13:07 08/02/2023

Đổi trả hàng và nỗ lực kích cầu của các thương hiệu thời trang

Băng Hảo

Bất kể là các nhà thiết kế độc lập hay là hãng thời trang quốc tế thì đều có thể gặp vấn đề về hàng hóa bị tồn đọng. Khi người tiêu dùng đã quen hơn với thương mại điện tử, nếu không xử lý kịp thời, hàng tồn kho có thể ngăn cản đà tăng doanh thu của nhà bán lẻ…

Ảnh: Pacific Standard
Ảnh: Pacific Standard

Theo báo cáo của BlueFin Research Partners, mức tồn kho của các hãng thời trang bán lẻ năm 2022 đã cao hơn 27% so với năm trước. Hãng Aritzia – một thương hiệu thời trang cho phụ nữ ở Canada – đã tiết lộ trong báo cáo thu nhập gần đây rằng số lượng hàng trong kho vào khoảng cuối năm 2022 đã cao hơn 80% khi so sánh với năm 2021. 

Nhà phân tích Rebecca Duval cho rằng các hãng thời trang đều nghĩ họ đang làm rất tốt trong công việc của mình bằng cách lập kế hoạch trước cho các vấn đề về chuỗi cung ứng. Nhưng đến năm 2022, sự tùy hứng trong việc mua sắm của khách hàng đã giảm đáng kể dẫn đến nguồn cầu trong cán cân bị mất cân bằng.

ĐIỀU CHỈNH CÁC ĐƠN HÀNG

Chính vì vậy việc quản lí tồn kho một cách hiệu quả là việc không thể thiếu ở hiện tại. “Nếu như vấn đề của năm 2022 là tìm kiếm nguồn cung trong mùa cao điểm mua sắm thì vào năm 2023, các hãng bán lẻ quần áo lại đau đầu với việc xử lí tình trạng dư thừa quần áo và đổi trả hàng khi mua sắm trực tuyến. Do đó, mục tiêu của ngành trong năm nay là tìm ra những biện pháp sáng tạo hơn, giảm thiểu rủi ro và điều chỉnh lại các đơn hàng”, bà Duval nói. 

Theo The Wall Street Journal, thương hiệu Primark, thuộc sở hữu của Associated British Foods (Anh) có kế hoạch nâng số cửa hàng tại Mỹ lên 60 vào cuối năm 2026, so với 13 hiện tại. Sau khi thoát ra khỏi tình trạng phá sản vào năm 2020 với các chủ sở hữu mới, nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Forever 21 cũng cho biết họ sẽ mở 14 cửa hàng mới ở Mỹ trong 8 tháng tới. Tất cả các thương hiệu này đều cần các biện pháp để lôi kéo khách hàng tới mua sắm trực tiếp tại cửa hàng thay vì chỉ ngồi nhà online.

Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh người tiêu dùng chuyển sang chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, ăn uống ở tiệm và thắt chặt các khoản chi tiêu còn lại, sự mất cân đối cung cầu này khiến các nhà bán lẻ tăng cường bán giảm giá tại cửa hàng và tính phí hoàn trả hàng khi mua sắm online để giải phóng hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng.

Primark là điển hình cho việc một thương hiệu không chi tiền cho các chiến dịch quảng cáo truyền thống và không bán hàng trực tuyến, giúp giữ chi phí ở mức thấp. John Bason, Giám đốc tài chính Associated British Foods, công ty mẹ của Primark, nói: “Thương mại điện tử là một cách cung cấp sản phẩm rất tốn kém cho khách hàng”.

Zara kỳ vọng việc cho phép trả hàng miễn phí tại cửa hàng có thể giúp khuyến khích khách quay trở lại mua sắm trực tiếp.
Zara kỳ vọng việc cho phép trả hàng miễn phí tại cửa hàng có thể giúp khuyến khích khách quay trở lại mua sắm trực tiếp.

Nhiều nhà bán lẻ cho biết họ kiếm được ít hơn hoặc thậm chí thua lỗ khi bán hàng trực tuyến sau khi tính chi phí vận chuyển, xử lý và tỷ lệ trả hàng khá lớn so với các cửa hàng truyền thống. Mới đây, Zara thông báo cho khách hàng thông qua trang web của mình, rằng họ có thể đổi hoặc trả hàng miễn phí tại bất kỳ cửa hàng nào ở quốc gia/khu vực nơi họ mua hàng.

Tuy nhiên, thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn do Amancio Ortega thành lập thông báo rằng việc đổi và trả hàng trực tuyến sẽ có giá 1,95 euro bắt đầu từ sau ngày 1/2/2023. Công ty cho biết: “Số tiền này sẽ được khấu trừ vào số tiền hoàn trả”.

