17:35 20/11/2023

"Đánh thức" những công trình di sản, không để ngành công nghiệp đường sắt "ngủ quên"

Ánh Tuyết

Nhà máy xe lửa Gia Lâm hơn trăm tuổi không còn “say ngủ” mà đang nhường chỗ cho không gian văn hoá sáng tạo sống động...

Chuyến tàu “Hành trình di sản” đi từ ga Hà Nội đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm gợi nhắc về một thời kỳ vàng son về ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam.
Chuyến tàu “Hành trình di sản” đi từ ga Hà Nội đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm gợi nhắc về một thời kỳ vàng son về ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đang diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17 - 26/11/2023 đó là trải nghiệm hành trình xe lửa di sản, cùng chuỗi các hoạt động văn hoá di sản hấp dẫn tại điểm đến là Nhà máy xe lửa Gia Lâm gần 120 năm tuổi.

NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐƯỜNG SẮT ĐANG "SAY NGỦ"

Nhà máy xe lửa Gia Lâm được người Pháp xây dựng tại vị trí giao điểm của 4 tuyến đường sắt phía Bắc và đi vào hoạt động từ năm 1905. Thời điểm đó, Nhà máy xe lửa Gia Lâm có nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa các loại đầu máy, toa xe phục vụ công tác vận chuyển hành khách, hàng hoá giữa các vùng miền khắp cả nước, khi cần thiết thì sửa chữa, chế tạo vũ khí phục vụ chiến tranh. 

Năm 1964, nhà máy đóng mới loạt đầu máy hơi nước "Tự lực" gắn liền với công cuộc tái thiết đất nước sau ngày thống nhất, ghi dấu ấn thành công mới của ngành cơ khí đường sắt và Nhà máy xe lửa Gia Lâm. 

Vào thời vàng son, Nhà máy xe lửa Gia Lâm (nay là Công ty cổ phần xe lửa Gia Lâm) có diện tích khuôn viên nhà xưởng 50 ha, diện tích xây dựng nhà xưởng khoảng 4.400 m2, trên 2.000 công nhân, với những trang thiết bị hiện đại. Nhớ lại một thời hoàng kim, làm việc tại nhà máy là niềm tự hào, ước ao của nhiều kỹ sư, công nhân cơ khí.

Tuy nhiên, ngành đường sắt dần thất thế khi cạnh tranh với những loại hình vận tải khác như: đường bộ, hàng không... khiến số đơn đặt hàng cũng thưa dần, người lao động cũng rời bỏ công ty. Với hệ thống máy móc, thiết bị lạc hậu, cũ kỹ, ngành công nghiệp đường sắt dường như đang “ngủ quên” trên cơ ngơi rộng hơn 20ha.

 

Thế nhưng, từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô, Nhà máy xe lửa Gia Lâm diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và tổ chức nhiều triển lãm thiết kế sáng tạo, đánh thức các nhà máy, kho xưởng đang "say ngủ", để mang đến một không gian truyền cảm hứng cho người dân Thủ đô và du khách.  

Trong chuyến đi ký họa của thầy trò tại nhà máy, giảng viên Nguyễn Doãn Sơn, trường Mỹ thuật Công nghiệp bày tỏ nơi đây giống như một bảo tàng sống. Chúng ta cảm nhận được những ưu tư, trăn trở, đang tìm cách chuyển mình đi lên của ngành đường sắt.

"Phân vân giữa những giá trị phải gìn giữ, phải chuyển mình, có thể rất đau đớn như một cuộc đại phẫu, điều đó sẽ phải xảy ra bởi đường sắt luôn là một kênh vận chuyển quan trọng của bất cứ nền kinh tế phát triển nào", vị này đánh giá.

Đặc biệt hơn, trong dự thảo Đề án cơ cấu lại đến năm 2025 trình các bộ, ngành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang bày tỏ nhiều mong muốn nhằm vực dậy ngành công nghiệp đường sắt.

Tổng công ty cũng đề xuất giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm như hiện nay là 77,37% thay vì thoái vốn giai đoạn này.

Nhờ đó, Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong công cuộc phát triển công nghiệp đường sắt sắp tới và không để "đất vàng" phát triển công nghiệp đường sắt rơi các nhà đầu tư chỉ toan tính chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang kinh doanh lĩnh vực khác có lợi hơn. 

KẾT NỐI QUÁ KHỨ - HIỆN ĐẠI QUA DI SẢN 

Chia sẻ về lễ hội đặc biệt này, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết VNR là doanh nghiệp nhà nước và được giao quản lý, khai thác mạng kết cấu hạ tầng đường sắt của Nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, tổng công ty còn khai thác những công trình kiến trúc đường sắt là những di sản rất đặc biệt mà theo ngôn ngữ kiến trúc hội tủ đủ 3 yếu tố hình - lý - khí. 

