15:49 22/06/2022

“Chấp” VN-Index đỏ, 125 cổ phiếu tăng kịch trần toàn thị trường

Kim Phong

Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục “nằm bệt” trong buổi chiều tạo gánh nặng lên các chỉ số, nhưng giao dịch lại tưng bừng ở rất nhiều cổ phiếu khác. Tới 125 mã tăng kịch trần ở 3 sàn, riêng HoSE là 59 mã và HNX là 35 mã...

VN-Index nằm bẹp dưới tham chiếu cả buổi chiều, nhưng điều đó không phản ánh hết giao dịch ở cổ phiếu.
VN-Index nằm bẹp dưới tham chiếu cả buổi chiều, nhưng điều đó không phản ánh hết giao dịch ở cổ phiếu.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục “nằm bệt” trong buổi chiều tạo gánh nặng lên các chỉ số, nhưng giao dịch lại tưng bừng ở rất nhiều cổ phiếu khác. Tới 125 mã tăng kịch trần ở 3 sàn, riêng HoSE là 59 mã và HNX là 35 mã.

“Tứ trụ” GAS, VCB, MSN và VNM vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng lên VN-Index, khiến chỉ số này chỉ có thể với qua tham chiếu trong vài phút ngắn ngủi chiều nay. Kết phiên chỉ số đại diện thị trường vẫn giảm 3,2 điểm tương đương 0,27%, dù các chỉ số còn lại đều xanh.

Thị trường hầu như chỉ bị ảnh hưởng về điểm số, còn giao dịch trên cổ phiếu vẫn khá tích cực, ít nhất là bình diện chung: HoSE ghi nhận 295 mã tăng/181 mã giảm, cải thiện nhẹ so với phiên sáng (263 mã tăng/186 mã giảm).

Tuy vậy ở các nhóm cổ phiếu cụ thể tình hình sôi động hơn nhiều. Các mã chứng khoán mở rộng lên 16 mã tăng hết biên độ. Các cổ phiếu blue-chips của nhóm này đều kịch trần: SSI, HCM, VND, VCI. Toàn bộ nhóm cổ phiếu nhóm chứng khoán trên 3 sàn đều tăng, mã yếu nhất là EVS cũng trên tham chiếu 1,15%.

Thị trường dường như đang ủng hộ dòng tiền nóng quay lại giao dịch. Bằng chứng là thanh khoản chung rất thấp nhưng các mã nhỏ, cổ phiếu có tính đầu cơ cao đều tăng cực nóng. Dễ thấy nhất là các mã bất động sản như DIG, CII, NBB, SCR... thậm chí là FLC cũng tăng kịch trần.

Nhóm chứng khoán, ngân hàng tăng giá tưng bừng.
Nhóm chứng khoán, ngân hàng tăng giá tưng bừng.

Trong khi đó bức tranh hoàn toàn trái ngược ở các cổ phiếu từng hấp dẫn một thời, như các mã dầu khí, hóa chất, phân bón, thủy sản, điện... Các nhóm này bị xả hàng rất mạnh và hầu hết là giảm sàn. GAS chiều nay bắt đầu chạm xuống mức sàn khoảng 1h25 và đến 1h44 thì có dư bán sàn. DCM, DPM thì đã bị bán sàn và dư sàn từ sáng. Thậm chí HoSE kết phiên với 36 cổ phiếu giảm hết biên độ, trong đó 30 mã trắng bên mua.

Tình huống thị trường này không thường xảy ra vì khi cổ phiếu kịch trần hàng loạt tức là tâm lý phải rất hưng phấn, khó có chuyện VN-Index lình xình đỏ hoặc nhiều cổ phiếu giảm sàn như vậy. Hiện tượng phân hóa đang diễn ra rất gay gắt và chỉ cần “chọn nhầm phe” là sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi, thậm chí là thiệt hại lớn.

Nhóm cổ phiếu tài chính giao dịch nổi bật hôm nay. Cổ phiếu chứng khoán rất nóng và các mã ngân hàng tuy không trần hàng loạt nhưng cũng tăng tốt. MSB, VIB, STB và LPB đóng cửa tăng hết biên độ. VCB vẫn là mã duy nhất đóng cửa đỏ, giảm 2,19%. Thực ra mức giảm này là VCB đã có cải thiện chút ít, chốt phiên sáng mã này giảm 2,45%.

Thống kê với rổ blue-chips VN30, chiều nay có 16 mã tăng giá cao hơn thời điểm chốt phiên sáng, 11 mã tụt giảm. Ngân hàng có mức cải thiện nổi bật: ACB tăng cao hơn so với phiên sáng 1,06%, VPB tăng thêm 2,16%, MBB tăng 2,85%, STB tăng 3,57%.

Tụt giá sốc buổi chiều là FPT giảm 5,26% so với cuối phiên sáng, đóng cửa giảm 5,16% so với tham chiếu; MSN tụt 3,72%, chốt giảm 4,5% so với tham chiếu; MWG tụt 4,12%, đóng cửa giảm 5,03%; POW tụt 1,14% xuống tận giá sàn; VNM tụt 1,4%, chốt giảm 4,21%.

Chính sự giằng co này khiến VN-Index cả buổi chiều lệt xệt dưới tham chiếu. Chỉ số xanh nhẹ quanh thời điểm 2h, sau đó lại tụt. VN30 may mắn hơn, bớt được ảnh hưởng của GAS nên vẫn tăng nhẹ 0,22% lúc đóng cửa.

Chiều nay thanh khoản cũng kém, hai sàn niêm yết chỉ khớp thêm 5.564 tỷ đồng, giảm 33% so với phiên sáng. Giao dịch kém này khiến cả ngày thanh khoản hai sàn giảm 12% so với hôm qua, đạt gần 13.195 tỷ đồng, là mức thấp nhất 9 phiên.

Việc chỉ số đỏ nhưng cổ phiếu phân hóa trái ngược sâu sắc là hệ quả của dòng tiền ngắn hạn đang di chuyển đồng loạt. Các cổ phiếu như phân bón, dầu khí... bị chốt lời đồng loạt. Trong khi đó nhu cầu bắt đáy lại gia tăng ở các mã đã giảm rất sâu, đẩy giá tăng cả loạt. Biến động này không liên quan nhiều đến yếu tố cơ bản.