08:43 15/03/2023

Đề xuất sửa quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp

Nhật Dương

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, đề xuất mở rộng đối tượng tham gia…

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, Bộ đề xuất hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, về tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn một số bất cập như: Đối tượng tham gia hiện chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động.

Một số quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, như: Quy định về đối tượng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp; quy định về trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp do không đủ điều kiện về đóng bảo hiểm thất nghiệp; quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp…

Nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi 4 chế độ hiện hành theo hướng mở rộng phạm vi, rà soát điều kiện tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi và hỗ trợ trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, "cú sốc" thị trường… đột xuất khác.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.

Bổ sung một số quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm thất nghiệp, quản lý đối tượng…

Đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp thất nghiệp: Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất bổ sung nội dung chi của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhất là các nội dung chi hỗ trợ quản lý, phát triển người tham gia, thu thập thông tin cung - cầu lao động… góp phần quản trị thị trường lao động.

Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc đầu tư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, danh mục đầu tư theo tính chất sở hữu, khả năng sinh lời và quản lý rủi ro chặt chẽ, phù hợp với tính chất của Quỹ.

Bổ sung quy định về Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; quy định về chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung quy định về khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp gồm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp.