08:40 18/08/2011

Bong bóng vàng đã phình to quá mức?

Diệp Anh

Chốt phiên giao dịch đêm qua (17/8), giá vàng giao sau tại New York tăng ngày thứ ba liên tiếp, lên mức 1.793,8 USD/ounce

Biểu đồ thăng giảm giá vàng trên thị trường quốc tế trong vòng 30 ngày qua - Ảnh: Kitco.
Biểu đồ thăng giảm giá vàng trên thị trường quốc tế trong vòng 30 ngày qua - Ảnh: Kitco.
Nhu cầu tích trữ của các nhà đầu tư đã đẩy thị trường vàng "nổi bong bóng tới mức sẵn sàng nổ tung", sau khi giá mặt hàng kim loại quý này tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay, các chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Wells Fargo cảnh báo.

"Chúng tôi đã chứng kiến những thiệt hại về kinh tế" từ những lần vỡ bong bóng trước và "cảm thấy cần phải gióng chuông cảnh báo", các chuyên gia của Wells Fargo cho biết trong một bức thư gửi ngày hôm qua, hãng tin Bloomberg cho hay.

Chốt phiên giao dịch đêm qua (17/8), giá vàng kỳ hạn tại New York lại tiếp tục tăng giá phiên thứ ba liên tiếp. Cụ thể, giá vàng giao tháng 12 đã tăng 8,8 USD (0,5%), lên mức đóng cửa kỷ lục 1.793,8 USD/ounce. Giá vàng giao ngay chốt ở mức 1.791,20 USD/ounce.

Từ đầu năm tới nay, giá vàng tương lai đã tăng được 26%. Đây là năm thứ 10 liên tiếp vàng tăng giá. Hôm 11/8 vừa qua, vàng có lúc chạm mốc kỷ lục về giá giao dịch trong ngày là 1.817,6 USD/ounce, khi nhà đầu tư bất an trước tình trạng nợ công ở Mỹ và châu Âu leo thang.

Theo các chuyên gia Wells Fargo cho rằng, một khi kinh tế thế giới ổn định trở lại, thị trường vàng chắc chắn sẽ có rủi ro. "Chúng tôi lo ngại về nguy cơ thị trường giảm giá", một nhà phân tích thuộc ngân hàng trên cho biết.

Tuy nhiên, những thông tin kinh tế yếu kém cùng dự báo triển vọng toàn cầu u ám được công bố liên tiếp vài ngày qua, cho thấy thị trường vàng vẫn còn khá nhiều yếu tố hỗ trợ ở phía trước và các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng như một tài sản đầu tư an toàn.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick, thế giới sẽ phải đối mặt với một giai đoạn mới "nguy hiểm hơn" với rất ít "chỗ thở" tại hầu hết các nền kinh tế phát triển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang tiếp tục hoành hành châu Âu.

Thông báo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay, tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro (Eurozone) gồm 17 thành viên đã chậm lại ở mức 0,2% vào quý 2, thấp hơn so với dự báo cũng như kém xa tốc độ tăng trưởng 0,8% của quý trước, chủ yếu là do kinh tế của hai đầu tàu Pháp và Đức sa sút.

Số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức cho thấy sự tuột dốc của nền kinh tế lớn nhất Eurozone khi GDP quý 2 chỉ tăng 0,1%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua và bỏ xa tốc độ tăng 1,3% ngay trong quý trước, làm dấy lên những lo âu về nguy cơ kinh tế mất đà tăng trưởng.

Thông tin này cùng với số liệu tuần trước cho thấy tăng trưởng GDP của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, trì trệ ở mức 0% càng làm gia tăng quan ngại rằng hai nền kinh tế hạt nhân tại Eurozone đang trải qua một thời khó khăn hơn nhiều so với dự kiến.

Một nền kinh tế lớn khác là Hà Lan cũng rơi vào tình trạng ảm đạm khi tốc độ tăng GDP cũng sụt mạnh so với mức 0,8% trong quý trước. Italy và Tây Ban Nha chỉ đạt tốc độ tăng GDP ở mức 0,3% và 0,2%, khơi lại nỗi lo kinh tế rơi trở lại suy thoái. Kinh tế Bồ Đào Nha dậm chân tại chỗ.

