17:06 16/08/2023

"Cởi trói" dự án đầu tư công quy mô nhỏ bằng nguồn chi thường xuyên

Ánh Tuyết

Trước bất cập Luật Đầu tư công “trói” nhiều dự án quy mô nhỏ, phát sinh đột xuất, Bộ Tài chính đề xuất thí điểm sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có, áp dụng với dự án dưới 15 tỷ đồng...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung đề nghị thí điểm nên nghị quyết vẫn chưa được thông qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung đề nghị thí điểm nên nghị quyết vẫn chưa được thông qua.

Cử tri TP. Hải Phòng phản ánh, hiện nay, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư, cải tạo sửa chữa các công trình phục vụ hoạt động của địa phương như để giải quyết các vấn đề về dân sinh, an sinh xã hội, phát sinh nhiều trường hợp tài sản công có nhu cầu cấp bách, cấp thiết phải nâng cấp, cải tạo nhưng chưa được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương.

Tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công quy định: “Kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn”.

Theo đó, nguồn kinh phí đề xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công phải được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công (thực hiện theo trình tự của Luật Đầu tư công) nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện không đáp ứng kịp thời và linh động trong quá trình sử dụng ngân sách.

Trước những bất cập nêu trên, cử tri TP. Hải Phòng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 theo hướng phù hợp với thực tế cho phép nâng cấp, mở rộng xây dựng mới các hạng mục công trình, đảm bảo tính kịp thời, linh hoạt và tính chủ động trong điều hành chi ngân sách nhà nước để đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương hiện nay.

Trên thực tế, qua phản ánh của một số bộ, ngành, địa phương và các đại biểu Quốc hội, việc cải tạo, nâng cấp trụ sở, công trình, máy móc, thiết bị thuộc tài sản công quy mô nhỏ như sử dụng vốn đầu tư công khó khả thi và vô cùng bất cập, do phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong khi đó, việc sửa chữa, cải tạo phát sinh đột xuất, chi có tính cấp bách như: cải tạo hệ thống giao thông, thoát nước, trạm y tế, trường học, các công trình liên quan đến quản lý biên giới, phân giới cắm mốc..., rất khó kế hoạch hoá trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.

Trong đó quy định đối với kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

 

Bộ Tài chính cho rằng Luật Đầu tư công đang “trói” các nguồn vốn cải tạo, nâng cấp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, không phù hợp với thực tiễn hoạt động quản lý hiện nay.

"Để đáp ứng yêu cầu thực tế, kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội, bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính đã 2 lần báo cáo Chính phủ (sau khi xin ý kiến 21 bộ, ngành và 63 địa phương) và 1 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có", Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo dự thảo, Nghị quyết được thực hiện kể từ ngày có hiệu lực thi hành và được thực hiện trong 5 năm, dự kiến từ ngày 1/6/2023 đến 1/6/2028. Nội dung quy định tại Nghị quyết là các nội dung mới, chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, khác với quy định tại Luật Đầu tư công. Vì vậy trường hợp trong thời gian thực hiện Nghị quyết, Quốc hội quyết định sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công trong đó có chính sách liên quan đến nội dung quy định tại Nghị quyết thì áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026; tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2028.

Tuy nhiên, ngày 15/5/2023, Tổng thư ký Quốc hội có văn bản số 2276/TB-TTKQH thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các đề nghị của Chính phủ.

Theo đó, "Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung đề nghị thí điểm, trong đó, việc thực hiện thí điểm cần phải có địa chỉ, thời gian, giới hạn cụ thể, không quy định như một đạo luật khác song song với luật hiện hành; đồng thời, hoàn thiện cơ sở, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6 hoặc vào thời gian phù hợp", Bộ Tài chính nêu rõ.

Trên cơ sở đó, ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023, trong đó, về xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan đề xuất nội dung đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 10/7/2023.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao.