19:36 28/07/2025

Đằng sau việc Chính phủ Mỹ tích cực mua cổ phần doanh nghiệp

An Huy

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mua và nắm cổ phần trực tiếp trong một số công ty ở quy mô hiếm thấy tại Mỹ nếu không tính đến thời chiến hoặc khủng hoảng kinh tế...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.

Điều này cho thấy Đảng Cộng hòa - một đảng vốn có truyền thống ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do - đang chấp nhận sự can thiệp của nhà nước vào các ngành công nghiệp được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, theo hãng tin CNBC.

Hãng thép Nippon Steel của Nhật Bản đã đồng ý trao cho Chính phủ Mỹ một “cổ phần vàng” trong hãng thép Mỹ U.S. Steel như một điều kiện cho cuộc sáp nhập gây tranh cãi của hai công ty. Với cổ phần này, cá nhân ông Trump đang nắm quyền phủ quyết sâu rộng đối với các quyết định kinh doanh lớn của US Steel - nhà sản xuất thép lớn thứ ba của Mỹ.

NHỮNG ĐỘNG THÁI HIẾM THẤY

“Cổ phần vàng” của ông Trump trong U.S. Steel tương tự như việc quốc hữu hóa một công ty, nhưng trong trường hợp này không có bất kỳ lợi ích nào mà một công ty thường nhận được từ việc quốc hữu hóa, chẳng hạn như đầu tư trực tiếp từ chính phủ - theo bà Sarah Bauerle Danzman, một chuyên gia về đầu tư nước ngoài và an ninh quốc gia tại tổ chức nghiên cứu và tư vấn Atlantic Council.

Đầu tháng 7 này, chính quyền ông Trump còn cho thấy họ sẵn sàng mua cổ phần trực tiếp trong các công ty niêm yết đại chúng. Bộ Quốc phòng đã nhất trí mua cổ phần trị giá 400 triệu USD trong công ty khai thác đất hiếm MP Materials - thương vụ đưa Lầu Năm Góc trở thành cổ đông lớn nhất của công ty.

Mức độ hỗ trợ như vậy của Chính phủ liên bang Mỹ dành cho một công ty khai khoáng là chưa từng có - theo bà Gracelin Baskaran, một chuyên gia về khoáng sản quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). “Đây là sự hợp tác công tư lớn nhất mà ngành khai thác mỏ từng có ở Mỹ. Trong lịch sử, Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bao giờ đầu tư vốn vào một công ty khai thác mỏ hoặc một dự án khai thác mỏ”, bà Baskaran nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, ông Trump đang mở rộng phạm vi những gì có thể xảy ra ở Mỹ về sự can thiệp của nhà nước vào thị trường. Những cuộc can thiệp tiếp theo có thể được tiến hành khi chính quyền ông Trump phát triển chính sách để hỗ trợ các công ty Mỹ trong các ngành công nghiệp chiến lược nhằm cạnh tranh với các công ty Trung Quốc được Bắc Kinh hậu thuẫn.  

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mỹ Doug Burgum có nói rằng Chính phủ nước này có thể cần phải “đầu tư vốn chủ sở hữu vào tất cả các công ty đang cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh khoáng sản quan trọng.”

Khoản đầu tư của Lầu Năm Góc vào MP Materials là một mô hình cho quan hệ đối tác công tư trong tương lai - CEO James Litinsky của công ty nhận định. “Đó là một con đường mới để thúc đẩy thị trường tự do, để đưa chuỗi cung ứng về nước như chúng ta muốn”, ông Litinsky nói với CNBC.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Dave McCormick nói răng “cổ phần vàng” trong U.S. Steel là một mô hình tiềm năng cho “các giao dịch đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của chúng ta nhưng sẽ rất tốt cho tăng trưởng kinh tế của chúng ta”.

“Sau khi Chính phủ Mỹ đã có trong tay cổ phần trong US Steel và MP, chúng ta đang tự hỏi chính quyền này sẽ tìm khoản đầu tư tiếp theo ở đâu”, ông Don Bilson - một nhà phân tích tại công Gordon Haskett - viết trong một báo cáo.