Nhà phân tích Clemente De Lucia từ BNP Paribas cảnh báo, triển vọng kinh tế Eurozone trong những quý tới sẽ còn u ám hơn, đồng thời cho rằng, các căng thẳng trên các thị trường tài chính càng kéo dài, nguy cơ lan sang nền kinh tế thực càng lớn.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của tạp chí Spiegel hôm 14/8, tỷ phú Mỹ George Soros cho rằng, Hy Lạp và Bồ Đào Nha nên rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và khu vực đồng Euro do những khoản nợ khổng lồ của hai nước này. Khi đó EU cũng như đồng Euro sẽ sống sót.

Ông Soros còn đề xuất rằng giờ chính là thời điểm để các nước thành viên khu vực đồng euro chấp nhận việc ban hành trái phiếu EU. Tuy nhiên, đề xuất này của ông Soros đã bị loại bỏ sau cuộc hội đàm thượng đỉnh Pháp - Đức diễn ra sau đó.

Ngoài kinh tế châu Âu, gần đây, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển cũng cảnh báo, các dấu hiệu trì trệ trong tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện ở các nền kinh tế phát triển như Canada, Pháp, Đức, Italy và Anh, tại nền kinh tế đang phát triển và mới nổi  như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Tờ Tuần báo kinh tế Trung Quốc số ra hôm 16/8 dẫn lời các các nhà phân tích trong và ngoài nước cảnh báo rằng, bất chấp tình hình phát triển vẫn rất ngoạn mục và năng động, kinh tế Trung Quốc đang tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ.

Tờ báo này cho hay, trong 30 năm qua, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán về nguy cơ khủng hoảng, thậm chí dự báo sụp đổ của kinh tế Trung Quốc, nhưng rốt cuộc tất cả dự báo này đều không đúng sự thật.

Tuy nhiên trong bối cảnh EU và Mỹ rơi vào khủng hoảng nợ công, những dự báo bất lợi về kinh tế Trung Quốc ngày càng tăng lên. Ngay những người luôn đánh giá cao kinh tế Trung Quốc như Nouriel Roubini, George Soros cũng lo ngại về nguy cơ đang ập đến với nền kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết, đặc khu kinh tế - hành chính Hồng Kông của Trung Quốc cũng đang có chiều hướng rơi vào suy thoái, và theo Daiwa Capital Market, đây sẽ là tín hiệu u ám đối với nền kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Kevin Lai của Daiwa Capital Market cho rằng, Hồng Kông có thể suy thoái ít nhất một năm. “Nhu cầu của toàn thế giới hiện rất yếu. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, châu Âu sẽ giảm mạnh, thậm chí là về 0 trong năm tới. Vì thế, Hồng Kông khó tránh khỏi suy thoái”.

Một nhân tố khác cũng có thể tác động tới xu hướng giá vàng là việc các ngân hàng trung ương tăng tích trữ. Trong tháng 7, Thái Lan, Hàn Quốc và Kazakhstan đã mua thêm số lượng vàng trị giá 2,56 tỷ USD. Trước đó, các ngân hàng trung ương Mexico và Nga cũng đã tăng lượng vàng nắm giữ, đa dạng hóa kho ngoại hối.

Theo kết quả một cuộc khảo sát được tiến hành trong hai tuần đầu tiên của tháng 8 do ngân hàng UBS AG tiến hành cho thấy, 60% người tham dự cho rằng giá vàng sẽ được giao dịch trên mốc 1.800 USD/ounce vào cuối năm nay.

Điểm sáng gần như duy nhất lúc này trên bức tranh kinh tế toàn cầu là một vài số liệu kinh tế đơn lẻ của Mỹ. Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 7 đã tăng 0,9%, cao gần gấp đôi so với ước tính 0,5% của giới chuyên gia và đây là mức tăng cao nhất từ tháng 12/2010.

Các cơ sở công nghiệp phụ trợ đạt mức tăng sản lượng cao nhất (2,8%), tiếp đến là mức tăng 1,1% của các hãng sản xuất hàng tiêu dùng và các khu mỏ. Sản lượng tại các nhà máy tăng 0,6%, mức tăng cao nhất trong vòng bốn tháng qua.

Theo ông Joel Naroff, Chủ tịch hãng tư vấn Naroff, báo cáo về sản lượng công nghiệp tháng 7 của FED có thể làm dịu bớt những lo lắng về khả năng nước Mỹ lại phải chịu một cuộc suy thoái kép nữa như các chuyên gia kinh tế dự báo thời gian gần đây.