20:41 16/03/2007

Chứng khoán: Vì sao đảo chiều?

Hoàng Lộc

Phiên giao dịch ngày 16/3 gây sững sờ cho nhiều nhà đầu tư, khi họ dự đoán phiên 19/3 tới, giá nhiều cổ phiếu mới tăng lại

Tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch cùng tăng trở lại - Ảnh: VNN.
Tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch cùng tăng trở lại - Ảnh: VNN.
Phiên giao dịch ngày 16/3 gây sững sờ cho nhiều nhà đầu tư, khi họ dự đoán phiên 19/3 tới, giá nhiều cổ phiếu mới tăng lại.

Rất đột ngột, nhu cầu mua tăng mạnh, lượng bán giảm ngay từ đầu giờ phiên giao dịch. Giá hàng loạt cổ phiếu “chất lượng cao” tăng lên trần ngay từ đợt khớp lệnh đầu tiên, chỉ số ở cả 2 sàn giao dịch đều tăng mạnh.

Nhiều cổ phiếu chủ chốt tăng trần


Tại sàn Tp.HCM, sau khi giảm gần 49 điểm phiên 15/3, phiên 16/3 chỉ số VN-Index lại đột ngột đảo chiều, tăng 44,24 điểm và tăng lên mức 1.109,76 điểm.

Đây là mức tăng mạnh thứ 2 sau phiên tăng mạnh nhất, hơn 45 điểm ngay phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán.

Vào giờ đóng cửa, 61 cổ phiếu tăng giá, trong đó 45 cổ phiếu tăng giá lên mức trần, nhiều cổ phiếu chủ chốt như VNM, STB, PPC, PVD, REE, KDC, SJS, VSH, CII, GMD, ITA, SAM... đều tăng trần, 38 cổ phiếu giảm giá, trong đó có 37 cổ phiếu giảm giá sàn, rất nhiều cổ phiếu giá thấp, “chất lượng” thuộc loại trung bình có giá đóng cửa giảm sàn, giá 10 cổ phiếu đứng.

Giá cổ phiếu FPT tăng mạnh nhất, tăng 27.000 đồng, lên mức 578.000 đồng, tiếp đến BMC tăng 21.000 đồng, lên 454.000 đồng, SJS tăng 17.000 đồng, lên 360.000 đồng, HRC tăng 16.000 đồng, lên 341.000 đồng và PVD tăng 12.000 đồng, lên 262.000 đồng/cổ phiếu, VNM tăng 8.000 đồng, lên mức 185.000 đồng, VSH tăng 3.500 đ lên 76.000 đồng và STB tăng 7.000 đồng, đạt mức 147.000 đồng/cổ phiếu.

5 cổ phiếu có mức giảm giá nhiều nhất là DHG giảm 10.000 đồng, ALT, SGH và TCT giảm 4.500 đồng và HMC giảm 3.000 đồng.

5 chứng khoán có khối lượng giao dịch lớn nhất gồm: PRUBF1 với 161.041 chứng chỉ quỹ, giá tăng đụng trần, STB đạt 99.647 cổ phiếu, VF1 đạt 70.120 chứng chỉ quỹ, giá tăng lên trần, PPC với 60.024 cổ phiếu, giá tăng 2.500 đồng và HAP đạt 33.767 cổ phiếu, giá tăng 5.000 đồng.

Tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch cũng tăng trở lại. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu đạt 8,894 triệu cổ phiếu, trị giá đạt 941 tỷ đồng, tăng gần 35% về khối lưọng và 16% về giá trị so với phiên trước.

Giao dịch chứng chỉ quỹ đạt 2,341 chứng khoán, giảm mạnh (2 triệu chứng chỉ quỹ) so phiên trước, trị giá đạt 61,37 tỷ đồng, giao dịch trái phiếu đạt 1,615 triệu trái phiếu, trị giá 175,61 tỷ đồng, tăng 86 tỷ đồng so phiên trước. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua bán thỏa thuận trong cùng khối 1,422 triệu trái phiếu, trị giá khoảng 150 tỷ đồng.

Tại sàn Hà Nội, HASTC-Index cũng tăng mạnh, lên 446,08 điểm, tăng 24,75 điểm với 18 cổ phiếu tăng giá, 14 cổ phiếu giảm giá, còn lại đứng giá. Tổng giá trị giao dịch đạt 2,089 triệu cổ phiếu, trị giá 219,39 tỷ đồng, trong đó có giao dịch thỏa thuận 91.000 cổ phiếu, trị giá 21,12 tỷ đồng.

Vì sao đảo chiều?

Theo một số nhà phân tích thị trường, sự đảo chiều đột ngột của thị trường là do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Nhiều nhà đầu tư trong nước đã “giải tỏa” được mối lo ngại của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) về khả năng 80% số lượng nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường, sau khi nhiều chuyên gia và lãnh đạo các quỹ đầu tư và một số tổ chức tài chính nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam nhận định rằng các quy định trong Dự thảo Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán là hợp lý, chỉ cần sửa chút ít.

Mặt khác, việc Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định Chính phủ Việt Nam không sử dụng những biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tác động khá mạnh đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư, cả trong nước và nước ngoài.

Một tác động tâm lý không nhỏ đến nhà đầu tư trong nước là thông tin ngày 15/3, tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s của Mỹ đã nâng hạng mức tín nhiệm đối với trái phiếu Chính phủ Việt Nam lên mức tích cực từ mức ổn định.