14:49 22/01/2024

Đạt mục tiêu kép: Hiệu quả của cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt

Tùng Thư

Việc thiết kế chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt khá phức tạp vì phải đáp ứng mục tiêu kép: vừa điều tiết thu nhập, hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường và tăng cường sức khoẻ cho người dân; vừa tạo nguồn thu ngân sách bền vững. Theo các chuyên gia, cách tính thuế hiệu quả phải cân bằng các mục tiêu trên, đồng thời kiểm soát được những nguy cơ hàng lậu, hàng giả…

Chính phủ định hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp với tình hình mới của Việt Nam.
Chính phủ định hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp với tình hình mới của Việt Nam.

Bộ Tài chính đang thực hiện đề xuất định hướng sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo tinh thần Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 của Chính phủ.

Hiện nay, có hai luồng ý kiến xoay quanh phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt: (i) tiếp tục áp dụng phương pháp tính thuế tương đối theo tỷ lệ phần trăm (đánh trên giá trị sản phẩm) và điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình; (ii) chuyển đổi sang phương pháp tính thuế hỗn hợp (cả tương đối và tuyệt đối).

Các chuyên gia đánh giá đối với các sản phẩm tác động trực tiếp đến sức khỏe, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tính thuế tuyệt đối là hợp lý.

TƯƠNG ĐỐI, TUYỆT ĐỐI HAY HỖN HỢP?

Theo Global Excise Tax Application and Trends 2023, Việt Nam thuộc nhóm 27% quốc gia trên thế giới chủ yếu áp dụng tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tương đối; còn lại 73% các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang phương pháp tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp đối với các mặt hàng tác động trực tiếp tới sức khỏe.

Đơn cử như thuốc lá hoặc rượu, bia, điều tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng là lượng tiêu thụ hoặc nồng độ cồn chứ không phải mức giá trả cho sản phẩm. Nếu thuế chỉ được đánh vào giá, người tiêu dùng có cơ hội giảm giá (chuyển từ sản phẩm cao cấp sang sản phẩm giảm giá) để hạn chế nghĩa vụ thuế của họ. Thuế theo giá trị cũng khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư ít hơn vào phát triển sản phẩm có hiệu quả sử dụng cao hơn và giá cao hơn, vì giá tăng sẽ bị đánh thuế cao.

Chẳng hạn với mặt hàng thuốc lá, ông Mark Goodchild, chuyên gia kinh tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết hiện lượng tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đã ổn định nhưng chưa giảm, gánh nặng sức khỏe và kinh tế của việc sử dụng thuốc lá vẫn còn cao. Điều này cho thấy các chính sách thuế hiện nay chỉ có tác động khiêm tốn và tạm thời.

“Việc áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp cần được coi là vấn đề ưu tiên trong sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và tỷ lệ thuế tuyệt đối cần được áp cao để bảo vệ sức khỏe. Bởi lẽ, thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối và dựa trên nội dung (đơn vị sản phẩm, khối lượng hoặc dung tích) đối với các sản phẩm không lành mạnh tốt hơn so với thuế tính theo tỷ lệ giá xét từ góc độ sức khỏe cộng đồng, vì chúng nhắm trực tiếp hơn vào thành phần có hại”, ông Mark Goodchild khuyến nghị.

Hay như với sản phẩm đồ uống có cồn, dữ liệu từ WordlBank cho thấy giá rượu, bia tại Việt Nam giảm mặc dù thuế suất tăng, góp phần khiến doanh số bán hàng tăng nhanh. Cụ thể, giá bia, rượu mạnh và rượu vang lần lượt giảm 24%, 45% và 5% từ năm 2008 đến năm 2022. Doanh số bán bia, rượu mạnh và rượu vang bình quân đầu người  tăng lần lượt 147%, 95% và 79% trong giai đoạn 2008-2022.

Đạt mục tiêu kép: Hiệu quả của cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 1

Giá thực giảm, kết hợp với thu nhập tăng nhanh đã dẫn đến khả năng chi trả cho rượu tại Việt Nam tăng lên đáng kể.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất ở người trưởng thành Việt Nam đã tăng từ 2,9 lít/người năm 2005 lên 7,9  lít/người năm 2019.

