07:00 26/04/2022

Dòng tiền quay lại quỹ đạo sau thời kỳ lạc nhịp

Sau gần 2 năm lang thang ở các thị trường tài sản có nhiều rủi ro bởi Covid-19, dòng tiền trong nước đang quay lại quỹ đạo vốn có. Trong đó, tiền gửi cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng nhanh, còn doanh nghiệp cũng rút dần tiền gửi để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Giới chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho sự hồi phục của nền kinh tế....

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 2/2022, tiền gửi cư dân tăng hơn 56.000 tỷ đồng. Mức tăng này trong tháng 1/2022 là 103.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng khoảng 159.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, lớn hơn số liệu của cả năm 2021.

NHIỀU ÁP LỰC KHIẾN LÃI SUẤT NGÂN HÀNG TĂNG

Trước đó, tăng trưởng của tiền gửi cư dân đã có hai năm giảm tốc. Cụ thể, năm 2021, số dư tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 158.600 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với số tăng thêm trong năm 2020. Tương tự, năm 2020, tăng trưởng số dư tiền gửi của người dân cũng giảm gần một nửa so với giai đoạn 2018-2019.

Thời điểm năm 2019 và đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp mua vào lượng ngoại tệ rất lớn để củng cố dự trữ ngoại hối. Lượng cung VND đối ứng được đẩy ra thị trường giúp thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào.

Vì vậy, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiền gửi của cư dân bắt đầu giảm tốc từ năm 2020, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn ổn định ở mặt bằng thấp, lãi suất VND liên ngân hàng qua đêm dưới 1%/năm.

Lượng tiền đối ứng trên dần được thị trường trung hòa. Khi tăng trưởng tín dụng bứt tốc mạnh mẽ, thanh khoản hệ thống lập tức phản ứng theo chiều hướng căng thẳng. Từ cuối năm 2021 đến nay, kênh hỗ trợ vốn của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở (OMO) đã được nhiều thành viên sử dụng. Đồng thời, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm thường xuyên trên 2%/năm.

Để tránh rủi ro không đáng có liên quan đến thanh khoản, nhiều ngân hàng đã chủ động tăng lãi suất huy động. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động từ giữa năm 2021 đến nay đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm.

Dòng tiền quay lại quỹ đạo sau thời kỳ lạc nhịp - Ảnh 1

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), có ba lý do chính khiến thanh khoản hệ thống khó dồi dào trở lại và lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì xung quanh mặt bằng hiện tại.

Thứ nhất, trên thế giới, các ngân hàng trung ương, điển hình là Fed hay BOE, vẫn đang trong quá trình trung hòa dần chính sách tiền tệ nới lỏng. Hơn nữa, các quan điểm mạnh mẽ của Fed một lần nữa lại được củng cố trong biên bản họp tháng 3.

Thứ hai, trong quý 1/2022, dư nợ tín dụng tăng 5,04%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,16% của quý 1/2021, cho thấy nhu cầu tín dụng cao trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch.

Thứ ba, áp lực từ lạm phát cũng như lạm phát kỳ vọng tăng theo các diễn biến cập nhật từ thị trường thế giới.

Vì vậy, VCBS đánh giá, mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến lạm phát trong các quý tới cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tăng của lãi suất huy động.

“Với áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo, cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động còn có thể tiếp tục tăng khoảng 0,5-1,0 điểm phần trăm trong cả năm 2022”, nhóm nghiên cứu dự báo.

CÁC KÊNH ĐẦU TƯ "NGUỘI" DẦN

Vừa qua, tại thị trường trái phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bao gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil.

Đồng thời, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh trong ngắn hạn sẽ tác động đa chiều đến khả năng huy động vốn của nhóm doanh nghiệp cùng ngành trên khi nhà đầu tư sẽ có góc nhìn chọn lọc kỹ càng hơn rất nhiều về điều khoản đi kèm của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Giới chuyên môn cho rằng, khi nhà đầu tư e dè ở kênh trái phiếu doanh nghiệp thì dòng tiền sẽ chạy sang thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến pháp lý.

Dòng tiền quay lại quỹ đạo sau thời kỳ lạc nhịp - Ảnh 2

Gần đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bốn cá nhân về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” gồm Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt.

Trước đó, cơ quan này cũng cho biết đang tiến hành điều tra vụ “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Sau các vụ việc trên, trong vòng một tháng, chỉ số VN-Index đã giảm tới 124 điểm và trở về vùng giá cách đây nửa năm. Kéo theo áp lực bán tháo lan từ nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, có tính đầu cơ sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn. Thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2021.

Nhìn chung, kênh đầu tư chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đã cho thấy dấu hiệu chững lại khi hàng loạt các vụ việc sai phạm đang được Chính phủ gấp rút làm rõ.

Tại diễn biến khác, mặc dù chưa có vụ việc nào liên quan đến pháp lý được công bố nhưng sau một thời gian tăng nóng 30 - 50%, tình hình giao dịch bất động sản tại một số nơi cũng đang có dấu hiệu chững lại, khó tìm người mua.

DÒNG TIỀN QUAY LẠI QUỸ ĐẠO THÔNG THƯỜNG

Với việc lãi suất huy động tăng nhanh và các kênh đầu tư như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… bị chững lại, dòng tiền đã chuyển hướng về nơi an toàn là ngân hàng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng vào hệ thống ngân hàng 159.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong khi người dân gửi ròng thì các doanh nghiệp lại có xu hướng rút dần tiền gửi để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, tổ chức doanh nghiệp đã rút ròng khoảng 8.800 tỷ đồng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, dù ít nhưng số liệu cuối tháng 2/2022 vẫn phát đi những tín hiệu cho thấy tiền gửi tại ngân hàng đang quay trở về quỹ đạo thông thường, chấm dứt 2 năm lạc nhịp trước đó.

Cụ thể, dòng tiền nhàn rỗi của cư dân quay nhanh chóng trở lại hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư có mức sinh lời tốt do mức lãi suất tiền gửi vẫn đang thực dương khá lớn so với lạm phát. Ngoài ra, nhiều chương trình ưu đãi được các ngân hàng đẩy mạnh nhằm tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng giúp cho tiền nhàn rỗi của cư dân tăng mạnh hơn.

“Đặc biệt, những nguy cơ bong bóng từ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản hiện nay đang gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Tất nhiên, tùy khẩu vị rủi ro của từng đối tượng khách hàng nhưng có thể thấy tiền gửi vẫn sẽ có vị trí nhất định, chưa kể đây là kênh tích lũy, mà đã là tích lũy thì sẽ theo xu hướng tăng”, ông Hiếu nói.

Trái lại, tiền gửi của doanh nghiệp sẽ được rút dần ra để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục, chứ không còn để quá nhiều tại ngân hàng. Hoạt động rút ròng này sẽ phải vận động dần dần chứ không thể lập tức rút ngay một khoản tiền lớn.

“Biến động của dòng tiền chảy vào ngân hàng cho thấy loạt động thái từ phía nhà quản lý ngăn lĩnh vực rủi ro tăng nóng đã có hiệu quả. Đồng thời, doanh nghiệp đã chú trọng hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất cả những điều này đều thể hiện nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ và hướng tới sự phát triển bền vững”, ông Hiếu nhấn mạnh.