12:48 06/10/2022

Chi trả dịch vụ an sinh không dùng tiền mặt: Tiện lợi nhưng vẫn khó

Phúc Minh

Nhóm thụ hưởng chính sách an sinh xã hội chủ yếu là người yếu thế, người cao tuổi; điều kiện vùng miền khó khăn là những trở ngại khiến việc chi trả các dịch vụ an sinh không dùng tiền mặt vẫn gặp khó…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các nhóm đối tượng đã mang lại những hiệu quả tích cực, nhưng cần nhiều hình thức chi trả phù hợp, linh động hơn.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC CHI TRẢ PHÙ HỢP VỚI CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG

Theo báo cáo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, hiện đơn vị này đã tổ chức gần 2.830 điểm chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt tại các cấp xã, phường trên cả nước cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội tại 61 tỉnh, thành phố; người có công tại 56 địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản trong việc bao phủ được toàn bộ người hưởng trợ cấp, lý do là hầu hết các đối tượng thuộc nhóm này là người già, người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội.

Đa số họ có những hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, không đáp ứng được các điều kiện để mở và sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng. Ngoài ra là những khó khăn về khoảng cách di chuyển từ nơi ở đến các điểm rút tiền; chi phí sử dụng tài khoản chưa phù hợp và các kỹ năng thao tác của người sử dụng smartphone.

Vừa qua, Bưu điện Việt Nam đã thí điểm triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội tại một số tỉnh như Thừa Thiên Huế với hơn 10.000 tài khoản thanh toán, đạt tỷ lệ bao phủ trên 64%. Tại TP. HCM và tỉnh Cao Bằng hiện đang tiến hành thí điểm chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội với hơn 2.000 tài khoản thanh toán. Bưu điện Việt Nam cũng đã hợp tác được với một số ngân hàng để đem lại nhiều lợi ích nhất cho người hưởng trợ cấp bằng việc miễn duy trì số dư…

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, để đạt được mục tiêu chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, cần tìm được giải pháp hợp lý giúp các đối tượng có thể nhận được tiền mặt khi tiền về tài khoản. Bởi lẽ, phần lớn các đối tượng được hưởng trợ cấp là những người yếu thế và phân bố đông ở vùng miền núi, không có nhiều cây ATM, họ cũng cần nhanh chóng nhận số tiền đó để chi tiêu lập tức.

Đại diện Cục Bảo trợ xã hội kiến nghị, cần có mô hình chi trả tập trung dùng nhiều cách thức để sau khi tiền về tài khoản, các đối tượng có thể nhanh chóng nhận được tiền mặt.

Về phía Bưu điện Việt Nam cho biết, các giải pháp đơn vị này sẽ triển khai trong thời gian tới như: Hợp tác với ngân hàng hướng dẫn mở tài khoản cho người hưởng; phục vụ rút tiền, chi trả trợ cấp ngay tại điểm chi trả xã, phường, địa chỉ người hưởng; chi trả điện tử qua mã thẻ QR Code để phục vụ các đối tượng không có tài khoản ngân hàng; mô hình kết nối các hệ thống công nghệ thông tin hình thành hệ thống chi trả cho đối tượng qua tài khoản thanh toán, ví điện tử, chi trả điện tử…

ĐẢM BẢO CHI TRẢ KỊP THỜI, TRÁNH NHẦM LẪN THÔNG TIN

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp về triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho rằng, hiện tại mô hình chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với những đối tượng an sinh xã hội đã bắt đầu đem lại hiệu quả tại các địa phương thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, với những khó khăn đặc thù của nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người có công, cùng điều kiện thực tế về địa bàn vùng miền tại nơi sinh sống của những đối tượng được hưởng trợ cấp, thì những phương án đã đưa ra là chưa phù hợp với thời điểm hiện tại.

Theo ông Hoan, để thực hiện tốt việc này, các đơn vị thực hiện việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cần tính toán kĩ lưỡng và thống nhất kế hoạch để đưa ra hướng triển khai phù hợp, ưu tiên giải quyết những đối tượng đã đủ điều kiện được nhận hỗ trợ.

Cùng với đó, nhanh chóng kết nối dữ liệu thông tin các đối tượng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, để xác thực định danh chính xác, tránh nhầm lẫn thông tin các đối tượng. Đảm bảo việc chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng, đủ, kịp thời và chính xác.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong quý 3/2022, các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành việc kết nối chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về bảo trợ xã hội; xác định việc thu thập, cập nhật dữ liệu về người lao động, hình thành cơ sở dữ liệu thống nhất toàn quốc về lao động, việc làm và chia sẻ, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về bảo trợ xã hội và giảm nghèo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào việc làm sạch và bổ sung căn cước công dân đối với các đối tượng bảo trợ; thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ các dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo các tiêu chí kết nối, xác thực và đồng bộ dữ liệu đã được thống nhất.

Bộ cũng đã xây dựng Dự thảo Chỉ thị về thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và đang xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan. Dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành Chỉ thị trong tháng 10/2022.