Đồng Nhân dân tệ chịu áp lực giảm giá sau khi Trung Quốc hạ lãi suất
Hồi tháng 12, tỷ giá Nhân dân tệ tăng lên mức cao nhất 3 năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, đồng tiền này bắt đầu chịu áp lực giảm giá. Dự báo trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc sẽ có thêm các đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất...
Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ cắt giảm lãi suất ngày 17/1 có thể làm gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng Nhân dân tệ - một nhà phân tích nhận định khi trao đổi với hãng tin CNBC.
“Việc hạ lãi suất sẽ không giúp ích cho tỷ giá Nhân dân tệ, mà sẽ khiến cho áp lực giảm giá đồng tiền này càng lớn thêm”, chiến lược gia ngoại hối Gareth Berry của Macquarie Group nhận định. Ông Berry nói thêm rằng với sức ép này, Nhân dân tệ có thể giảm giá về vùng 6,55 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Trong phiên giao dịch ngày 17/1, tỷ giá Nhân dân tệ dao động quanh ngưỡng 6,34 Nhân dân tệ “ăn” 1 USD.
Hồi tháng 12, tỷ giá Nhân dân tệ tăng lên mức cao nhất 3 năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, đồng tiền này bắt đầu chịu áp lực giảm giá khi giới đầu tư toàn cầu đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Trong nỗ lực chặn đà giảm tốc của nền kinh tế, PBOC hạ lãi suất đối với 700 tỷ Nhân dân tệ (110 tỷ USD) vốn vay trung hạn (MLF) 1 năm về mức 2,85%. So với trước khi giảm, lãi suất này thấp hơn 0,1 điểm phần trăm. Đây là lần đầu tiên PBOC hạ lãi suất vốn vay trung hạn kể từ tháng 4/2020.
Động thái này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang lo ngại về tăng trưởng kinh tế - chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của Pinpoint Asset Managemen nhận định.
“Tăng trưởng kinh tế rõ ràng đang đối mặt sức ép. Những đợt bùng dịch Covid-19 do biến chủng Omicron gần đây càng làm gia tăng rủi ro suy giảm tăng trưởng. Mức lạm phát còn thấp của Trung Quốc giúp mở ra dư địa chính sách. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đang ở vào giai đoạn đầu của một chu kỳ cắt giảm lãi suất”, ông Zhang nhận định.
Ngoài hạ lãi suất cho vay trung hạn, PBOC còn hạ lãi suất mua lại đảo ngược (reverse repo) – một nghiệp vụ cho vay khác, và bơm thêm 200 tỷ Nhân dân tệ vốn trung hạn vào hệ thống tài chính.
Ông Zhang dự báo trong nửa đầu năm nay, PBOC sẽ có thêm các đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã có một lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào một đợt giảm lãi suất vốn vay kỳ hạn dài – đánh dấu việc Bắc Kinh bắt đầu chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng.
Động thái hạ lãi suất của PBOC nằm ngoài dự báo của nhiều chuyên gia và đặt ngân hàng trung ương này vào vị thế đối lập với các ngân hàng trung ương lớn khác như Fed. Nhiều ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Fed, đang bắt đầu rút lại các chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch, chuyển sang thắt chặt để ứng phó với sự leo thang của lạm phát.
“Sự bùng dịch Omicron đã trở thành rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc”, ông Zhang nói. “Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP quý 1 của Trung Quốc sẽ nghiêng về giảm. Đợt giảm lãi suất này của Trung Quốc mới là một bước đi nhỏ, nhưng theo hướng đúng đắn. Dù vậy, triển vọng kinh tế sẽ tuỳ thuộc nhiều vào việc các đợt bùng dịch sẽ được kiểm soát như thế nào”.
Năm 2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1%. Mức tăng quý 4 so với cùng kỳ năm trước là 4%, cao hơn dự báo của giới phân tích nhưng giảm nhiều từ mức 4,9% đạt được trong quý 3.
Bà Johanna Chua, trưởng bộ phận kinh tế châu Á thuộc Citi Global Markets Asia, cũng cho rằng việc Trung Quốc hạ lãi suất là một dấu hiệu quan trọng cho thấy mối lo ngại của Bắc Kinh về giảm tốc tăng trưởng kinh tế. “Điều có thể rút ra từ động thái này là các nhà hoạch định chính sách đang lo ngại nhiều hơn về tăng trưởng. Trong thời gian tới, họ sẽ còn có thêm nhiều động thái nữa”.
Cũng theo bà Chua, sẽ khó có chuyện Trung Quốc sớm từ bỏ chính sách zero Covid.