Thông qua Lễ hội Thiết kế Thiết kế Sáng tạo 2023, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mong muốn gửi thông điệp tới người dân và du khách về ngành đường sắt giàu truyền thống nhưng cũng rất cởi mở và cùng tôn vinh, khơi nguồn sáng tạo cho tương lai dựa trên tiếp nối nền tảng lịch sử mà trong đó rất nhiều giá trị di sản đã và đang được ngành đường sắt gìn giữ.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:  "Sau 142 năm lịch sử phát triển, chúng tôi muốn khai thác những "di sản sống" của ngành đường sắt. Chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp đến mọi người về ngành đường sắt có nhiều công trình kiến trúc, di sản quý giá, với truyền thống vẻ vang và quá khứ hào hùng".
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:  "Sau 142 năm lịch sử phát triển, chúng tôi muốn khai thác những "di sản sống" của ngành đường sắt. Chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp đến mọi người về ngành đường sắt có nhiều công trình kiến trúc, di sản quý giá, với truyền thống vẻ vang và quá khứ hào hùng".
Rất nhiều người dân Thủ đô đều biết đến địa điểm này nhưng chưa từng có cơ hội khám phá.
Rất nhiều người dân Thủ đô đều biết đến địa điểm này nhưng chưa từng có cơ hội khám phá.
Khi bước vào khu trưng bày Ký họa Nhà máy xe lửa Gia Lâm, người dân sẽ bắt gặp những khung cảnh đặc trưng: các toa tàu rỉ sét, hệ thống phân xưởng, giàn máy móc hay tháp nước đồ sộ, nhuốm màu thời gian…, qua gần 50 bức ký họa được thể hiện bởi sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Khi bước vào khu trưng bày Ký họa Nhà máy xe lửa Gia Lâm, người dân sẽ bắt gặp những khung cảnh đặc trưng: các toa tàu rỉ sét, hệ thống phân xưởng, giàn máy móc hay tháp nước đồ sộ, nhuốm màu thời gian…, qua gần 50 bức ký họa được thể hiện bởi sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Triển lãm “Tiếng gọi” , với 2000m lụa và 15 tác phẩm của hoạ sỹ Thu Trần tại phân Xưởng 3B1 khiến nhiều du khách không khỏi choáng ngợp.
Triển lãm “Tiếng gọi” , với 2000m lụa và 15 tác phẩm của hoạ sỹ Thu Trần tại phân Xưởng 3B1 khiến nhiều du khách không khỏi choáng ngợp.
Triển lãm cá nhân "Thủy Phủ" của họa sĩ Trịnh Minh Tiến được người dân thích thú tham quan. Thông qua việc tái chế vỏ ô tô và nước, hoạ sỹ gửi gắm thông điệp về sự kết nối quá khứ và tương lai, nhắc nhở chúng ta trân quý giá trị ở hiện tại.
Triển lãm cá nhân "Thủy Phủ" của họa sĩ Trịnh Minh Tiến được người dân thích thú tham quan. Thông qua việc tái chế vỏ ô tô và nước, hoạ sỹ gửi gắm thông điệp về sự kết nối quá khứ và tương lai, nhắc nhở chúng ta trân quý giá trị ở hiện tại.
Hội chợ thủ công - nghệ thuật “Makers Market - The Dots” được tổ chức bởi Hanoi Indie Troupe quy tụ nhiều nhãn hàng có tiếng trong cộng đồng sáng tạo. Hội chợ có quy mô lớn hơn vào cuối tuần tới 25 - 26/11 tại nhà máy.
Hội chợ thủ công - nghệ thuật “Makers Market - The Dots” được tổ chức bởi Hanoi Indie Troupe quy tụ nhiều nhãn hàng có tiếng trong cộng đồng sáng tạo. Hội chợ có quy mô lớn hơn vào cuối tuần tới 25 - 26/11 tại nhà máy.

Nhiều cán bộ, người lao động đã nghỉ hưu của ngành đường sắt cũng coi triển lãm này là cơ hội để về thăm và nhớ lại những tháng ngày đáng tự hào khi xưa.

Chú Đạt (Long Biên, Hà Nội) cho biết đã nghỉ hưu trên 30 năm và gắn bó trong ngành đường sắt 20 năm. Từng làm việc tại phòng lao động, tiền lương Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (2A Khâm Thiên), chú đã đến làm việc tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm nhiều lần nhưng chưa từng có cơ hội vào trong phân xưởng mãi đến khi triển lãm mở cửa công khai cho người dân vào tham quan dịp này.

Những dấu tích của thời gian tại một góc nhà máy.
Những dấu tích của thời gian tại một góc nhà máy.
Đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực, biểu tượng của ngành đường sắt được trưng bày trong khuôn khổ lễ hội.
Đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực, biểu tượng của ngành đường sắt được trưng bày trong khuôn khổ lễ hội.
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023, trong suốt thời gian từ 18/11 - 26/11, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào khai thác chuyến tàu “Hành trình di sản” dành riêng cho du khách tham gia trải nghiệm lễ hội. 
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023, trong suốt thời gian từ 18/11 - 26/11, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào khai thác chuyến tàu “Hành trình di sản” dành riêng cho du khách tham gia trải nghiệm lễ hội. 
 

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là hoạt động thường niên của TP. Hà Nội nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế. 

Từ ngày 18 - 26/11, toàn thành phố sẽ có 60 hoạt động văn hóa, giới thiệu 4 công trình kiến trúc, 20 cuộc trưng bày và triển lãm, chuỗi sự kiện cộng đồng tại nhiều địa điểm là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, vườn hoa Vạn Xuân, ga Long Biên, ga Gia Lâm và tại nhiều quận huyện, thị xã... Trong 3 ngày đầu tiên, lễ hội đón tiếp trên 60.000 du khách.

Sau 10 ngày tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội sẽ đề xuất thành phố có cơ chế giữ gìn các tài sản công có giá trị văn hóa, thu hút du khách tham quan, trong đó có Nhà máy xe lửa Gia Lâm.