Zara cũng lưu ý, rằng các đơn đặt hàng cũng có thể được trả lại miễn phí tại một điểm giao hàng nằm trong cùng quốc gia hoặc khu vực nơi giao dịch mua được thực hiện. Các nguồn tin từ công ty nói với Europa Press, rằng việc trả lại hàng trực tuyến cho các thương hiệu còn lại của tập đoàn như Pull&Bear và Stradivarius sẽ tiếp tục miễn phí.

Tuy nhiên, Inditex nhiều lần nhấn mạnh rằng biện pháp tính phí hoàn trả hàng khi mua hàng trực tuyết được "chấp nhận rất tốt" ở các quốc gia được áp dụng và "không có tác động gì" đến doanh số bán hàng. Do đó, các nhà phân tích cho biết các nhà bán lẻ khác có khả năng sẽ theo chân Zara trong việc tính phí đổi trả hàng.

BỀN VỮNG VÀ TIẾT GIẢM CHI PHÍ

“Sau khi việc tính phí được áp dụng, sẽ có hai kết quả tích cực: tăng tỷ lệ trả lại tại cửa hàng và giảm tỷ lệ trả lại hàng. Nhìn từ quan điểm bền vững, người tiêu dùng cần hiểu rằng đây là xu hướng toàn ngành trong vài năm tới, Giám đốc điều hành của Zara, Óscar García Maceiras nhận định.

Nick Carroll, Phó giám đốc nghiên cứu bán lẻ của Mintel cho biết việc cho phép trả hàng miễn phí tại cửa hàng có thể giúp khuyến khích khách quay trở lại mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.

 

“Nhờ vậy, sản phẩm được đưa vào bày bán trở lại nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn cũng như tăng cơ hội mua sắm khi người mua đã đặt chân vào cửa hàng”.

Các cửa hàng rất mong muốn được hưởng lợi từ việc tăng doanh số bán hàng trực tuyến, nhưng không ai trong số họ muốn đau đầu về hậu cần và chi phí để xử lý hàng trả lại. “Các mặt hàng sau khi nhận từ bưu điện phải được gửi đến nhà kho, đóng gói, làm sạch và sau đó đem bán lại. Quá trình đó không chỉ tốn kém hơn mà còn có thể khiến sản phẩm đó lỗi thời”.

Ông Joseph Malfitano, người sáng lập Công ty chuyển đổi và tái cấu trúc Malfitano Partners cho biết: “Khi tỷ suất lợi nhuận của một nhà bán lẻ giảm xuống khi hàng tồn kho của họ được đánh giá lại – như một thông lệ trong ngành - những hàng tồn kho đó sẽ không có giá trị nhiều. Do đó, cơ sở vay nợ của một công ty có thể giảm”.

Các mặt hàng nếu bị hoàn trả sẽ cần một quá trình không chỉ tốn kém hơn mà còn có thể khiến sản phẩm đó lỗi thời.
Các mặt hàng nếu bị hoàn trả sẽ cần một quá trình không chỉ tốn kém hơn mà còn có thể khiến sản phẩm đó lỗi thời.

Một số nhà bán lẻ có thể hủy đơn đặt hàng để không tạo thêm “bong bóng” hàng tồn kho. Nhưng rất nhiều nhà bán lẻ không thể hủy những đơn đặt hàng đó. “Vì vậy, nếu các nhà bán lẻ không thể hủy đơn đặt hàng và không đưa ra thị trường trong mùa lễ thì lợi nhuận của họ sẽ đi xuống. Nhiều vấn đề sẽ xuất hiện vào năm 2023", ông Malfitano nhận xét.

Bên cạnh đó, mua sắm trực tuyến tuy đã bùng nổ trong đại dịch, nhưng lượng hàng trả lại đang gia tăng nhiều hơn so với các sản phẩm mua tại cửa hàng, qua đó làm gia tăng chi phí cho các nhà bán lẻ. Rất khó để phủ nhận rằng mỗi khi phát sinh đơn hàng đổi trả, không chỉ tiêu tốn chi phí để kiểm tra từng trường hợp, mà còn về việc phụ phí để thực hiện hoàn trả, thay thế sản phẩm và vận chuyển nên việc thu thêm phí hay kéo dài thời gian đổi trả là điều dễ hiểu.

Vì vậy, có thể nói, chất lượng dịch vụ sẽ là công thức “xoa dịu” và “phục hồi” lòng tin của khách hàng khi họ đã không hài lòng về sản phẩm và có nhu cầu đổi trả. Thêm vào đó, một dịch vụ đổi trả miễn phí tại cửa hàng dễ dàng mang đến cảm giác yên tâm ngay cả trước khi quyết định mua sản phẩm. Sự thay đổi chóng mặt qua từng ngày của thế giới đòi hỏi ở những nhà kinh doanh sự nhạy bén trong thị trường đầy biến động và tỉ mỉ trong từng khâu quản lý, đặc biệt là khoảng thời gian hậu đại dịch.