11:48 22/07/2010

CPI tháng 7 sẽ tăng tương tự tháng trước?

Anh Quân

Những dự báo ban đầu cho rằng CPI tháng 7 chỉ tăng thấp, tương tự như tháng 6

Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khá ổn định trong tháng 7.
Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khá ổn định trong tháng 7.
“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 sẽ tăng ở mức tương tự như tháng 6”, một lãnh đạo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí vào chiều ngày 20/7. Trước đó, CPI tháng 6 được công bố chỉ tăng 0,22% so với tháng 5.

Nhận định này được đưa ra dựa trên những phân tích khá lạc quan về thị trường giá cả tính đến ngày 15/7, vừa được Cục Quản lý giá đưa ra.

Cụ thể, trong nửa đầu tháng 7/2010, giá cả hàng hoá trong nước nhìn chung biến động theo hướng ổn định so với cùng kỳ tháng 6/2010. Các loại hành hóa tiêu dùng thiết yếu như gạo, thực phẩm, xi măng, thuốc chữa bệnh... tiếp tục duy trì mặt bằng giá chung khá ổn định, một số có chiều hướng giảm nhẹ.

Trong khi đó, khí hóa lỏng LPG và xăng dầu là những mặt hàng giảm giá do tác động từ giá thế giới. Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm lần gần nhất vào ngày 8/6, trong khi giá LPG giảm khoảng 8 nghìn đồng/bình 12kg và 9,2 nghìn đồng/bình 13 kg so với tháng 6/2010.

Riêng mặt hàng sắt thép, trong 15 ngày đầu tháng 7/2010, do chịu ảnh hưởng của giá phôi thép thế giới tăng nên giá thép thành phẩm trong nước đã tăng từ 300-700 đồng/kg so với tháng 6...

Điểm qua các tác nhân vĩ mô ảnh hưởng đến giá tiêu dùng trong nước, xu hướng giá cả thế giới tiếp tục trong xu thế ổn định khi triển vọng kinh tế thế giới chưa mấy lạc quan.

Nhiều mặt hàng nhập khẩu đầu vào của sản xuất trong nước có xu hướng giảm, hoặc đứng giá trong tháng qua, cân bằng lại sự chồi sụt của tỷ giá giữa USD/VND trong một tháng nhiều biến động.

Trong khi đó, động thái gần đây của các ngân hàng thương mại là giảm lãi suất huy động, có trường hợp xuống đến mức từ 11-11,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên và quy định không áp dụng các hình thức khuyến mại bằng tiền, lãi suất...

Riêng lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, một số ngân hàng thương mại trong tháng qua có thời điểm đã điều chỉnh giảm khoảng 0,5-1,5%/năm đối với các đối tượng cho vay ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Tuy chưa có con số cụ thể về tăng trưởng tín dụng và cung tiền tháng 7, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia trong ngành, khả năng tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 25% trong năm nay là khó khăn.

Cách đây ít ngày, trả lời báo chí ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đang co cụm sản xuất kinh doanh khi không thể tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất cao.

Trong khi đó, dù lực cầu hàng hóa tăng khá mạnh so với cùng kỳ và diễn ra liên tục từ đầu năm đến nay, sản xuất đang bước vào giai đoạn nước rút với kỳ vọng tiêu thụ được nhiều hơn ở giai đoạn cuối năm đã cân bằng lại quan hệ tiền-hàng.

Một số chuyên gia về thống kê được VnEconomy tham vấn ngày hôm nay, bên lề một hội nghị của ngành này, cũng đồng tình với nhận định trên và cho rằng, mặt bằng giá hiện đang ở mức khá ổn định và không có khả năng gây xáo trộn lớn trong ngắn hạn, ít nhất là tại tháng 7 và có thể là cả tháng 8 tới.

Hồi cuối tháng 6, cũng trong một báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, cơ quan này cho rằng CPI tháng 7 sẽ tăng trong khoảng 0,2-0,3%.