22:25 24/08/2008

Chứng khoán bước vào tuần thử thách

Đức Hoàng

Với biên độ giá mới, mức độ tăng giảm của VN-Index đã lớn hơn và các phiên điều chỉnh cũng “chóng mặt” hơn

Tuần tới sẽ là thời điểm khá nhiều thông tin quan trọng có thể được đưa ra, dẫn đến những tác động xoay chuyển tâm lý thị trường - Ảnh: Việt Tuấn.
Tuần tới sẽ là thời điểm khá nhiều thông tin quan trọng có thể được đưa ra, dẫn đến những tác động xoay chuyển tâm lý thị trường - Ảnh: Việt Tuấn.
Tuần qua, VN-Index đã vượt 500 điểm, và mức này đang là ngưỡng hỗ trợ mới.

Với biên độ giá mới, mức độ tăng giảm của VN-Index đã lớn hơn và các phiên điều chỉnh cũng “chóng mặt” hơn.

Giá dầu, kẻ “phá đám”!

Điểm đáng chú ý nhất trên thị trường tuần qua là khối lượng giao dịch rất lớn, chứng tỏ một sự thay máu cổ đông đã diễn ra nhộn nhịp. Nhà đầu tư hưởng lãi bán ra và người chưa mua được nhảy vào thị trường.

Sự thay đổi này có tác dụng bình ổn thị trường không phải từ khía cạnh kỹ thuật mà từ khía cạnh tâm lý: kỳ vọng về giá sẽ ổn định hơn và cao hơn.

Sau phiên điều chỉnh ngày 19/8, với VN-Index đóng cửa thấp hơn mở cửa và khối lượng khớp lệnh lớn, thị trường đã liên tiếp xuất hiện hai phiên giao dịch tích cực với VN-Index tăng điểm khá mạnh. Mặc dù giảm điểm trong ngày 20/8, nhưng đó thực sự là tín hiệu tốt khi lực mua càng về cuối ngày càng mạnh.

Tuy nhiên, phiên cuối tuần đã không hoàn chỉnh nốt một kịch bản đẹp, khi chỉ tăng được có 1 điểm và chênh lệch -9 điểm giữa phiên đóng cửa và mở cửa. Diễn biến này được diễn dịch thành một phiên xả hàng với áp lực lớn.

Nguyên nhân tâm lý tác động không nhỏ là sự đột biến của giá dầu thế giới. Ngày 21/8, giá dầu bất ngờ tăng vọt lên mức cao nhất tới 122,05 USD, phủ bóng đen lên phiên giao dịch ngày 22/8 của thị trường. Lo ngại xuất phát từ kỳ vọng một đợt giảm giá xăng tiếp theo có thể phá sản.

Tuy nhiên, diễn biến giá dầu cũng thất thường như chứng khoán, và thời gian qua giá dầu vẫn đang nằm trong xu thế giảm là chủ đạo. Những biến động tăng giảm ngắn hạn dường như chưa đủ để phá vỡ xu hướng này.

Nhiều lực đỡ

Vấn đề mang tính kỹ thuật tác động đến VN-Index lúc này là biên độ. Việc nới rộng biên độ khiến mức tăng giảm mỗi ngày lớn hơn và các mốc điểm được xác định như mức hỗ trợ, kháng cự cũng có sự thay đổi tương đối khi điểm số đạt được và mất đi có thể lên tới trên 20 điểm/phiên.

Nhìn chung, về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index tuần qua vẫn đang trong đợt điều chỉnh khi gặp vùng kháng cự 500-520 điểm (xem hình dưới).

Chứng khoán bước vào tuần thử thách - Ảnh 1

Vùng kháng cự này, như đã bàn, chắc chắn phải thể hiện nội lực của bên mua. Thực tế cả 4 phiên cuối tuần qua - nếu không tính phiên ảnh hưởng của giá dầu tăng - thì bên mua đang nỗ lực giải quyết lượng bán ra.

Khối lượng giao dịch đạt mức cao chưa từng có quanh vùng điểm này, khoảng 128 triệu đơn vị. Một khối lượng lớn như vậy cũng có thể làm suy yếu sức mua.

Diễn biến giao dịch trong ngày cho thấy bên mua không quá sốt sắng trong việc đẩy giá dù đa số đều có giá đóng cửa phiên 3 cao hơn mở cửa. Điều này có thể xuất phát từ lượng cung quá lớn. Đây là điểm khiến xu hướng tăng trở nên thiếu lực.

Tuy nhiên, các biến động giá ngắn hạn như vậy vẫn không đánh dấu một chu kỳ giảm, hay nói đúng hơn là thị trường cần những bằng chứng rõ ràng hơn để xác nhận xu hướng.

Vai trò của một số cổ phiếu lớn chi phối VN-Index đang thay đổi. Có mã bắt đầu xu hướng giảm hoặc đi ngang khiến tốc độ đi lên của chỉ số không mạnh. Dù vậy, nhiều mã khác vẫn chứng tỏ một nguồn tiền lớn đang tập trung. Lượng bán ở những mã này tăng không nhiều và rất yếu so với nhu cầu mua.

Chứng khoán bước vào tuần thử thách - Ảnh 2

Biểu đồ về tương quan cung cầu, như ở hình trên, cho thấy khối lượng mua có dấu hiệu đuối sức. Thực tế tổng cầu (đường blue) trong khoảng 60-65 triệu chứng khoán/phiên gần như là khối lượng tối đa và thị trường chưa thể vượt qua được.
 
Nếu trong tuần tới, sức mua giảm dần thì chứng tỏ một lượng tiền lớn đã bị tiêu hao do khối lượng giao dịch khổng lồ vừa qua. Tuy nhiên, từ phía ngược lại, có thể áp lực bán sẽ suy yếu, do những người muốn thoát khỏi thị trường những phiên này đã đạt được mục đích.

Mặt khác, tuần tới sẽ là thời điểm khá nhiều thông tin quan trọng có thể được đưa ra, dẫn đến những tác động xoay chuyển tâm lý thị trường.

Thứ nhất, sẽ là mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8. Trước đó, CPI Hà Nội và Tp.HCM đã được công bố (trung bình 2%).

Thứ hai, là khả năng giảm lãi suất cơ bản. Đây là điều thị trường trông đợi và được lan truyền mạnh mẽ khi có những ý kiến trên các phương tiện truyền thông.

Thứ ba, là niềm hy vọng về một đợt giảm giá xăng mới sẽ xảy ra trong tháng 9, trong trường hợp giá dầu tiếp tục xu hướng giảm.