“Khi hàng hóa (ví dụ như y tế, giáo dục, nhà ở) trở nên có giá cả phải chăng hơn, các cá nhân, hộ gia đình và xã hội được hưởng lợi vì chúng ta có thể tiêu dùng nhiều hàng hóa đó hơn. Tuy nhiên, khi hàng hóa gây hại trở nên có giá phải chăng hơn thì các cá nhân, hộ gia đình và xã hội phải gánh chịu thiệt hại”, ông Evan Blecher, chuyên gia kinh tế, Chương trình Thuế toàn cầu kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư thực tiễn toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), phân tích.

Như vậy, cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối theo tỷ lệ phần trăm đang được áp dụng chưa phải là công cụ hiệu quả giúp điều tiết tiêu dùng các sản phẩm như bia, rượu, thuốc lá.

ÁP DỤNG THUẾ HỖN HỢP VỚI RƯỢU, BIA THÌ THU NGÂN SÁCH SẼ CAO HƠN

Dữ liệu của WB cho thấy doanh thu thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia ở Việt Nam cũng tăng về mặt tuyệt đối trong hơn 10 năm qua, nhưng không đóng góp vào tổng doanh thu thuế.

Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2022, doanh thu thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu đã tăng 111% trong điều kiện điều chỉnh lạm phát; tuy nhiên, tỷ lệ thuế/GDP chỉ tăng từ 0,42% lên 0,53% và tỷ trọng trong tổng doanh thu thuế từ 2,2% lên 2,8%. Trong đó, bia chiếm phần lớn số thu thuế, đóng góp 98% số thu thuế từ đồ uống có cồn.

Theo chuyên gia WB, giả định chính sách thuế đối với rượu, bia của Việt Nam không thay đổi (thuế theo giá trị 65%), nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam trong 5 năm tới sẽ giảm 0,52% xuống còn 0,42% GDP (có tính đến tác động kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, những thay đổi về nhân khẩu học và thị trường).

Báo cáo đánh giá định lượng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố năm 2022 chỉ ra nếu áp dụng thuế hỗn hợp với rượu, bia thì thu ngân sách nhà nước sẽ cao hơn. CIEM đưa ra 5 kịch bản. Kịch bản 1 là áp dụng thuế tỷ lệ,  các kịch bản 2, 3, 4 là áp dụng thuế hỗn hợp và kịch bản 5 là áp dụng thuế tuyệt đối toàn phần.

Đạt mục tiêu kép: Hiệu quả của cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 2

Theo PGS. TS. Lý Phương Duyên, Học viện Tài chính, phương pháp tính thuế tương đối và phương pháp tuyệt đối có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nhiều nước đã chọn áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp để cân bằng ưu và nhược điểm của 2 phương pháp.

Phương pháp tính thuế hỗn hợp có tích hợp một cấu phần thuế tuyệt đối theo đơn vị, nên có ưu điểm: (i) đơn giản trong quản lý vì dễ xác định số lượng, trọng lượng, dung tích, thể tích của hàng hóa dịch vụ sẽ dễ dàng hơn so với xác định giá, nhờ vậy, công tác quản lý sẽ dễ dàng hơn;

(ii) nguồn thu ngân sách ổn định và có thể dự đoán, bởi vì nguồn thu mặc dù phụ thuộc vào đơn vị tính thuế nhưng giá trị có thể dễ tính toán hơn và dễ dự đoán hơn; (iii) có thể tác động trực tiếp vào giá và cầu hàng hóa trong trường hợp cầu hàng hóa dịch vụ đó có độ co giãn so với giá, do mức thu được xác định là một con số nhất định nên giá bán có thể dễ dàng nhìn thấy tăng lên và cầu hàng hóa vì thế có thể chịu tác động.

Việc bắt đầu chuyển dịch sang phương pháp tính thuế hỗn hợp với cơ cấu thuế tuyệt đối nhỏ có thể hạn chế những ảnh hưởng đột ngột đến các nhà sản xuất. Đồng thời, với lộ trình rõ ràng để tăng dần cơ cấu tuyệt đối, đồng thời giảm cơ cấu tương đối sẽ giúp các nhà sản xuất có kế hoạch thay đổi danh mục sản phẩm, có động lực để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu các sản phẩm mới nhằm gia tăng thị phần, gia tăng giá trị của sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành sản xuất bia trong nước theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 04-2024 phát hành ngày 22-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại  đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đạt mục tiêu kép: Hiệu quả của cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 3