh gắn với di tích lịch sử văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, nghỉ ngơi thư giãn, thưởng thức ẩm thực…

Bắc Ninh chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có trình độ đủ đáp ứng các loại hình du lịch của tỉnh. Ở đây vai trò của người hướng dẫn rất quan trọng để kéo du khách về với tỉnh. Nâng cấp, mở rộng, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch như đề xuất hình thức đầu tư, hoàn thiện trục giao thông kết nối các điểm du lịch; tạo cảnh quan dọc đê sông Cầu, sông Đuống. Sớm khánh thành cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành nối liền hai trọng điểm du lịch bờ Bắc, bờ Nam sông Đuống, tiếp tục triển khai các dự án cầu vượt sông Đuống đoạn phố Núi (Gia Bình) - phố Mới (Quế Võ), đoạn Lương Tài - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương).

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

Về du lịch tâm linh, Bắc Ninh cũng rất quan tâm tới Dự án du lịch tâm linh Kinh Bắc trên sông Cầu và sông Đuống. Đây là dự án nhằm phát triển du lịch xanh ở hai bên bờ sông, gắn với thăm quan các di tích lịch sử văn hóa, nâng cao giá trị các di sản để thu hút khách trong và ngoài nước đến với Bắc Ninh. Đây là dự án phù hợp với chủ trương phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay khi tỉnh đang tập trung nâng tỷ trọng lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, Bắc Ninh còn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung ương và của tỉnh; mở kênh quảng bá du lịch trực tuyến; hợp tác quảng bá du lịch với các hãng hàng không, hãng lữ hành; tổ chức các sự kiện như “Tuần Văn hoá - du lịch”, “Festival về miền Quan họ”, hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ, các đoàn famtrip… Mặt khác, Bắc Ninh còn hợp tác với các tỉnh lân cận như Quảng Ninh để cùng nâng đỡ phát huy thế mạnh du lịch của từng tỉnh.

Đứng trước những thách thức, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để từng bước phục hồi các hoạt động du lịch, Bắc Ninh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các điểm du lịch, các doanh nghiệp xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn tỉnh; ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 đủ 2 mũi cho đội ngũ lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch nhằm xây dựng điểm đến an toàn, đảm bảo sự tin tưởng, yên tâm của du khách.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đối thoại cùng doanh nghiệp để kịp thời các tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; làm tốt công tác bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; nhất là các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tiêu biểu, dân ca Quan họ Bắc Ninh, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống... gắn với phát triển du lịch; tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thông tin sản phẩm, dịch vụ; liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận để tiếp cận thị trường khách nội địa tiềm năng...

Bắc Ninh cũng xác định rõ, phát triển du lịch văn hoá sẽ mang đến hiệu quả kép, vừa giúp thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế, vừa gìn giữ được các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Ngược lại, phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp gắn với các tiềm năng, lợi thế của mình, chắc chắn du lịch Bắc Ninh sẽ trở thành một địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

 
Để phát huy những tiềm năng du lịch, trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030, Bắc Ninh đã đề ra nhiều giải pháp, chính sách để phát triển ngành du lịch. Cụ thể là: quan tâm phát triển du lịch tâm linh và các loại hình du lịch theo hướng “du lịch sáng tạo” làng nghề, vùng nông nghiệp sinh thái, du lịch đường sông...