Đầu năm nay, ông Trump đưa ra ý tưởng  Mỹ nên nắm giữ 50% cổ phần trong ứng dụng truyền thông xã hội TikTok như một phần của liên doanh. Theo một luật mới được Mỹ thông qua gần đây, công ty ByteDance của Trung Quốc được yêu cầu phải thoái vốn TikTok hoặc nền tảng này sẽ bị cấm ở Mỹ. Ông Trump đã gia hạn cho ByteDance đến ngày 17/9 phải thực hiện yêu cầu này.

CAN THIỆP CÓ PHẢI LÀ GIẢI PHÁP TỐI ƯU?

Trên thực tế, Mỹ có một lịch sử lâu dài về can thiệp vào các ngành công nghiệp, đặc biệt là khi có liên quan đến vấn đề quốc phòng - theo ông Mark Wilson, một nhà sử học tại Đại học Bắc Carolina, Charlotte (UNC). Nhưng các cuộc can thiệp trong quá khứ thường chỉ là tạm thời và thường xảy ra trong thời gian có chiến tranh, khủng hoảng kinh tế hoặc dưới hình thức cứu trợ để ngăn chặn một công ty lớn trong một ngành công nghiệp quan trọng phá sản.

Chính phủ Mỹ đã mua cổ phần lớn trong General Motors (GM) để ngăn chặn nhà sản xuất ô tô này sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng cuối cùng đã bán hết cổ phần trong GM. Vào những năm 1970, “gã khổng lồ” quốc phòng Lockheed và nhà sản xuất ô tô Chrysler đã nhận được các khoản cứu trợ của chính phủ. Trong Thế chiến thứ nhất, Tổng thống Woodrow Wilson đã quốc hữu hóa các tuyến đường sắt, nhưng ông đã trả lại các tuyến đường sắt này cho tư nhân sau khi chiến tranh kết thúc. Chính quyền Roosevelt đã thực hiện các biện pháp can thiệp sâu rộng trong thời kỳ Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai, từ việc thành lập Cơ quan Quản lý Thung lũng Tennessee đến việc đầu tư lớn vào năng lực sản xuất của quốc gia.

Theo nhà sử học Wilson, Mỹ hiện không phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế hay chiến tranh, nhưng sự cạnh tranh với các cường quốc gồm Nga và Trung Quốc, cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra, đã dẫn đến các chính sách kinh tế mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn.

Mỹ ngày càng nhận ra rằng mô hình kinh tế của Trung Quốc dựa trên năng lực sản xuất dư thừa, “xả” sản phẩm “ra thị trường toàn cầu theo những cách khiến các quốc gia khác khó cạnh tranh nổi” - bà Danzman nói.

Mối đe dọa do sự thống trị của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng đất hiếm gây ra đã trở nên rõ ràng vào tháng 4 khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với Mỹ - bà Baskaran nhấn mạnh. Chỉ trong vòng vài tuần, các nhà sản xuất ô tô đã cảnh báo họ sẽ phải ngừng sản xuất do thiếu đất hiếm.

 “Thời điểm lịch sử hiện nay dường như là lúc để đánh giá lại các giả định của thế hệ trước về hiệu quả của thị trường và thương mại tự do trong việc giải quyết tất cả các vấn đề về an ninh quốc gia”, ông Wilson nhấn mạnh.

Còn theo bà Dazman, có một câu hỏi được đặt ra là liệu sự can thiệp của nhà nước có thể giải quyết thất bại của thị trường tự do trong việc xử lý các mối lo về an ninh quốc gia trong các ngành công nghiệp như đất hiếm hay không. “Khi cố gắng giải quyết một trong những thất bại của thị trường tự do bằng sự can thiệp của chính phủ, các thất bại thị trường mới lại có thể xuất hiện”, bà nói.