21:35 14/05/2008

Cổ phiếu ngân hàng sẽ được “cứu”?

Minh Đức

Ghi nhận về những chuyển biến mới nhất từ các nguồn lực gián tiếp hỗ trợ giá cổ phiếu ngân hàng thương mại

Các đối tác chiến lược nước ngoài vẫn đánh giá cao về triển vọng phát triển của ngân hàng đối tác, cũng như tăng cường các nguồn lực hỗ trợ. (Trong ảnh: Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa ABBank và Maybank)
Các đối tác chiến lược nước ngoài vẫn đánh giá cao về triển vọng phát triển của ngân hàng đối tác, cũng như tăng cường các nguồn lực hỗ trợ. (Trong ảnh: Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa ABBank và Maybank)
Ghi nhận về những chuyển biến mới nhất từ các nguồn lực gián tiếp hỗ trợ giá cổ phiếu ngân hàng thương mại.

Từ đầu tháng 5 trở lại đây, “cổ phiếu vua” (từ dùng quen thuộc của nhiều nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngân hàng) liên tục sụt giảm mạnh chưa từng thấy từ trước tới nay. Điểm chung của diễn biến này là không có sự phân biệt lớn nhỏ, tốt xấu và nhiều cổ phiếu đã về với mệnh giá; thậm chí thấp hơn mệnh giá trên thị trường OTC.

Chuyển động nội tại

Ngoài chuỗi giảm sàn liên tiếp trên sàn niêm yết của hai đầu tàu ACB (của Ngân hàng Á châu) và STB (của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín), trên thị trường OTC, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng không còn ở mức rẻ mà đang trong tình thế bị bỏ rơi.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn được xem là một linh hồn của thị trường chứng khoán; theo đó, dòng chảy này đang cuốn theo cả tình hình chung của thị trường.

Nhưng trong ngắn hạn trước mắt, tình hình có thể được cải thiện, bởi thị trường không thể phủ nhận những nguồn lực đang có và sẽ có trong những thời gian tới.

Trước hết, những con số ấn tượng về kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm của một số ngân hàng lớn, trong đó nổi bật là ACB và Sacombank tiếp tục khẳng định hướng đi đúng và khả năng vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế. Trong khi đó, một số ngân hàng chưa niêm yết cũng đang có những thông tin hỗ trợ đủ mạnh.

Chiều nay, trong thông tin gửi tới VnEconomy, Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) cho biết OCBC (tập đoàn tài chính lớn thứ 3 Singapore) đã có được thống nhất nâng tỷ lệ sở hữu lên 15%. Điểm đáng chú ý là trong khi giá cổ phiếu VPBank trên OTC có thông tin rao bán chỉ 1.1 lần mệnh giá, nhưng giá thỏa thuận với OCBC vẫn đạt được tới 4.5 lần.

Mức giá trên gián tiếp khẳng định niềm tin của đối tác chiến lược, cũng như khẳng định một phần nào đó về triển vọng phát triển của ngân hàng này, dù thực tế bối cảnh chung nền kinh tế đang nhiều khó khăn.

Và theo nguồn tin của VnEconomy, trong tuần này, ngân hàng hàng đầu thế giới HSBC cũng đã có thỏa thuận sơ bộ với Ngân hàng Kỹ thương Techcombank để đi đến kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%. Giá trong đàm phán bán thêm chưa được công bố cụ thể, nhưng đại diện của Techcombank cho biết là đảm bảo để các cổ đông hài lòng và phản ánh đúng thực tế giá trị của ngân hàng cũng như triển vọng phát triển.

Ngoài ra, một ngân hàng khác là An Bình (ABBank) cũng đang có những thuận lợi mới trong việc củng cố nguồn lực để khẳng định giá trị cổ phiếu trên thị trường. Đó là cổ đông chiến lược Maybank (Malaysia) đặt định hướng nâng tỷ lệ sở hữu tại ABBank lên 20% và triển khai việc hỗ trợ ngân hàng này về các nguồn lực quản trị, công nghệ và phát triển sản phẩm…

Đó là những chuyển động về chất, có giá trị củng cố niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư. Câu hỏi đặt ra là tại sao các đối tác chiến lược là những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới và khu vực sẵn sàng trả giá cao so với thực tế, tiếp tục đặt niềm tin, thì nhiều nhà đầu tư trong nước (chủ yếu là cá nhân) lại bán tháo “cổ phiếu vua” như hiện nay?

Kích cầu từ cơ chế

Trước diễn biến “gây sốc” của cổ phiếu ngân hàng trên thị trường, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có công văn trình Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước; trong đó đưa ra một số giải pháp đáng chú ý.

VAFI kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có văn bản cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần (hội đủ điều kiện bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài) được chủ động bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với mức không quá 5%/vốn điều lệ (trong khung tỷ lệ 30%/vốn điều lệ theo quy định hiện hành) mà không cần làm thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước đối với từng giao dịch chuyển nhượng.

Kiến nghị trên xuất phát từ thực tế khó khăn trong giao dịch của khối này, liên quan đến cơ chế thuyết trình, báo cáo và xin phép hiện nay, dẫn đến lực cầu hạn chế và tính thanh khoản cũng bị ảnh hưởng nhất định.

Theo VAFI, nếu đề nghị trên được chấp thuận, các tổ chức tài chính và Quỹ đầu tư nuớc ngoài muốn mua cổ phiếu ngân hàng có thể liên hệ qua đầu mối là Hội đồng Quản trị của các ngân hàng để đàm phán giá cả và làm thủ tục chuyển nhượng.

Hiện cổ phiếu ngân hàng vẫn là một điểm ngắm ưu tiên của khối đầu tư nước ngoài; nếu cơ chế được cởi mở, sự tham gia của khối này sẽ tạo không khí sôi động hơn, thúc đẩy lực cầu và gián tiếp tạo động lực để nhóm cổ phiếu này phục hồi.

Ngoài hai đầu tư ACB và STB trên sàn niêm yết, sự hồi phục của cổ phiếu ngân hàng thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy khả năng phục hồi chung của thị trường. Trên thị trường niêm yết, ACB và STB vẫn là hai mã có ảnh hưởng lớn nhất tại hai đầu cầu Hà Nội và Tp.HCM; trên thị trường OTC, cổ phiếu ngân hàng vẫn là “linh hồn”, cần có sự hồi sức để khắc phục tình trạng “đóng băng” hiện nay.